Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Sống liều giữa di sản thế giới

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Suốt hơn 40 năm nay, khi khu di tích Kinh thành Huế tấp nập du khách vào ra chiêm bái thì hàng ngàn hộ dân phải sống trong sợ hãi bên trong những ngôi nhà mục nát hoặc những căn chòi chênh vênh.

Sống “liều” vì không thể khác

Cư dân ở khu thượng thành Huế hầu hết tự xây nhà không phép trên công trình di tích, phần lớn thuộc diện  hộ nghèo, hộ cận nghèo, chủ yếu là lao động phổ thông nên đời sống gặp nhiều khó khăn.  

Bà Võ Thị Nhạn – 71 tuổi, hiện đang ngụ tại nhà số 50 Nguyễn Chí Diểu, P.Thuận Thành, TP.Huế – vốn là di tích Thượng thư đường của Bộ Công dưới triều Nguyễn, nay nhiều hạng mục đã bị hoại mục, gạch ngói hư hỏng. 

Song lieu giua di san the gioi
Bà Võ Thị Nhạn (71 tuổi) hiện đang sống cảnh “chị Dậu” tại di tích Thượng thư đường của Bộ Công dưới triều Nguyễn

Bà Nhạn nói: “Nhiều lúc ra vô nhà phải đội mũ bảo hiểm vì sợ gạch ngói rớt trúng đầu. Trời nắng thì nóng, ngột ngạt, mưa thì dột, ẩm ướt, bức bối lắm. Giờ chuẩn bị đến mùa mưa lũ, khổ trăm bề. Tui là cựu thanh niên xung phong, bị nhiễm chất độc da cam, sau đó về làm việc ở Văn phòng Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế, được Tỉnh ủy phân về ở đây đã 32 năm nay. Ở trong căn nhà xuống cấp, lại có một thân một mình nên tui sợ lắm. Nếu tỉnh có chủ trương di dời, tui xin được hỗ trợ một lô đất hoặc một ít tiền để về quê Phú Lộc mua đất, làm nhà”.

Có quá nhiều người phải liều mình định cư ở đó như bà Nhạn. Cuộc sống tạm bợ của cư dân thượng thành Huế đã trải qua hàng chục năm và hầu hết là định cư tự phát do nguyên nhân lịch sử. Trong chiến tranh (trước năm 1975), một bộ phận dân cư ở các làng quê đã di chuyển lên thành phố, sống bám vào các di tích và ở đến nay.

Bà Nguyễn Thị Thê (67 tuổi, trú tại nhà số 5, kiệt 74 Ông Ích Khiêm, P.Thuận Thành) cho biết, bà về làm dâu ở thượng thành vì cha mẹ chồng đã ở đây từ trước. Nay cha mẹ chồng đã qua đời và con cái bà cũng đã có vợ có chồng. “Nhà cửa dột nát nhưng không được phép sửa chữa. Khi nghe tin Nhà nước có chủ trương di dời, tụi tui mừng lắm. Mong sao Nhà nước tạo điều kiện cho tụi tui có một nơi ở mới, ổn định để làm ăn, sinh sống”.

Cư ngụ hơn 50 năm ở di tích Khâm Thiên Giám (số 82 Hàn Thuyên, P.Thuận Thành), bà Nguyễn Thị Duyệt (79 tuổi) kể, cứ mỗi khi mưa là nhà dột, nhưng vì di tích vốn nguyên trạng mái ngói nên không thể thay tôn được. Thế là phải mua bạt về phủ lên mái nhà. 

Song lieu giua di san the gioi
Bà Nguyễn Thị Duyệt – 79 tuổi, cư ngụ hơn 50 năm ở di tích Khâm Thiên Giám

“Con cái tha phương cầu thực hết cả, tôi chỉ sống với đứa cháu nên mỗi khi mưa bão, công an phường lại đến dẫn hai bà cháu đi ở tạm nhà khác vài ngày. Ở chỗ ni không đi không được, có thể sập bất cứ lúc nào. Chúng tôi cũng nghe có dự án di dời hơn ba năm rồi mà không thấy  gì. Giờ nghe chủ trương di dời, mừng lắm, nhưng không biết có thật không” – bà bán tín bán nghi.

Trước sự xuống cấp của công trình Khâm Thiên Giám, mới đây, cơ quan chức năng đã cử người đến giằng chống tạm cho công trình này, đồng thời rào chắn, khoanh vùng khu vực nguy hiểm để người dân không đến gần. Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, trong tòa nhà chính, hiện không có hộ dân nào sinh sống, nhưng cũng không thể tu bổ vì trong khuôn viên còn nhiều cư dân đang sinh sống. Những hộ này không có điều kiện để tìm chỗ ở mới.

Di tích bị xâm hại nặng nề

Dọc tuyến di tích Hộ thành hào ở mặt Nam của Kinh thành Huế (tập trung trên tuyến đường bờ hồ từ Trần Hưng Đạo đến Phan Đăng Lưu), đập vào mắt chúng tôi là những ngôi nhà dựng tạm bợ, nhếch nhác. Những nhà dân này lấn ra mặt nước của di tích, thải chất bẩn và rác xuống hào, gây ô nhiễm nặng nề. Có đoạn, người dân lấn chiếm đến 2/3 diện tích mặt nước của Hộ thành hào.

Tình trạng ô nhiễm và gây ách tắc dòng chảy đã kéo dài nhiều năm. Không riêng gì Hộ thành hào, nhiều hồ ở Kinh thành Huế bị lấn chiếm và xả rác thải khiến khu vực từng có hơn 40 hồ này chỉ còn 27 hồ với diện tích mặt nước chưa đầy 22ha.

Song lieu giua di san the gioi
Hộ thành hào ở mặt Nam của Kinh thành Huế đoạn khu vực bờ hồ (đường Trần Hưng Đạo) được ví như khu ổ chuột giữa TP.Huế

Các bộ phận trong kiến trúc Kinh thành Huế cũng đang bị hư hỏng nặng nề: hệ thống vòng tường thành hư hỏng khoảng 40%, nhiều pháo đài bị chiếm dụng làm nhà ở, di tích Trấn Bình đài (hiện đang được Bộ chỉ huy quân sự tỉnh quản lý và sử dụng) đã hỏng khoảng 50%, tuyến phòng lộ bị chiếm dụng trồng hoa màu và xây nhà ở tạm, khu vực thượng thành hiện rất đông cư dân sinh sống và canh tác hoa màu…

Tiến sĩ Phan Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế – cho biết, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án di dời dân ra khỏi khu vực 1 của di tích, trung tâm sẽ dành khoảng 1.000 tỷ đồng từ nguồn thu bán vé tham quan (từ năm 2019-2025) để thực hiện việc hỗ trợ đền bù, giải phóng mặt bằng.

“Sau khi trùng tu di tích, chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị du lịch xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm như: đi bộ ngắm cảnh trên thượng thành, đi thuyền dọc các hồ, hào, sông ven Kinh thành Huế. Đây là một đề án lớn, không chỉ nhằm bảo vệ các di sản văn hóa – lịch sử do tiền nhân để lại, bảo vệ môi trường, chỉnh trang cảnh quan đô thị và phát huy giá trị di tích, phục vụ cho phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, mà còn ổn định và nâng cao đời sống của hàng ngàn người dân sinh sống trong khu vực di tích” – tiến sĩ Phan Thanh Hải nói. 

Theo đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế, từ năm 2019-2025, sẽ di dời khoảng 4.200 hộ dân ra khỏi di tích, với tổng kinh phí di dời, giải phóng mặt bằng ước tính khoảng 2.735 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 (từ năm 2019-2021), sẽ di dời 2.938 hộ, kinh phí di dời, giải phóng mặt bằng khoảng 1.880 tỷ đồng; giai đoạn 2 (từ năm 2022-2025), sẽ di dời 1.263 hộ với tổng kinh phí di dời giải phóng mặt bằng khoảng 855 tỷ đồng. Kinh phí đầu tư xây dựng khu tái định cư giai đoạn 1 khoảng 946 tỷ đồng và giai đoạn 2 khoảng 416 tỷ đồng sẽ được trích từ ngân sách địa phương, nguồn thu bán vé tham quan di tích, dịch vụ du lịch và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Thuận Hóa/ PNO

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)