Hội nhậpThế giới 24h

Sóng ngầm cạnh tranh Nga – Trung Quốc ở khu vực giàu dầu khí

Tạp Chí Giáo Dục

Nga và Trung Quốc đang âm thầm cạnh tranh để mở rộng ảnh hưởng ở khu vực giàu dầu khí Trung Á.
Một cơ sở của đường ống dẫn khí CPC.
Kazakhstan, nhà sản xuất dầu lớn nhất khu vực, đã xích lại gần Trung Quốc hơn mà không gây nguy hiểm cho mối quan hệ của nước này với Nga. Nga cũng có thể sớm thay thế Turkmenistan trở thành nhà cung cấp khí đốt qua đường ống lớn nhất cho Trung Quốc, trong khi Trung Quốc cũng muốn có lựa chọn đẩy mạnh nhập khẩu từ Turkmenistan – trang Energy Intelligence cho hay.
Kazakhstan, quốc gia Trung Á duy nhất có chung đường biên giới với Nga, đang thận trọng cân bằng quan hệ với Mátxcơva và Bắc Kinh. Trong khi Trung Quốc về mặt nào đó là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Kazakhstan, với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đóng vai trò dẫn đầu, thì Nga lại có đòn bẩy rất lớn vì Mátxcơva kiểm soát việc vận chuyển dầu của Kazakhstan tới Biển Đen qua đường ống Caspian CPC.
Trung Quốc mua một lượng dầu thô ổn định của Kazakhstan qua đường ống từ Biển Caspi đến biên giới Trung Quốc, nhưng chỉ một phần khối lượng đi qua Nga. Bắc Kinh cũng ủng hộ một “hành lang giữa” mở rộng cho phép nước này vận chuyển nhiều dầu hơn về phía tây qua Biển Caspian và sau đó bằng đường bộ tới Thổ Nhĩ Kỳ, như một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Tài sản có giá trị nhất của Trung Quốc trong khu vực là mạng lưới đường ống dẫn khí Trung Á – Trung Quốc. Mạng lưới này bao gồm ba tuyến song song A, B và C chạy từ Turkmenistan, qua Uzbekistan và Kazakhstan, đến tỉnh Tân Cương phía tây Trung Quốc và có tổng công suất 55 tỉ mét khối mỗi năm.
Đường ống dẫn khí Trung Á – Trung Quốc.
Kể từ khi đường ống đầu tiên đi vào hoạt động năm 2009, khối lượng đã tăng lên khoảng 35 tỉ mét khối/năm cho riêng đường ống này, trong đó phần lớn đến từ Turkmenistan, cường quốc khí đốt ở Trung Á, nơi có bể khí đốt Galkynysh trên đất liền lớn nhất thế giới.
CNPC, với 50% cổ phần trong cả ba đường ống, cũng có cơ sở sản xuất riêng ở Turkmenistan và đã giúp nước này tăng sản lượng từ Galkynysh.
Từ quan điểm của Trung Quốc, Turkmenistan vừa là nhà cung cấp khí đốt đáng tin cậy vừa là đồng minh chiến lược vững chắc. CNPC có hợp đồng dài hạn để mua tới 60 tỉ mét khối khí đốt/năm của Turkmenistan, trong khi công ty mẹ của CNPC là PetroChina, có hợp đồng với Kazakhstan để mua tới 10 tỉ mét khối/năm thông qua mạng lưới đường ống Trung Á cho đến năm 2026. Uzbekistan cũng xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc nhưng cần nhiều hơn cho tiêu dùng trong nước.
Sau nhiều năm cân nhắc, CNPC có vẻ sẽ bắt đầu xây dựng tuyến D mới, ngắn hơn, đi qua Uzbekistan, Tajikistan, Kyrgyzstan và sẽ có công suất khoảng 30 tỉ mét khối/năm.
Đường ống mới phục vụ mục đích kép: Sẽ mang lại cho Trung Quốc lựa chọn tăng nhập khẩu từ Trung Á, đồng thời tăng cường mối quan hệ kinh tế với Tajikistan và Kyrgyzstan – những nước nghèo nhất trong 5 nước cộng hòa Trung Á, vốn thiếu nguồn dự trữ năng lượng lớn.
Trong khi đó, Nga cũng đang cạnh tranh với Turkmenistan. Xuất khẩu khí đốt Nga sang châu Âu sụt giảm mạnh kể từ khu bùng phát xung đột Ukraina.
Trong bối cảnh bị trừng phạt, Nga đang nỗ lực tăng sản lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và cũng nỗ lực tăng nguồn cung cho Trung Quốc.
Xuất khẩu khí đốt qua đường ống Sức mạnh Siberia 1 (Power of Siberia 1) dường như sắp đạt khối lượng theo hợp đồng là 38 tỉ mét khối/năm vào năm 2025. Điều đó có nghĩa là Nga sẽ vượt Turkmenistan để trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của Trung Quốc.
Tập đoàn dầu khí Nga Gazprom đang thúc đẩy xây dựng đường ống dẫn khí khổng lồ thứ hai tới Trung Quốc – Power of Siberia 2, sẽ nâng công suất tổng thể lên 100 tỉ mét khối/năm. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ Trung Quốc quan tâm đến ý tưởng này đến mức nào.
Cách tiếp cận của Trung Quốc là có càng nhiều lựa chọn nhập khẩu khí đốt càng tốt, vì cả lý do thương mại và địa chiến lược, và không chỉ phụ thuộc vào một nhà cung cấp duy nhất. Trong hai năm qua, CNPC và Sinopec đều đã ký các hợp đồng dài hạn khổng lồ để mua LNG từ Qatar. Vì vậy, Trung Quốc có thể không cần tăng mạnh nhập khẩu từ Nga và Turkmenistan để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng trong tương lai.
PV (theo laodong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)