Anh Đặng Văn Chánh bên con trai út, mong muốn lớn nhất của anh bây giờ là có được việc làm lo cho gia đình, con cái học hành đến nơi đến chốn… |
Nhiều năm qua, dù phải lần dò từng bước trên triền dốc mấp mô, tăm tối của cuộc đời, người đàn ông mù Đặng Văn Chánh (ấp 2, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM) vẫn luôn cố gắng vươn về tương lai phía trước. Bởi đơn giản anh tin rằng, phía trước mình còn có thể được thấy ánh sáng, khoảng quá khứ đằng sau vốn đã ngập tràn bóng tối rồi…
Anh Đặng Văn Chánh là một trong 10 tấm gương vượt lên nghịch cảnh vừa đến giao lưu về “khát vọng sống” và truyền cảm hứng cho hàng trăm sinh viên TP.HCM mới đây.
10 năm chưa sắm quần áo mới
Ngày đi dự giao lưu, anh không còn chiếc quần dài nào tươm tất, lành lặn. Cái thì rách gối từng mảng do vấp té, cái bị tuột lai, cái lại rách toạc ống, hàng xóm thương tình cho anh mượn đỡ… quần mặc. Quần mượn rộng thùng thình nhưng anh bảo: “Không vấn đề gì! Bởi 10 năm nay tôi chưa sắm quần áo mới, toàn mặc lại đồ cũ của người thân, chiếc nào cũng đều quá cỡ như vậy nên quen rồi”.
Không chỉ áo quần, cả căn nhà hiện anh đang ở lẫn nhiều thứ vật dụng trong đó cũng đều được tặng. Ngôi nhà tình thương được địa phương xây cho nằm sát mé sông Soài Rạp, những lần con nước lớn lại tràn hết vào, có khi cả nhà đang ăn cơm phải bưng mâm chạy. Phía góc cửa, chiếc bàn học be bé được ông chủ tiệm photocopy trong xã tặng, chiếc ti vi được các anh chị hội người mù cho, chiếc giường gỗ cũ kỹ của cậu em trong xóm chuyển nhượng lại sau khi không dùng nữa. Cái tủ lạnh đặt cạnh gian bếp cũng được phía mẹ vợ cho, lật toang cánh cửa thấy trống trơn chẳng chứa gì… Bao nhiêu năm, cuộc sống khó nghèo quấn lấy, anh bảo chạy cơm được từng bữa là mừng lắm rồi, chẳng dám “mơ” điều kiện sắm sửa. Điều anh mơ giản dị đến nỗi một người bình thường nhìn vào có thể rớm nước mắt. Anh mong mình hết mù, nhìn tỏ mọi thứ để có thể làm thêm nhiều công việc, cực nhọc cỡ nào cũng được, như một người sáng mắt bình thường.
Ngày còn nhỏ, trong một tai nạn lúc cùng cha mẹ đi làm đồng, anh Chánh bị mù đi một mắt. Gia cảnh nghèo, không có tiền chạy chữa kịp, con mắt còn lại của anh cũng dần lòa. Năm anh 12 tuổi, ba anh bị bệnh mất. 6 năm sau, mẹ anh cũng vĩnh viễn rời theo. Không còn tình thương ấm áp gia đình, không còn nhà cửa, lối đi dưới chân cậu bé Chánh khi ấy từng rất chông chênh, mịt mù…
Anh Đặng Văn Chánh chăm sóc ao tôm thuê cho một người cùng xã… |
Hai đứa con của anh chị (một đang học lớp 9, một gần tròn 3 tuổi) sẽ có đủ cơm, đủ áo và được yên ổn học hành. Bởi ít ra bây giờ, gia đình họ đã được đi trên con đường nhiều ánh sáng hơn trước… |
Anh ngậm ngùi nhận ra mình chẳng còn lối nào ngoài việc phải… tiến lên phía trước. Thời điểm đó, anh lao vào công việc, mọi người thường thương mến gọi anh là “thợ đụng”. Bởi anh đụng gì làm nấy, không ngại gì, từ công việc bốc xếp, gánh nước thuê đến rửa ao tôm, sửa nhà cửa… miễn có người mướn. Tùy công việc, anh cũng đụng đâu ở đó, lang bạt nhiều năm dài. Có giai đoạn, những việc khác không được thuê nữa, anh đánh liều chuyển sang… chạy xe ôm. Khi ấy anh mới ngoài 20 tuổi, nhưng mắt đã mờ lắm rồi. Anh lái xe dựa vào những tiếng nổ của xe khác, tiếng bíp còi hoặc lần dò theo bóng của những chiếc xe tải cùng chiều. Dù chỉ dám chở khách những đoạn đường gần, quen thuộc tuy nhiên những đoạn ổ gà hay xe đạp thình lình băng ngang trước mặt, anh không né kịp, cũng có lúc ngã. Dần dần, nhiều khách phát hiện anh nhìn không rõ, chẳng an tâm đi nữa…
“Sống” lại đôi mắt, sống lại cuộc đời…
Ngoài 40 tuổi, một giấc mơ nhiệm mầu đã bất ngờ đưa người đàn ông bước trở ra vùng ánh sáng của cuộc đời, giấc mơ đẹp tới mức nhiều khi nghĩ lại anh vẫn chẳng thể tin được. Một nhà từ thiện ở TP.HCM đã cùng Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM hỗ trợ anh ghép giác mạc miễn phí. “Sống” lại đôi mắt, anh như sống lại cuộc đời. Từng con chữ, từng sắc màu cũng dần hiện ra trong mắt người đàn ông, đầy diệu kỳ và lạ lẫm…
Anh cùng vợ xây dựng cuộc sống mới, bắt đầu từ những công việc “phổ thông” nhất, những công việc mà trong thế giới trùm bóng tối trước đây anh từng hằng mơ ước. Có hôm người ta thấy anh đi xe buýt, lặn lội hàng chục cây số bán gà. Dù mua qua bán lại, tiền công kiếm được cũng chẳng bao nhiêu nhưng anh tràn trề hứng khởi. Có hôm, anh đội nắng đi rửa ao tôm, mồ hôi đẫm áo, mỗi ngày được trả 100 đến 200 ngàn đồng. Rồi anh đi gánh nước thuê, phụ vợ đi bán hột vịt lộn… bận bịu không ngơi nghỉ.
Vợ anh, chị Nguyễn Thị Kim Phượng mới 36 tuổi nhưng nét cơ cực hằn lên gương mặt khiến già đi trước tuổi. Trước đây, chị từng đi xin việc nhưng 4 lần liên tiếp bị chối từ chỉ vì nơi tuyển dụng không tin vào tuổi thật của chị. Ai cũng nghĩ chị già hơn tới… chục tuổi. Chị cũng từng xin làm cho xí nghiệp, cả rửa chén và giặt giũ thuê, giúp việc nhà… Nhưng chị bảo giờ nhà nhà sắm máy giặt cả rồi, ít ai thuê chị nữa. Chị cũng không thích nghi lâu dài được với môi trường làm việc xí nghiệp thường xuyên tăng ca vì căn bệnh tiểu đường kèm theo tụt huyết áp thỉnh thoảng khiến chị bất thình lình ngất xỉu. Hiện, chị mỗi ngày lấy hột vịt lộn về cặm cụi bán, bữa được bữa không. Anh cũng nhận trông coi, chăm sóc thường xuyên ao tôm cho một người cùng xã và tiếp tục làm “thợ đụng”, hễ ai gọi gì là xắn tay lên làm hết. Hai vợ chồng bằng mọi cách chắt chiu, dành dụm từng đồng tiền nhỏ để ổn định dần cuộc sống. Có khác là họ giờ đã mạnh dạn ước mơ hơn, mạnh dạn tin tưởng hơn, rằng chính đôi tay, nỗ lực và sự cần mẫn… vào một ngày không xa sẽ dắt họ ra khỏi cuộc sống nhọc nhằn.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Bình luận (0)