Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Sống không đôi mắt: Người mù dò gậy, cầm dao

Tạp Chí Giáo Dục

Người mù đã và đang chứng minh họ có thể sinh hoạt, làm việc, giải trí gần tương tự người sáng mắt.
Học sinh khiếm thị Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM) chế biến thực phẩm /// Ảnh: Như Lịch
Học sinh khiếm thị Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM) chế biến thực phẩm. Ảnh: Như Lịch
Nấu ăn, đá banh, chơi cờ, sử dụng thiết bị công nghệ thành thạo, thậm chí có người còn gặt hái thành công lớn ở nhiều lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, kinh tế, chính trị… Người khiếm thị đã và đang chứng minh họ có thể sinh hoạt, làm việc, giải trí gần tương tự người sáng mắt.
Tuy vậy, trước khi có thể sống tự lập và hòa nhập với xã hội, đa số họ phải trải qua những môn học “sống còn”: Định hướng và di chuyển, tự phục vụ…

Tập dò, tập gõ mới tập đi

Dạy môn này, nguy hiểm nhất là lúc các em băng qua đường. Chúng tôi luôn nhắc nhở học sinh khi ra ngoài phải cầm gậy màu trắng (biểu tượng của người khiếm thị) để lái xe dễ nhận thấy và nhường đường
Thầy Nguyễn Phi Hùng,  Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM

Trường Phổ thông đặc biệt (PTĐB) Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM, có số học sinh khiếm thị đông nhất nước, với khoảng 300 em. Học sinh từ lớp 1 đến lớp 7 trường này được học các môn kỹ năng sống, định hướng và di chuyển.

Mới đây, chúng tôi theo các học sinh lớp 6 kỹ năng (dành cho những em đa tật: ngoài khiếm thị còn bị chậm phát triển…) ra đường thực hành môn định hướng và di chuyển.
Thầy phụ trách Nguyễn Phi Hùng trực tiếp “tháp tùng” từng nhóm học sinh. Thầy dặn dò: “Khi ra đường, các em cố gắng giao tiếp với người sáng mắt. Đi đâu cũng phải biết lộ trình. Nếu cảm nhận lộ trình lạ quá thì phải tìm lại cái mốc mình mới qua, để xác định hướng đi đúng. Nếu tìm không được, nhờ người sáng mắt chỉ đường”.
Từ trường đến ngã tư Nguyễn Chí Thanh – Nguyễn Duy Dương, Q.5 chỉ khoảng 100 m nhưng nhóm học sinh này mất hơn 30 phút để di chuyển cả đi lẫn về. Một số đoạn vỉa hè bị chiếm dụng đậu xe, bán hàng rong nên các em phải cặp sát lề đường, trông khá nguy hiểm.
Sống không đôi mắt: Người mù dò gậy, cầm dao - ảnh 3
Học chữ nổi (Braille) tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. ẢNH: NHƯ LỊCH
Dọc đường, các em gõ gậy vào trụ điện, cột đèn và chăm chú phân biệt từng âm thanh phát ra. Đây là một trong những cách nhận diện điểm mốc, xác định vị trí trên lộ trình.
“Dạy môn này, nguy hiểm nhất là lúc các em băng qua đường. Chúng tôi luôn nhắc nhở học sinh khi ra ngoài phải cầm gậy màu trắng (biểu tượng của người khiếm thị) để lái xe dễ nhận thấy và nhường đường”, thầy Hùng nói.
Trên thực tế, dù học sinh có mang gậy nhưng vẫn xảy ra một số trường hợp thót tim. Cuối tháng 4.2019, thầy Hùng hướng dẫn bốn nữ sinh lớp 5 băng qua đường. Các em đứng hàng ngang trên lề, nghe ngóng tiếng xe rồi đưa gậy lên báo xin đường. Khi các em đi đến giữa đường trong tư thế một tay quét gậy, một tay giơ lên xin đường, bỗng có chiếc ô tô 7 chỗ chạy ào tới. Lúc đó, thầy Hùng đi cuối (để người ta thấy người khiếm thị phía trước sẽ giảm tốc độ) vội giơ tay xin đường cùng các em, song chiếc xe cũng không dừng lại. Lập tức ông băng tới, lấy thân mình che cho học trò và la to, tài xế mới thắng lại…
Chị Lê Thị Lan Hương (quê Đồng Nai, tạm trú P.14, Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết trước khi được học định hướng và di chuyển tại Hội Người mù TP.HCM, chị chỉ quanh quẩn trong nhà. Vì vậy, những hôm phải ra đường thực hành môn này là chị chết khiếp.
“Sợ nhất là đang đi qua đường mà nghe còi bóp inh ỏi hoặc tiếng nẹt pô phóng xe qua. Có lần mình đi được nửa đường, chuẩn bị chuyển sang làn đường ngược lại thì đầu gậy bị quấn vào xe người ta. Mình hoảng quá kêu cô giáo, cô chạy lại ôm và bảo mình hít thở sâu”, chị Hương nhớ lại.
Sống không đôi mắt: Người mù dò gậy, cầm dao - ảnh 4
Học sinh khiếm thị Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu thực hành “Định hướng và di chuyển”. ẢNH: NHƯ LỊCH
Mất vài năm để học… xài dao

Người mù… chỉ đường cho người sáng mắt

Thấy Trần Nhật Hào (cựu học sinh Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu) ngồi bán móc khóa, một phụ nữ hỏi đường đi đến khu vực cầu Nguyễn Tri Phương. Sau khi được Hào chỉ dẫn tận tình, dễ hiểu, bà mua ủng hộ hai móc khóa. Chợt nhận ra Hào bị mù (bẩm sinh), bà buột miệng: “Ủa, con không thấy đường hả, vậy chỉ đường có đúng không?”. Hào đáp: “Dạ đúng, không tin cô cứ hỏi chú xe ôm”.
Tình cờ chứng kiến cảnh trên, cô Phạm Thị Thu Thanh (cô giáo cũ của Hào) xuýt xoa công nhận học trò của mình chỉ đường rất chính xác!

Buổi sáng, nhóm học sinh lớp 8 – lớp 9 kỹ năng Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM dò gậy đến chợ An Đông mua thực phẩm. Các em tự tính toán chi tiêu, làm sao phù hợp quy định nhà trường cho mỗi phần ăn là 20.000 đồng. Đi chợ xong, cả nhóm tự nấu bữa trưa cho mình dưới sự giám sát và hướng dẫn của cô Nguyễn Thị Thu Sương (giáo viên môn kỹ năng sống).

Cậu bé mù Lê Nguyễn Anh Phú (14 tuổi, nhà ở H.Bình Chánh, TP.HCM) quờ tay đặt cái nồi lên bếp và từ từ cho dầu ăn (chắt sẵn trong chén) vào nồi. Em lùi lại một chút, sờ soạng kiểm tra cái nồi ngay ngắn chưa, đắn đo một lúc rồi mới bật lửa, khử tỏi, bỏ rau vào và đậy vung. Trong vài phút chờ rau chín, Phú chăm chú đong từng muỗng gia vị đổ chung vào chén, hòa ít nước rồi cho vào nồi nêm nếm. Món rau muống xào tỏi đã xong!
Trong khi đó, Huỳnh Kim Ngân (16 tuổi, học chung lớp 8 kỹ năng với Phú) dò dẫm cắt từng miếng bí đỏ trên thớt. Ngân bộc bạch: “Em tập cầm dao, tập nấu ăn suốt hai năm nay. Lúc đầu, em từng bị đứt tay nên sợ lắm! Em cũng rất sợ gas và lửa. Nhờ giáo viên chỉ bày và được thực hành thường xuyên nên em có kinh nghiệm. Bây giờ em đã biết phụ mẹ làm việc nhà và nấu mấy món cho gia đình”.
Học sinh khiếm thị, nhất là đa tật thường phải mất vài tháng đến vài năm mới sử dụng được dao thuần thục. Mới đầu, các em dùng dao bằng nhựa, sau lên dao inox rồi từ từ mới đến dao bén hơn. Cô Phạm Thị Thu Thanh (giáo viên các lớp kỹ năng) chia sẻ: “Giáo viên phải kiên nhẫn, cẩn thận, quan sát hết sức tỉ mỉ để đảm bảo an toàn cho trẻ. Bởi học sinh khiếm thị rất nhạy phòng vệ xúc giác, chẳng hạn bị nóng một cái là sợ không bao giờ làm nữa”.
Theo cô Hà Thanh Vân, Hiệu trưởng Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu, trước đây, kỹ năng sống (giao tiếp xã hội, tự phục vụ và chế biến thực phẩm) chỉ là hoạt động ngoại khóa nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, nhà trường đưa vào thành môn học. Sau đó, nó đã được Bộ GD-ĐT công nhận là môn học ở các trường chuyên biệt.
“Người mù không có cơ hội học tập ngẫu nhiên thông qua thị giác, nên những môn định hướng và di chuyển, kỹ năng sống đều phải được dạy. Có những kỹ năng thiết yếu trên, người mù mới có thể sống độc lập, tự tin bước ra đời”, cô Vân lý giải. (còn tiếp)

1,03 triệu người khuyết tật thị lực

Theo bà Đinh Việt Anh, Phó chủ tịch Hội Người mù VN, căn cứ mức độ khiếm khuyết thị giác, người khiếm thị được phân thành hai loại: người mù và người nhìn kém. Người mù là người khuyết tật nặng về thị giác, dù có các phương tiện hỗ trợ thị lực nhưng hầu như không thể sử dụng mắt vào các hoạt động học tập, lao động và sinh hoạt.
Hiện nay, Hội Người mù VN tập trung chăm lo đến đối tượng người khiếm thị khó khăn nhất (người mù) nên lấy tên là Hội Người mù VN với tiêu chuẩn hội viên: có thị lực 0,5/10 trở xuống. Hội hiện có 74.430 hội viên thuộc 56 tỉnh, thành hội. Theo báo cáo điều tra quốc gia về người khuyết tật của Tổng cục Thống kê năm 2016 – 2017, cả nước có khoảng 1,03 triệu người khuyết tật thị lực.

Theo Như Lịch/TNO

 

Bình luận (0)