Hội nhậpThế giới 24h

Sóng thần làm thiệt mạng gần 120 người

Tạp Chí Giáo Dục

Rạng sáng 30-9, một trận động đất mạnh đã làm rung chuyển Thái Bình Dương, tạo ra những đợt sóng thần dữ dội tàn phá đảo quốc Samoa (Tây Samoa) và đảo Samoa thuộc Mỹ (American Samoa).

AP dẫn nguồn tin từ Cơ quan Nghiên cứu địa chất Mỹ (USGS) cho biết trận động đất mạnh 8-8,3 độ Richter này xảy ra lúc gần 1g sáng (giờ VN), tâm chấn nằm dưới lòng biển, cách đảo American Samoa khoảng 190km.

 

Cảnh hoang tàn tại làng Si’umu ở Tây Samoa – Ảnh: Reuters

Ông Mike Reynolds, một quan chức ở công viên quốc gia đảo American Samoa, mô tả: liên tiếp bốn cơn sóng thần cao 4-6m đánh thẳng vào bờ biển, lấn sâu vào đất liền tới 1,6km. Quần đảo Tây Samoa cũng hứng chịu nhiều đợt sóng lớn. Một con sóng cao 4m đã đánh vào đảo quốc Tonga. Sóng thần nhỏ lại tràn đến bờ biển New Zealand, Nhật và đảo Hawaii.

“Ngày tận thế”

Reuters cho biết chỉ vài phút sau khi đài phát thanh địa phương phát đi cảnh báo sóng thần ở Tây Samoa và American Samoa, các đợt sóng lớn đã ập đến. Thảm họa động đất và sóng thần đã tàn phá nặng nề Tây Samoa và American Samoa. Truyền hình địa phương chiếu cảnh những căn nhà đổ nát, những chiếc ôtô và thuyền đánh cá lớn bị lật, trôi bồng bềnh trên mặt biển hoặc mắc kẹt trên đầu ngọn cây. Những con sóng thần mạnh đến nỗi các dầm bêtông bị vặn cong, còn những chiếc xe bị đập nát.

“Tôi nghĩ là đến ngày tận thế” – bác sĩ Salamo Laumoli ở Pago Pago, thủ phủ đảo American Samoa, hãi hùng kể lại với CNN. Những người sống sót cho biết các cơn sóng đánh vào Pago Pago cao tới 6m. Hàng trăm nhà dân ở Pago Pago bị phá hủy hoàn toàn. “Một số tòa nhà hoàn toàn bị san bằng chỉ còn trơ lại móng” – Reuters dẫn lời ông Mike Sala, giám đốc cơ quan an ninh nội địa American Samoa. Đường phố Pago Pago tràn ngập bùn đất và những chiếc xe, thuyền bị lật. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố tình trạng thảm họa tại American Samoa.

Trong khi đó, trên đảo Upolu thuộc quần đảo Tây Samoa, ít nhất 12 ngôi làng đã bị phá hủy hoàn toàn. Đảo Upolu là một khu du lịch nổi tiếng, và sóng thần đã phá hủy nhiều khu nghỉ dưỡng ven biển. Anh Graeme Ansell, một người New Zealand sống ở làng Sau Sau Beach Fale ở Tây Samoa, cho biết ngôi làng đã bị san phẳng và “mọi thứ diễn ra cực nhanh”. “Không còn một căn nhà nào đứng vững.

Tất cả chúng tôi trèo lên đồi cao và nhiều người đã bị thương. Rất nhiều người ở đây đang cần sự giúp đỡ”. Một người sống sót khác là Josh Nayangu mô tả “giờ ngôi làng là một biển nước. Khung cảnh thật khủng khiếp”. Thủ đô Apia gần như bị bỏ hoang do người dân bỏ chạy lên vùng đồi cao vẫn chưa chịu quay về nhà.

Dân không kịp chạy

Theo ước tính ban đầu, số người thiệt mạng do động đất và sóng thần lên đến ít nhất 119 người, trong đó có 82 người ở Tây Samoa, hơn 30 người ở American Samoa và 7 người ở Tonga. Ngoài ra, hàng chục người đã mất tích và hàng trăm người khác bị thương. Chính quyền Tây Samoa ước tính số người chết ở riêng Tây Samoa có thể lên đến hơn 100 người. Hiện các đội cứu hộ vẫn chưa tiếp cận được với nhiều ngôi làng ven biển do đường sá, cầu cống bị hư hại.

BBC dẫn lời ông Eni Faleomavaega, quan chức American Samoa, cho biết sóng thần ập tới chỉ vài phút sau khi động đất xảy ra, do đó người dân không kịp trốn chạy. “Không một hệ thống cảnh báo nào có thể đưa ra cảnh báo kịp thời cho người dân trong tình huống đó” – ông Faleomavaega nói.

Phó thủ tướng Tây Samoa Misa Telefoni thừa nhận khó có thể làm gì khi tâm chấn động đất quá gần Samoa và sóng thần quá mạnh. Các quan chức Cơ quan khí tượng Tây Samoa kể rất nhiều người đã ra bờ biển nhặt cá do đợt sóng thần đầu tiên đánh vào bờ và bị đợt sóng thần thứ hai ập tới cướp đi sinh mạng của họ.

Do các quần đảo Samoa là những khu du lịch nổi tiếng, nên trong số những người thiệt mạng có không ít người nước ngoài. Hiện hàng ngàn người chỉ còn lại quần áo mặc trên người là tài sản duy nhất. Họ đang tụ tập trên các đồi cao, tự tạo những khu tập trung.

Các đội tình nguyện Chữ thập đỏ đã điều động hơn 100 nhân viên ở Tây Samoa đến thu gom dừa để những người sống sót qua tạm cơn đói khát. Reuters cho biết chính quyền Washington đã ra lệnh đưa hàng cứu trợ đến American Samoa, trong khi Úc và New Zealand cũng đã gửi hàng cứu trợ đến Tây Samoa.

HIẾU TRUNG (TTO)

Bình luận (0)