Chị Hiên và rất nhiều thân nhân bệnh nhân phải sống ngoài hành lang bệnh viện |
Vẫn biết rằng đằng sau cánh cổng bệnh viện là những nỗi đau – nỗi đau của thể xác và tâm hồn. Nhưng vào trong bệnh viện, tiếp xúc với người bệnh mới thấy nỗi đau đó thật đau…
Người mẹ bất hạnh
“Mày hả Bưởi, chết mày chưa, cho mày chừa…”, vừa nói, cậu bé vừa tung chân đá mạnh vào trái banh nhựa. Cùng chơi với cậu bé là 4 đứa trẻ lí nhí như cậu. Nhìn chúng chơi đùa, dẫu là chơi trong bệnh viện nhưng ít ai ngờ chúng là những bệnh nhân mắc bệnh nan y.
Đúng lúc ấy, một phụ nữ luống tuổi xuất hiện. Chị nói với cậu bé: “Chơi ít thôi con, mệt đấy”. Nhìn cách ăn vận, dáng dấp của chị, tôi biết ngay chị là người nhà quê. Tôi hỏi chị: “Mấy đứa nhỏ bệnh gì mà sao thấy chúng khỏe vậy?”. Chị buồn buồn trả lời: “Tất cả đều bị hư thận, đang phải chạy thận nhân tạo”…
Rồi không cần biết tôi là ai, chị kéo tôi lại hàng ghế nhựa được bệnh viện Nhi đồng 2 lắp đặt dưới sảnh khoa thận. Và chị bắt đầu kể, kể về tất cả những nỗi đau đã và đang chất chứa trong lòng chị.
Chị kể: “13 tháng Chạp năm 2008, đứa con gái (4 tuổi) bệnh nặng phải đưa đi cấp cứu ở bệnh viện Tiền Giang. Ngay lập tức bé được chuyển gấp lên bệnh viện Nhi đồng 1. Tại đây, các bác sĩ cho biết bé bị suy thận nặng, khả năng sống sót là rất mong manh. Bác sĩ còn trách sao đưa con tới bệnh viện trễ vậy. Vợ chồng tôi quanh năm suốt tháng cứ quanh quẩn trong làng, chữ nghĩa thì ít, làm sao biết được bệnh suy thận là bệnh gì…”
Những ngày giáp Tết Kỷ Sửu, trong khi mọi người lo đi sắm Tết, còn chị phải ở trong bệnh viện chăm con. Và hai mẹ con chị đã ăn Tết trong bệnh viện…
Mùng 4 Tết, đứa con trai đầu (8 tuổi – đang học lớp 2) bỗng nôn thốc nôn tháo. Lúc đó chồng chị cứ nghĩ chắc mấy ngày Tết, thằng bé ăn uống không điều độ nên trúng thực (ngộ độc thực phẩm). Cho đến khi thấy con cứ lả dần lả dần, anh mới vội đưa con tới bệnh viện. Không biết bệnh nặng đến cỡ nào, chỉ thấy ngay sau đó thằng bé được chuyển lên bệnh viện Nhi đồng 1. Và các bác sĩ cho biết, thằng anh cũng bị suy thận như đứa em gái.
Nắng Xuân Sài Gòn đẹp là vậy nhưng trong mắt chị chỉ có một màu xám xịt. “Những ngày ấy, tôi và má tôi chỉ có lết chứ không thể đi nổi”, chị Hiên (tên chị) lấy vạt áo chấm những giọt nước mắt đang lăn dài trên khuôn mặt rám nắng của mình và nói.
Đến ngày 12 tháng Giêng năm Kỷ Sửu, chỉ còn 1 ngày nữa là đủ một tháng nhập viện thì đứa con gái của chị Hiên qua đời. Lúc đó, chị nói với các bác sĩ và những người cùng phòng rằng: “Xin mọi người đừng nói với thằng bé là em nó đã mất. Nếu nó có hỏi tôi đâu thì hãy nói mẹ cháu đang chăm em…”. Sau đó chị cùng chồng đưa thi hài đứa con gái về quê an táng. Trên đường về, chị cắn chặt môi để không bật ra tiếng khóc. Chị sợ nếu chị khóc sẽ không còn sức để lo cho thằng con trai còn lại…
“An táng cho con gái xong, ngay tờ mờ sáng hôm sau tôi và chồng bắt xe lên Sài Gòn luôn. Hai đứa giờ chỉ còn một, phải cố mà giữ “, chị tâm sự.
Khoảng một tuần sau, đứa con trai của chị được chuyển qua bệnh viện Nhi đồng 2 để chạy thận. Một tuần chạy 3 lần, mỗi lần từ 3 – 4 tiếng. “Cũng may thằng bé có bảo hiểm y tế học sinh, nếu không vợ chồng tôi không biết lấy tiền ở đâu để đóng viện phí”, chị Hiên nói.
Từ đó đến nay, hai mẹ con chị cứ sống trong bệnh viện. Ăn cơm từ thiện, xài nước chùa, ngủ ngoài hành lang. Và ngày trở về nhà của mẹ con chị còn xa lắm…
Những ngày hãi hùng
13 ngày trước, cô tới khoa cấp cứu của bệnh viện để khám bệnh. Khi nghe bác sĩ phán: “Em có thai, thai ngoài và phải nhập viện”, đất dưới chân cô như sụt xuống. Cô lắp bắp: “Bác sĩ à, còn cách nào khác không. Em không thể nhập viện…”. “Không được. Đây là trường hợp cấp cứu, không thể không nhập viện”, bác sĩ cương quyết.
Rồi cô lẽo đẽo theo sau cô y tá để lên khoa nội soi.
“Người nhà đâu, em đóng viện phí chưa?”, nghe chị y tá trưởng ở khoa nội soi hỏi như vậy. Cô lí nhí trả lời: “Không có người nhà, chưa đóng viện phí”. “Em từ dưới đất chui lên à”, chị y tá bực bội nói. Và kéo theo là những tiếng cười của cả chục bệnh nhân đang nằm, ngồi la liệt trong phòng. Cô dơm dớm nước mắt, nói: “Em gọi rồi, nhưng chồng em không tới (thực ra không phải là chồng mà là bạn trai họ Sở)”. “Thôi quên hắn đi, chồng với chả con”, chị y tá dịu giọng.
Đêm. Đây là đêm đầu tiên sau 30 năm mẹ sinh cô ra đời, cô phải ngủ trong bệnh viện bên cạnh những người lạ. Mà tại sao cô phải ngủ trong bệnh viện nhỉ? Tại cô có thai, đau hơn cả là có thai khi chưa có chồng. Còn cái thằng bố của con cô, khi biết cô có thai, hắn đã bỏ trốn như một thằng hèn. Càng nghĩ cô càng buồn. Rồi cô khóc. Úp mặt xuống gối để khóc.
Đêm ở bệnh viện thật đáng sợ. Dưới ánh sáng yếu ớt của một bóng đèn là gần hai chục bệnh nhân mặc những bộ quần áo màu xanh nhạt nằm xếp lớp. Chốc chốc lại có một – hai bệnh nhân thức dậy đi vệ sinh. Nhìn họ đi, cô nghĩ đến những bóng ma. Cô sợ. Tuy mới nhập viện có mấy tiếng nhưng cô đã nghe rất nhiều chuyện ở đây. Nào là cái giường kia có người mới chết, cái băng ca này có hai mẹ con cùng chết. Hay chị nọ nằm trên cái băng ca, tối mơ thấy ma…
13 ngày nằm ở bệnh viện, không ai tới thăm cô. Mỗi khi cô muốn ăn, muốn uống lại phải nhờ thân nhân của những bệnh nhân nằm cùng phòng. Thỉnh thoảng một vài người vẫn hỏi cô: “Sao không thấy chồng em đâu?”. Cô cười méo cả miệng, nuốt nước mắt vào trong trả lời: “Anh ấy đi biển không liên lạc được”.
Bài, ảnh: Hòa Triều
Bình luận (0)