Người chăm bệnh ngủ vùi dưới gầm giường BV Nhân dân 115. Ảnh: NGUYỄN THẠNH. |
Dù là ban ngày nhưng trong khuôn viên các bệnh viện (BV) lớn ở Hà Nội và TPHCM đâu đâu cũng thấy kẻ nằm, người ngồi trên ghế đá hoặc manh chiếu tranh thủ chợp mắt. Vẻ mặt hốc hác, mệt mỏi sau nhiều đêm trắng, người nhà các bệnh nhân vạ vật ngả lưng bất kể chỗ nào. Cuộc sống của họ vá víu, tạm bợ cho qua ngày nơi hành lang, góc khuất cầu thang BV, thậm chí ngay dưới giường bệnh của người thân.
Ngả lưng trên yên xe máy tại khu để xe của nhân viên BV K sau một đêm trắng thức trông người nhà Ảnh: NGỌC DUNG. |
Chọn cho mình một góc ở chiếc đài phun nước đã cạn trong khuôn viên Viện Tim mạch quốc gia, anh Nguyễn Văn Quân (quê Nghệ An) cho biết anh và em trai thay phiên nhau ở viện chăm bố bị nhồi máu cơ tim. Lúc đầu còn vạ vật ở hành lang nhưng cũng chỉ sau vài ngày là rã rời. Không còn sức, anh em Quân đành phải đi thuê nhà trọ ở. Sau 1 tuần, hơn chục triệu đồng đem theo đã cạn kiệt nên họ đành ngủ tạm ở ghế đá, hành lang của viện. “May mà có người nhường cho một chỗ ở cái bể nước này. Thế này thôi nhưng là chỗ ngả lưng “thường trực” cho cả chục con người đấy. Hầu hết mọi người ở đây đều lấy ngày làm đêm ngủ bù cho những đêm trắng thức trông người thân” – anh Quân nói.
Quá tải gây nhiều hệ lụy
Chứng kiến cảnh người nhà bệnh nhân nằm, ngồi la liệt ở hành lang, ghế đá, các bác sĩ ví von BV có lúc nhếch nhác như ga xe lửa. Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế, quá tải BV là nỗi ám ảnh của người dân khi đi khám chữa bệnh. Quá tải không chỉ làm giảm chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc người bệnh mà còn khiến thời gian điều trị kéo dài. Nếu phải khám chữa bệnh trong môi trường quá tải, chật chội thì tỉ lệ tai biến, biến chứng, nhiễm khuẩn BV, tỉ lệ sai sót trong chuyên môn sẽ tăng, dẫn đến chi phí điều trị đối với người bệnh, BV, xã hội tăng cao…
|
Bình luận (0)