Năm 1962, tại Đại hội Anh hùng – Chiến sĩ Thi đua Toàn quốc lần thứ III ở Thủ đô Hà Nội, tôi là phóng viên, biên tập của Báo Tiền Phong, được mời tới dự để viết bài, chụp ảnh.
Bức ảnh có hình tác giả được chụp cùng Bác và thẻ nhà báo
|
Không những được đi bên cạnh, giơ quạt che nắng cho Bác, khi chụp ảnh (như kiểu ảnh này), tôi còn đứng sau, cách Bác chỉ một người.
Buổi ấy, Bác tới phòng khách, chờ lên nói chuyện với Đại hội tại hội trường lớn. Thấy các nhà báo, nhà nhiếp ảnh vây quanh Bác khá đông, Bác khoát tay chỉ vào một chỗ sân thoáng rộng gần đó nói :
– Bác chụp ảnh với các nhà báo nhé?
Gần như tất cả phóng viên báo chí, nhiếp ảnh có mặt đều reo lên, rồi mọi người đứng, ngồi vây quanh Bác để chụp ảnh. Mấy đồng chí là phóng viên nhiếp ảnh vào loại giỏi tay nghề cứ thay nhau ngồi vào chụp ảnh, rồi lại chạy ra bấm máy để ai cũng có tác phẩm, và lại được chụp ảnh với Bác để kỷ niệm. Thời gian chụp cứ kéo dài, mà hôm đó tiết trời rất nóng bức, nhưng Bác Hồ vẫn vui vẻ ngồi cho các nhà báo, nhà nhiếp ảnh chụp thoải mái.
Tôi có thể nói chắc chắn rằng ảnh chụp với Bác buổi ấy, là kiểu ảnh rõ nhiều khuôn mặt và khá đông các nhà báo, nhà nhiếp ảnh được chụp với Bác Hồ một cách đàng hoàng nhất từ trước tới hôm đó. Những ảnh chụp trước đấy chỉ là cảnh lúc Bác đến nói chuyện với hội nghị, hoặc các phóng viên theo Bác đi thăm các địa phương. Chính vì thế mà kiểu ảnh này trở thành ảnh quý, ảnh truyền thống treo ở các trụ sở Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh, Hội Nhà báo, các tòa soạn báo, hoặc gia đình phóng viên nhiếp ảnh, báo chí được chụp với Bác trong ảnh.
Riêng tôi, kiểu ảnh này được đặt kèm ảnh chân dung nửa người tôi trong thẻ nhà báo, và tôi luôn mang theo trong túi áo ngực đi khắp các trận địa, các địa phương trong gần tám năm tôi ở chiến trường miền Nam thời chống Mỹ, tức là từ mùa Xuân Mậu Thân – 1968 đến 30/4/1975 – ngày đại thắng, thống nhất đất nước.
Tôi có một kỷ niệm không thể nào quên về tấm ảnh này, tấm ảnh tôi được chụp với Bác Hồ tại Đại hội Anh hùng – Chiến sĩ Thi đua Toàn quốc Lần thứ III đặt kèm thẻ nhà báo như vừa nói trên. Mùa khô năm 1973, tôi bị bọn Khơme Đỏ bắt giữ, dẫn giải. Trên đường đi, lúc dừng chân giải lao, tôi đưa cho bà con Hoa kiều và dân Campuchia xem thẻ nhà báo kèm tấm ảnh. Thế là bà con trở nên tin và quý mến tôi.
Trước đó, bọn Khơme Đỏ ở thị trấn Chi Phu, thuộc tỉnh Svây Riêng, gần cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh, đặt điều kiếm cớ nghi tôi là thám báo Thiệu – Kỳ để bắt, giải đi giam giữ rồi sẽ thủ tiêu để lấy tài liệu, đài bán dẫn, tiền bạc, nhất là khẩu súng ngắn K54 của tôi, hồi đó bọn chúng rất mê.
Từ lúc thấy chiếc thẻ nhà báo đặc biệt của tôi, bà con đã bí mật cử người đi xe máy vào rừng, tới căn cứ của bộ đội và cơ quan ta đóng quân, báo cho biết tình hình nguy cấp của tôi. Hôm ấy đồng chí Khuyến, phóng viên Thông tấn xã Giải phóng, đi công tác qua đây, nghe tin, cũng vội điện báo cho sở chỉ huy C50 biết.
Bên ta vội cử người đến can thiệp đòi lại ngay. Tôi thoát khỏi bàn tay tử thần của Khơme Đỏ ở thị trấn Chi Phu, tỉnh Svây Riêng ngay trong đêm đó.
Tin tôi bị Khơme Đỏ bắt giữ còn lan truyền theo các chiến sĩ ra Bắc, đến tai ông Lưu Công Thịnh, người trong dòng tộc cùng ngõ xóm, làm bác sĩ quân y ở vùng Quảng Trị – Quảng Bình – Hà Tĩnh – Nghệ An thời đó.
Hung tin về tới gia đình tôi, bố tôi vội lên Hà Nội đến tòa soạn Báo Tiền Phong hỏi cho rõ thực hư. Cụ được tòa soạn biếu mấy số báo có bài của tôi gửi ra mới đăng, nhận luôn một số tiền nhuận bút bỏ túi, rồi cùng chụp ảnh với Tổng Biên tập Đinh Văn Nam để gửi vào chiến trường B2 cho tôi.
Tôi nhận thư nhà xem ảnh bên mép hố bom đất còn tươi đỏ, ngay dưới tán rừng xanh lộng gió giữa rừng Tây Ninh, căn cứ của Cơ quan Trung ương Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Việt Nam. Còn gì vui hơn khi không những mình tai qua nạn khỏi mà gia đình cũng hết nỗi âu lo.
Lưu Quang Huyền (TPO)
Bình luận (0)