Thợ đang hoàn tất “ngôi nhà” trên cây cho ông Nguyễn Văn Bé ở huyện Nhà Bè
|
Sống trên… câyVới một số người sống ở vùng núi, việc dựng nhà trên cây là chuyện không hiếm. Tuy nhiên, hiện tại TP.HCM, những “căn nhà” ngộ nghĩnh được dựng trên cây đã xuất hiện như một trào lưu mới.
Dựng nhà trên cây ở một số địa phương miền núi vừa để tránh thú dữ cũng như hiện tượng xói lở đất. Còn tại thành phố, những “căn nhà” dựng trên cây chỉ để thỏa mãn chút “máu” nghệ thuật hoặc chỉ là chơi ngông, bắt chước…
Dựng “nhà” trên cao
Sở hữu căn biệt thự với vườn cây ăn trái có giá trị lên đến hàng tỷ đồng nhưng mới đây, ông Nguyễn Văn Bé (ở huyện Nhà Bè) lại khiến người dân địa phương ngơ ngác khi cho đốn hạ cây vú sữa và cây mận để thay thế bằng hai gốc cây trâm cổ thụ trị giá 150 triệu đồng/gốc từ vùng núi Hoài Ân (Bình Định). Bạn bè, hàng xóm càng không khỏi ngạc nhiên khi nghe ông Bé giải thích: “Không phải tôi trồng để lấy bóng mát, cũng chẳng phải để ăn trái mà là để dựng… nhà trên cây”. Mặc cho bao người phán “Ổng bị “hâm”” hay “thằng cha té giếng”, ông Bé đều bỏ ngoài tai.
Ông Bé cho biết, hai gốc trâm có giá 300 triệu đồng là vì nó có nhiều nhánh đẹp, thế nhánh hợp với phong thủy cộng với phí vận chuyển khá đắt. Để có được hai gốc cây ưng ý, ông Bé phải mất nhiều tháng rong ruổi tìm kiếm, đặt hàng khắp các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Sau gần một năm, cây đã phát triển tốt, ông Bé tự thiết kế cho mình một căn chòi nằm lơ lửng giữa thân cây, cách mặt đất hơn 3m. Dù “ở nhờ” trên thân cây nhưng trông “nhà” rất kiên cố nhờ sự chống đỡ của các nhánh và kết hợp với các yếu tố kỹ thuật về kết cấu công trình mà ông Bé tự tìm tòi. “Nhà” có diện tích 5m2, sàn và vách làm bằng gỗ tạp, mái lợp lá dừa nước sẵn có trong vùng. Hôm chúng tôi đến chơi, “nhà” đang trong giai đoạn lắp ghép, chưa ra hình hài nhưng có thể nói, nó sẽ là một nét kiến trúc độc đáo ở Sài Gòn.
Cũng dựng “nhà” trên thân cây nhưng hầu hết chỉ dừng lại ở mục đích làm bàn trà, bàn rượu cho độc, lạ chứ ít ai nghĩ đến chuyện dựng lên để ăn ở lâu dài. Ông Nguyễn Tấn Phú (ở phường Tân Hưng, Q.7) – bạn làm ăn của ông Bé – đã bỏ ra số tiền lớn mua đất vườn ở huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An) để phục vụ thú điền viên cho năm tháng tuổi già sắp đến. Việc đầu tiên sau khi cầm giấy tờ đất, ông Phú cho trồng 4 gốc me đẹp đều ở 4 góc và hoàn thành cái “nhà” cách mặt đất chừng 2m. Để lên “nhà” an toàn, ông Phú đặt thợ mộc đóng cho chiếc cầu thang với nấc có tiết diện khá lớn, tay vịn có độ bám tốt. “Lên xuống cầu thang mỗi ngày cũng là cách tập thể dục, từ khi được ở trên cây tôi như khỏe ra”, ông Phú nói. Nhờ “móng” là 4 gốc cây to, lại lựa chọn vật liệu phù hợp nên trong “nhà” không thiếu thứ gì, từ giường nệm, góc uống trà, đọc sách… Ông Phú bảo rằng đó là không gian ông dành cho bạn bè vào mỗi cuối tuần mà không phiền đến vợ, con.
Hướng kinh doanh mới
“Đâu cần khá giả gì, trong sân nhà có một cây gì đó có gốc to, rễ cọc, nhánh đẹp là có thể dựng… nhà. Từ vài triệu đồng, đến vài chục triệu đồng, tùy vào gia chủ muốn thế nào là có được một không gian uống trà, đón nắng mai hoặc ngả lưng buổi trưa lý tưởng”, ông Nguyễn Văn Bé chia sẻ.
|
Trước đây, họa sĩ Lý Khắc Nhu cũng đã cho dựng một cái “nhà” tương tự tại khu vườn nhà của ông trong khu Hàm Long (Q.2). Ở một không gian nghệ thuật, những cái “nhà” nằm trên cây còn là nét chấm phá về kiến trúc, làm tăng giá trị nghệ thuật mà không phải ở đâu cũng có được. Theo họa sĩ Lý Khắc Nhu, ông dựng “nhà” trên cây với mục đích cho du khách đến tham quan không gian nghệ thuật có điều kiện nhìn thấy toàn cảnh khu Hàm Long và cảnh đẹp tự nhiên, thơ mộng của sông Sài Gòn. “Muốn có bức ảnh đẹp thì lên đó tha hồ chọn góc bấm máy. Ai yêu hội họa cũng có thể ngồi trên ấy hàng giờ mà sáng tác”, họa sĩ Nhu nói.
Cũng không ít ông chủ của những cái “nhà” trên cây đang làm công việc không hề dính dáng tới nghệ thuật, kiến trúc mà thấy người khác làm rồi bắt chước làm theo. Dễ nhận thấy đó là sự thô kệch, kém hài hòa giữa không gian, màu sắc và vật liệu xuất phát từ sự kém hiểu biết về chuyên môn, óc thẩm mỹ của gia chủ. Có không ít người dựng lên để… phơi nắng chứ không thể lên đó vì kết cấu chỉ thích hợp với việc trang trí.
“Đâu cần khá giả gì, trong sân nhà có một cây gì đó có gốc to, rễ cọc, nhánh đẹp là có thể dựng… nhà. Từ vài triệu đồng, đến vài chục triệu đồng, tùy vào gia chủ muốn thế nào là có được một không gian uống trà, đón nắng mai hoặc ngả lưng buổi trưa lý tưởng”, ông Bé chia sẻ.
Hiện ông Bé còn tính đường kinh doanh cà phê trên… cây khi con đường liên xã khánh thành và đưa vào sử dụng.
Bài, ảnh: Trần Anh
Bị phản đối vẫn quyết làm
Ông Nguyễn Tấn Phú kể với chúng tôi về lần ông trình bày ý tưởng dựng “nhà” trên cây để xin ý kiến vợ. “Không chỉ bà ấy mà hai đứa con gái cũng phản ứng quyết liệt. Vợ tôi nói: Ông có khùng cũng khùng vừa vừa, nhà cửa ở Sài Gòn có đó, ai lại về quê dựng chòi sống một mình, đêm hôm trái gió ai lo?”. Thời gian đó, hai vợ chồng ông cãi nhau đến nảy lửa nhưng ông Phú đã quyết là làm cho bằng được. “Hôm bà ấy về thăm đất, thấy “nhà” tôi dựng trên cây thì tỏ ra thích thú lắm. Từ đó bà còn chi tiền mua sắm đủ thứ vật dụng, đồ dùng cần thiết để trên đó cho tôi nữa”, ông Phú cho biết.
|
Bình luận (0)