Hội nhậpThế giới 24h

“Sống nhờ xuất khẩu, chết vì xuất khẩu”!

Tạp Chí Giáo Dục

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, những nền kinh tế Đông Á bị tổn thương nhiều nhất đang nghĩ đến việc thay đổi chiến lược kinh doanh, giảm bớt lệ thuộc vào xuất khẩu. Nửa thế kỷ xuất khẩu tăng vọt, cộng với sự mở rộng sang các dịch vụ quốc tế như tài chính đã biến Singapore, Hong Kong và Đài Loan thành những trung tâm thương mại toàn cầu. Tuy nhiên tình thế đang đổi chiều.

 

Xuất khẩu giảm mạnh, hàng ngàn container không sử dụng chất đống tại một kho hàng gần khu dân cư ở tây bắc Hong Kong-Ảnh: Reuters

Tại Singapore, hoạt động sản xuất suy giảm khiến hàng nghìn công nhân xí nghiệp phải giảm giờ làm xuống còn ba hoặc bốn ngày/tuần. Ở lãnh thổ Đài Loan, lĩnh vực điện tử có ý nghĩa sống còn với nền kinh tế đã đẩy gần 200.000 công nhân vào cảnh “ngồi chơi xơi nước” miễn hưởng lương do xuất khẩu giảm hơn nửa. Còn tại Hong Kong, một phụ nữ tuyệt vọng vì mất việc đã dọa tự tử trong lúc nói chuyện với đặc khu trưởng Donald Tsang trong một chương trình phát thanh cuối tuần trước.

“Sống nhờ xuất khẩu, chết vì xuất khẩu”

Ở cả ba nền kinh tế này, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu được biết đến với tên gọi “cơn sóng thần tài chính”. Nhưng chính sự sụp đổ của lĩnh vực xuất khẩu, chứ không phải của các thị trường tài chính, mới là căn bệnh cần được chữa. “Tại sao tiêu dùng ở các nước nhập khẩu chỉ giảm 2 hoặc 3%, trong khi xuất khẩu của chúng tôi giảm đến 40%?” – York Liao, tổng thư ký Hội đồng hoạch định và phát triển kinh tế Đài Loan, đặt câu hỏi. Câu trả lời không quá khó đối với ông: vì các khách hàng nước ngoài đang tạm thời giảm hoặc chấm dứt đơn đặt hàng. Bên cạnh đó, Đông Á lệ thuộc quá nhiều vào việc xuất khẩu những sản phẩm mà nhu cầu sử dụng không quá cấp bách, như tivi màn hình phẳng, loại hàng có doanh thu đặc biệt giảm mạnh gần đây.

“Sống nhờ xuất khẩu, chết vì xuất khẩu”. Lời đúc kết của Gabriel Stein, chuyên gia kinh tế quốc tế người Thụy Điển hồi tuần trước tại Singapore, xem ra rất đúng với tình hình hiện nay ở những nền kinh tế lệ thuộc vào đơn hàng nước ngoài. Singapore, với dân số 4,6 triệu người, đặc biệt dễ tổn thương trước bất kỳ sự suy giảm thương mại nào. Thế mạnh của Singapore là nhập khẩu nguyên liệu thô, sau đó gia công chế biến, chẳng hạn như sản xuất hóa chất và linh kiện điện tử rồi xuất khẩu.

Vì thế tổng giá trị hàng xuất khẩu sau khi gia công chế biến của Singapore cao hơn rất nhiều so với tổng sản phẩm quốc nội của nước này, khoảng 3,5 lần. Nhưng khủng hoảng kinh tế thế giới đồng nghĩa với việc đơn đặt hàng giảm. Và kết quả là hoạt động sản xuất của Singapore giảm trung bình 21,3% trong quý 4-2008.

Tình hình cũng không sáng sủa hơn đối với lãnh thổ Đài Loan, nơi mà chính quyền trong nhiều năm qua khuyến khích các công ty trong lĩnh vực công nghệ với những ưu đãi về thuế, đất đai nhà xưởng, vốn vay… Kết quả của sự hào phóng đó là một Đài Loan lệ thuộc vào một ngành công nghiệp duy nhất, mà ngành này lại đang lao đao do doanh thu hàng điện tử toàn cầu giảm. “Một nửa ngành công nghiệp này đang bị trúng gió nặng. Họ có thể bình phục nhanh. Nhưng 50% còn lại, không phải bị ung thư, mà cầm chắc cái chết” – ông Preston Chen, chủ tịch Liên đoàn các ngành công nghiệp Đài Loan, bi quan.

Phân tán trứng ra khỏi rổ

Theo nhà báo Keith Bradsher của The International Herald Tribune, đơn thuốc chính sách hữu hiệu cho hầu hết nền kinh tế trong cuộc khủng hoảng hiện nay là thúc đẩy nhu cầu nội địa, giảm sự lệ thuộc vào xuất khẩu. Điều này cũng được nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu đề cập trong một cuộc phỏng vấn gần đây ở Đài Bắc. “Cơn sóng thần tài chính khiến chúng tôi phải suy nghĩ lại chiến lược phát triển kinh tế của mình, đó là có nên lệ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu nữa hay không. Vào những lúc tốt đẹp, người ta ca ngợi chúng tôi. Bây giờ đang là lúc xấu đi, chúng tôi cần tập trung nhiều hơn cho thị trường nội địa thay vì cho hết trứng vào một rổ”.

Singapore đã tiến hành “phân tán trứng ra khỏi rổ” bằng cách chuyển sang thu hút những dự án đầu tư nhỏ hơn từ các công ty quy mô trung bình ở nước ngoài. Quốc gia này cũng đang thúc đẩy việc xây dựng một khu đô thị do chính phủ tài trợ, tập hợp các phòng thí nghiệm nghiên cứu, văn phòng và căn hộ chung cư dành cho các ngành khoa học mới như y sinh, khoa học vật liệu và truyền thông mới.

Bên cạnh đó, các nền kinh tế nhỏ đang tìm cách “nhích” lại gần Trung Quốc, nền kinh tế cuối cùng ở Đông Á sở hữu hai “tài sản”: một thị trường nội địa rộng lớn và một tia hi vọng tăng trưởng mong manh. Đài Loan đang khởi động việc đàm phán một thỏa thuận tự do thương mại với đại lục, Singapore đã ký kết thỏa thuận này với Trung Quốc từ 23-10 năm ngoái. Trong khi đó Hong Kong đã ký kết sáu thỏa thuận thương mại với đại lục kể từ năm 2003.

Bà Rita Lau, cục trưởng Cục Thương mại và phát triển kinh tế Hong Kong, cho biết với bảy triệu dân, chính Hong Kong đã là một thị trường nhỏ lý tưởng. Nhưng tiềm năng ở thị trường đại lục còn lớn hơn nữa.

THANH TRÚC (TTO)

Bình luận (0)