Bài cuối: Vui buồn đời lô cốt
Sau những giờ lao động vất vả trên công trường, các “công dân” lô cốt lại trở về cuộc sống đời thường. Biết bao câu chuyện buồn vui mà họ muốn trải lòng, chia sẻ. Từ gia đình, người thân, đến cuộc sống mưu sinh, những nỗi niềm ngày tháng xa quê… Và đôi khi những điều đó như là động lực giúp họ có thêm sức mạnh vượt qua khó khăn, vất vả của công việc.
Những anh chị “hai lúa”
Hầu hết “công dân” lô cốt đều là những lao động phổ thông từ khắp các tỉnh thành đến TP.HCM làm việc. Bởi vậy chuyện bỡ ngỡ, lạ lẫm với cuộc sống thị thành ban đầu là điều tất nhiên. Anh Thanh làm ở công trình cấp thoát nước trên đường Lý Chính Thắng mới vào nghề hơn 6 tháng. Những ngày đầu làm quen với công việc, việc sinh hoạt “di động” đã gây cho anh bao chuyện dở khóc dở cười. Anh cho biết, cuộc sống ở quê tuy nghèo, vất vả nhưng vẫn được “ăn bàn, ngủ giường” chứ không như ở đây. Lúc mới vào chưa quen nên đêm ngủ không được, anh xin phép được làm ca đêm để ban ngày có thể nghỉ ngơi, nhưng hóa ra ngủ ngày còn khó hơn trăm lần bởi nắng nóng, tiếng ồn ào của xe cộ, tiếng cày xới của công trình. Vì vậy hơn một tháng đi làm mà anh đã sút đến 4 kg do mất ngủ.
Đặc biệt dịp lễ tết là những ngày khó quên đối với các “công dân” lô cốt. Trong khi mọi người có thể nghỉ ngơi quây quần bên gia đình thì các anh vẫn quẩn quanh trong cái lô cốt. Đội trưởng Nguyễn Thành Nhơn thi công trên tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi kể lại: “Dịp tết vừa rồi có 4 anh em trong đội ở lại thay phiên trông coi công trình, mặc dù đã quen với cuộc sống xa nhà nhưng bọn anh vẫn rất buồn. Nhìn người ta mua sắm, trang hoàng nhà cửa để đón tết mà các anh chạnh lòng, muốn về với gia đình, vợ con ngay. Những lúc như vậy bọn anh chỉ biết an ủi, động viên hoặc lai rai một ít bia rượu vừa đón tết vừa để đỡ buồn”.
Có mặt tại một lô cốt trên đường 3/2 ở quận 10, chúng tôi được tiếp chuyện với chị Lan. Chị là “bông hoa” duy nhất ở đây và là chị nuôi của anh em công nhân ở công trình này. Với cái tuổi 45 của một người góa chồng không con, thêm vào đó là gương mặt nám đen và cái giọng “đặc” Quảng Nam khiến người đối diện lúng túng không biết phải xưng hô như thế nào cho phải phép. Chị cho biết mình đã “rong ruổi” ở thành phố được hơn 4 năm. Lúc mới từ quê vào, chị làm rất nhiều nghề để kiếm sống như mua bán ve chai, bán quán cơm, làm ô sin… và bây giờ là theo các công trình xây dựng. Để kiếm thêm thu nhập thì ngoài công việc nấu nướng, chị cũng kiêm luôn những công việc nhẹ như cột sắt, vác ván và thu dọn. “Công trình đi đâu là tui theo đấy, từ làm nhà ở đến cầu đường, đâu cũng trước lạ sau quen thôi”, chị nói. Đội của chị gồm 20 người từ nhiều miền quê khác nhau, nên việc phục vụ ăn uống là rất khó. Dù vậy chị vẫn tìm hiểu sở thích cũng như tính nết của từng người, từ đó tìm ra một khẩu vị chung cho cả đội. Nhắc đến chị, mọi người trong đội hay gọi là “mẹ Lan”, bởi chị thường xuyên quan tâm, lo lắng cho tất cả anh em, từ bữa cơm đến chuyện giặt giũ, lúc đau ốm đến những chuyện riêng tư về gia đình.
Niềm vui trong “ngôi nhà lô cốt”
Theo anh Nhơn nếu thay ca luân phiên ngày và đêm thì mỗi người trong đội có mức thu nhập trung bình khoảng 5 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập đó thì khá ổn, mỗi tháng trừ đi chi phí ăn uống, mua sắm các vật dụng cá nhân cũng còn gần 3 triệu đồng gửi về lo cho gia đình ở quê. Anh cho biết cứ khoảng 1 đến 2 tháng là mỗi anh em trong đội đều được về quê một lần, tuy thời gian thăm nhà rất ngắn nhưng rất hạnh phúc đối với các anh.
Trở lại câu chuyện của “mẹ Lan”, chị cho biết mặc dù gia đình không còn ai nhưng không vì thế mà chị buông xuôi, chị vẫn cố gắng làm lụng kiếm tiền, tích góp để vài năm nữa về quê. “Cuộc sống ở đây đúng là tất bật và lắm bon chen, mong trời cho sức khỏe để làm việc kiếm ít vốn về quê buôn bán. Dù thế nào thì ở quê vẫn dễ sống”, chị tâm sự.
Anh Hiền làm việc ở công trường cấp thoát nước trên đường Lê Quang Định có hai con, đứa nhỏ đang học lớp 4 còn đứa lớn cũng đã vào lớp 10. Đối với anh, chuyện lo cho các con ăn học là trên hết. Mỗi tháng anh đều dành dụm thêm chút ít để mua quà cho con. “Tháng nào không về Tiền Giang thăm nhà là nhớ tụi nó quay quắt. Mình làm cực khổ thế nào cũng được, chỉ mong chúng học giỏi và ngoan. Vui nhất là những lúc nó được điểm cao thì gọi điện lên khoe, thế là phải hứa cuối tháng mua quà”, anh nói.
Còn anh Thanh quê ở Long An nên cũng gần, mỗi tháng anh đều xin phép về thăm nhà. Anh cho biết, đang cố gắng làm để gom góp tiền mấy tháng nữa là cưới vợ.
Và khi mỗi công trình hoàn thành, các anh đều nở nụ cười vui mừng dù biết rằng có một công trình khác đang chờ đón phía trước. Đối với các anh, mỗi đoạn đường ống được nối đuôi thông thoáng, những con đường có thể lưu thông bình thường là niềm vui lớn nhất.
Khi chia tay chúng tôi thì cơn mưa chiều cũng bắt đầu lác đác, các công nhân trong đội của anh Hiền chạy về thu dọn, che chắn lán trại. Anh Hiền nói rằng nếu trời mưa lớn thì tối nay chắc các anh sẽ có một đêm khó ngủ. Tôi nghĩ đến cảnh lem luốc của các anh sau cơn mưa và hứa sẽ ghé thăm, viết tiếp nhiều câu chuyện nữa. Vì biết rằng sau những nỗi vất vả, những gương mặt nám đen vì nắng gió công trình kia còn có những niềm vui, nhiều câu chuyện hạnh phúc mà tất cả họ đều muốn chia sẻ, thổ lộ.
NGUYỄN TRỌNG LUẬT
Bình luận (0)