Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Sống ở lưng chừng… mây

Tạp Chí Giáo Dục

Những lớp học lèo tèo dăm bảy học sinh, buộc phải ghép độ tuổi
Mất hơn 5 giờ cuốc bộ từ trung tâm xã Vĩnh Ô (Vĩnh Linh, Quảng Trị), qua cả chục con suối và đèo dốc len lỏi giữa rừng chúng tôi mới vào đến bản Mít (còn gọi là bản Tám) của xã. Nơi điệp trùng núi non này, mọi sinh hoạt phải kết thúc trước 4 giờ chiều khi màn đêm, mây mù ụp xuống.
Chừng ấy, đủ gợi lên những gian nan, vất vả mà người Vân Kiều sống ở chốn lưng chừng mây này đã và đang trải qua! 
Bản… 5 không!
Mặc cơn mưa rừng đầu đông rả rích, hành trang “chinh phục” bản Mít của chúng tôi vỏn vẹn chỉ có chai nước suối và chiếc máy ảnh cùng cuốn sổ ghi chép nhỏ để phục vụ công việc. Dù đồ đạc mang theo đã gọn nhẹ hết mức có thể nhưng càng lội suối, trèo đèo, một chai nước suối 500ml cũng đủ sức ghì đôi chân chúng tôi lại. Hai mẹ con người bạn đồng hành Hồ Thị Anh thi thoảng ngoái lại phía sau nở nụ cười thật tươi để động viên. “Còn bao xa nữa chị?”, cuối cùng chúng tôi phải lên tiếng hỏi khi đã đi được 2 giờ. Chị Anh cười nói: “Vài khâu rựa nữa thôi!”.
Để kịp trở về ngay trong ngày, từ 4 giờ sáng, chị Anh cùng con trai 10 tuổi ra trung tâm xã Vĩnh Ô, đến nơi đã 10 giờ sáng. Sau đó chị vội vã bán 5 cân gừng, mỗi cân được 40 ngàn đồng rồi tranh thủ mua một ít thực phẩm, sách vở cho con rồi quày quả về nhà.
Xế chiều, bản Mít dần hiện ra trước mắt chúng tôi là một bản làng với vài chục nóc nhà sàn cheo leo, ngay cạnh bờ sông – nơi thượng nguồn dòng Bến Hải huyền thoại. Khác với tưởng tượng của chúng tôi về một vùng đất trong những năm chiến tranh đã từng che chở, cưu mang nhiều gia đình đồng bào đi tránh bom, tránh đạn; là hậu cứ quan trọng của các đơn vị bộ đội chủ lực trước lúc vượt sông Bến Hải để vào chiến trường miền Nam đánh giặc, để rồi có những người lính tuổi đôi mươi mãi mãi nằm lại như tấm bia đá tình cờ chúng tôi gặp khi các anh đang được đồng đội đưa về quê hương. Đời sống của bà con bản Mít bây giờ vẫn nghèo nàn, lạc hậu nhiều so với các bản làng khác. Không đường giao thông. Không trạm y tế. Không điện thắp sáng. Không thủy lợi để sản xuất. Còn trường học phải… đi mượn.
Trưởng bản Hồ Thị Chin xắn quần tận gối, chân trần lội qua con đường mòn lầy lội, hằn sâu từng rãnh bùn đỏ au do vết bánh xe lâm tặc khai thác gỗ để lại đón khách. Bà Chin cho biết: “Lâu, thật lâu lắm bà con dân bản mới đón khách từ miền xuôi đến thăm. Nơi này, quanh năm suốt tháng hầu như chỉ có bà con ra khỏi làng chứ chẳng ai tìm đến. So với trước, cuộc sống của đồng bào Vân Kiều ở bản Mít hôm nay đã có nhiều thay đổi, nhưng vẫn còn nghèo lắm”. Đến đây, giọng bà Chin chợt chùng xuống: “Xưa chốn này nhiều rừng lắm, nay đã bị lâm tặc khai thác hết 7 phần, chỉ còn 3 phần. Rừng mất, không còn cây che chắn nên mùa lũ, cả bản chìm trong nước dữ, tài sản chắt chiu cả năm chả mấy chốc bị lũ quét sạch”.
Nhu cầu trao đổi hàng hóa của bà con ở đây trông chờ vào những người mua bán hàng gánh, bởi vậy đắt gấp ba bốn lần. Mỗi lần có ai ốm đau, bà con trong bản thay nhau cáng về trung tâm xã, cũng mất ngót nửa ngày, bệnh nặng khẩn cấp vì thế rất nguy hiểm tính mạng.
Nhọc nhằn con chữ

Để ra đến trung tâm xã mua sách vở, mẹ con chị Hồ Thị Anh đi mất 1 ngày đường
Sống ở bản Mít đã khổ. Học được con chữ ở chốn này còn gian nan gấp bội. Thầy Phan Thanh Minh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Ô, nói: “Việc học của trẻ em ở Vĩnh Ô nói chung và bản Mít nói riêng gian khổ lắm, thiếu thốn đủ bề. Ngoài điểm trường chính đóng ở bản 2, còn có 2 điểm lẻ ở bản 4 và bản Mít”. Sự khó khăn ở đây được thầy Minh cho biết, học sinh ở bản 6 muốn tới trường cũng phải qua 6 con suối. Mùa nắng, các em còn tới trường được, mùa mưa coi như nghỉ học. Nhiều phụ huynh thương con đã cõng con tới lớp nhưng họ còn phải lao động kiếm sống nên chỉ được dăm ba bữa lại chấp nhận cho con ở nhà. “Nhiều ngày mưa, các em tới lớp vừa chịu mưa, vừa lội suối nên ướt nhẹp cả áo quần, sách vở. Nhìn rất tội”, thầy Minh chia sẻ.
Người Vân Kiều ở bản Mít hầu như đã quen với cuộc sống vất vả. Dường như họ chẳng cần băn khoăn con nước nơi họ đang đứng sẽ chảy về đâu; họ không cần đến chiếc đồng hồ gõ nhịp mà chỉ tính thời gian bằng mùa nắng, mùa mưa, mùa cây lúa trổ bông trên rẫy…
Riêng ở bản 4 và bản Mít, do số lượng trẻ trong độ tuổi tới trường quá ít nên buộc phải phân học theo ghép độ tuổi. Thế nhưng vẫn thiếu phòng học. Bản 4 có 4 lớp với 21 học sinh nhưng chỉ có 2 phòng học, phải đi mượn nhà sinh hoạt cộng đồng của dân. Bản Mít có 2 lớp (lớp 2 và lớp 4) với 20 học sinh. Thầy Hồ Văn Tình, giáo viên cắm bản 2 năm ở đây, cho biết: “Các em học sinh ở đây không có phòng học nên chúng tôi phải xin ở nhờ nhà dân để nhường nhà công vụ làm lớp học. Không như các nơi khác, cứ 2 năm bản Mít mới mở lớp được một lần. Chúng tôi vào đây dạy học coi như tách biệt với thế giới bên ngoài. Ngày nắng, mỗi cuối tuần ra trung tâm được một lần. Mùa mưa coi như cắm lại cả tháng. Thiếu thực phẩm thì lên rừng, ra suối kiếm”. 
Khó khăn về trường lớp, đường sá đã đành, học sinh ở nơi này còn thiếu thốn cả sách giáo khoa. Thầy Minh tâm tư: “Đời sống kinh tế vùng này chỉ mỗi việc lo cái ăn đã đủ mờ mắt. Chuyện mua sách vở cho con rất khó. Nhà trường nghĩ ra cách cho học sinh mượn sách giáo khoa luân phiên từ năm trước chuyển qua năm sau. Nhưng qua nhiều năm sách cũng cũ nát hết. Cứ mỗi đầu năm học, thầy cô lại đi vận động xin sách giáo khoa cũ cho các em…”.
Chia tay bản Mít, trên con đường ngược ra trung tâm xã về xuôi, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những bà mẹ giặt áo ven bờ suối, còn trẻ em bơi lội tung tăng. Nhìn dòng nước trong xanh mải miết chảy về xuôi, con nước sẽ mang phù sa bồi đắp cho bao bãi biền làng xã, chúng tôi thầm hi vọng, một ngày không xa, con nước sẽ mang màu xanh cho bản Mít bừng sức sống!
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Dân bản gặp đủ các khó khăn
Toàn bản Mít có 36 hộ dân với 156 nhân khẩu. Bà con canh tác trên những thửa ruộng thiếu nước, chưa quen dùng phân chuồng để bón cho cây trồng, vì thế cây lúa chỉ cao quá gối, năng suất rất thấp. Trưởng bản Hồ Thị Chin cho biết: “Dân ở đây gặp đủ các khó khăn. Không đường, không điện, không thủy lợi… Từ 4 giờ chiều đã phải ăn cơm tối. Nếu qua 5 giờ là mây và bóng tối sầm sập kéo tới, không thấy gì cả”.
 

 

Bình luận (0)