Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Sống tử tế bắt đầu từ đâu?

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo dục TP.HCM ngày 25-12 đăng câu chuyện giáo dục Nghiêm khắc để con thành người tử tế, nội dung rất sâu sắc, ý nghĩa. Qua câu chuyện đó, tôi xin mạn phép góp thêm ý kiến về chuyện “sống tử tế” hiện nay.

Làm thế nào để con người sống tốt với nhau, sống tử tế với nhau? Đó là một câu hỏi lớn, một vấn đề không nhỏ đối với thời đại hôm nay. Về lý thuyết, thực sự câu hỏi ấy rất dễ trả lời nhưng khi thực hành không phải ai cũng làm được. Chẳng hạn, lúc đặt ra một bài văn viết về đề tài sống tử tế, người ta dễ dàng kiếm được những con điểm rất cao còn trong khi thấy người gặp hoạn nạn họ lại dễ dàng vô cảm.

Một đứa trẻ không thể sống tốt trong một gia đình mà cha mẹ không hạnh phúc suốt ngày cãi vã trong một khu phố hỗn độn vì nạn trộm cắp, bạo lực xảy ra liên miên. Một học sinh không thể học tốt trong ngôi trường mà ở đó thầy cô giáo không phải là tấm gương sáng, bạo lực học đường liên tục xảy ra. Con người sống tử tế với nhau, văn minh và nghĩa tình bắt nguồn từ nhiều yếu tố: Gia đình, nhà trường và xã hội. Mà muốn đạt được những yếu tố ấy, điểm xuất phát là từ người lớn. Đi trên đường, chúng ta dễ dàng bắt gặp những hình ảnh không đẹp từ các bậc làm cha làm mẹ. Chẳng hạn khi chở con đi học hay đi chơi chính họ vô tư vứt rác bừa bãi trước mắt con trẻ. Hay khi va quẹt xe thay vì nhỏ nhẹ với nhau thì không ít ông bố bà mẹ văng tục với người khác trước mặt con, thậm chí còn giở thói côn đồ. Thử hỏi, như vậy thì họ làm gương thế nào cho con? Ở môi trường học đường, có những ngôi trường đặt nặng lợi nhuận, xem nhẹ việc giáo dục; có những người thầy “nói lời không hay, làm điều không tốt” thì làm sao dạy học trò nên người? Học trò học hỏi và đặt niềm tin ở đâu? Rõ ràng sống tử tế bắt đầu từ người lớn.

Sống bất cứ ở đâu, con người chúng ta cũng có thể tử tế với nhau. Mà sự tử tế ấy bắt đầu từ việc nhỏ nhặt nhất, đời thường nhất. Một lời cảm ơn chân thành tới người khác khi họ giúp mình một việc gì đó dù rất nhỏ, một lời xin lỗi với người khác khi mình làm sai với họ dù rất nhỏ…; những lời nói, cử chỉ rất nhỏ ấy thể hiện nét sống văn minh. Từ những sự nhỏ nhặt ấy, con người chúng ta sẽ tử tế với nhau hơn ở những việc lớn lao hơn.

Thái Hoàng
(Giáo viên Trường THPT Thành Nhân, TP.HCM)

Bình luận (0)