Đối với lứa tuổi học sinh THCS, nhận thức về sống có trách nhiệm vẫn còn thấp và trừu tượng trong lúc gia đình thiếu sự quan tâm. Nhiều gia đình kinh tế khá giả, thuê người giúp việc nên không cần con làm bất cứ việc gì. Hay cha mẹ đi làm suốt ngày ít để ý tới con học hành, sinh hoạt ra sao. Đó là lý do để một số trẻ sống ích kỷ chỉ biết mỗi bản thân mình. Nhiều em trước khi đi học không tự sắp xếp được mọi việc mà phải nhờ cha mẹ chuẩn bị quần áo, sách vở đầy đủ dù đó là việc của mình…
Vì thế, theo tôi, dạy trẻ sống có trách nhiệm là công việc cực kỳ quan trọng. Bất kỳ bộ môn nào cũng có thể giáo dục được thông qua những bài học lồng ghép. Chương trình môn văn khối 6 có thể lấy đoạn trích Bài học đường đời đầu tiên trong truyện đồng thoại Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài để ngăn chặn thói hợm hĩnh ích kỷ, tự cao coi trọng cái tôi nên phải chuốc lấy bài học đắng cay. Bài thơ Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ ca ngợi hình ảnh vị lãnh tụ biết hy sinh mình để chăm lo cho người chiến sĩ trong hoàn cảnh gian khổ thiếu thốn ở mặt trận như một bài học lớn nhắc nhở các em phải quan tâm tới người khác.
Giáo viên chủ nhiệm có vai trò quan trọng trong việc dạy học sinh sống có trách nhiệm; là người theo suốt quá trình rèn luyện của học sinh, dạy cho các em bài học đầu tiên về ý thức kỷ luật thông qua nội quy của nhà trường để các em biết tôn trọng kỷ luật, giữ gìn vệ sinh và có trách nhiệm với người thân. Đó là những bài giảng về lòng hiếu thảo đối với cha mẹ, ông bà, anh chị em.
Tại Trường THCS Đức Trí, chủ đề “Chăm ngoan học tốt” được nhà trường phát động hàng năm luôn gắn với những hoạt động ở nhà như quan tâm tới người thân nhất là lúc đau ốm, viết thư cho cha mẹ thân yêu… Các em tự thảo luận, tự quay video clip để trình chiếu thông qua chuyên đề cấp trường, cấp quận. Dịp Tết vừa qua, các em đăng ký chuyên đề “Làm việc tốt” như tự dọn dẹp nhà cửa, giúp đỡ người nghèo khổ, người già neo đơn… Những câu chuyện như xách đồ giúp người già, khuyên mẹ dừng xe giúp người bị tai nạn giao thông trên đường đi mà các em đã làm thể hiện tinh thần sống có trách nhiệm. Trên lớp các em biết quan tâm tới các bạn có hoàn cảnh khó khăn, bạn mồ côi sống thiếu tình thương. Sắp tới đến Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, nhà trường phát động phong trào viết thư cảm ơn bà, mẹ với chủ đề “Dành cho người phụ nữ tôi yêu”.
Tuy đó là những cách thực hiện đơn giản nhưng đã gieo mầm cho các em về sự quan tâm đến người khác: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.
Tạ Thị Thanh Huyền
(Giáo viên môn ngữ văn,
Trường THCS Đức Trí, Q.1, TP.HCM)
Bình luận (0)