Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Sống và tồn tại với các cú sốc

Tạp Chí Giáo Dục

Đây là điều mà các DN cần phải học trong bối cảnh nền kinh tế thế giới hiện còn bất định, bấp bênh và yếu ớt. Trong khi, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc 50% vào kinh tế thế giới, 30% phụ thuộc vào cơ chế chính sách và 20% là nội tại của các DN và người dân. Đây là đánh giá của TS Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khi trao đổi với DĐDN. Theo TS Thành, đây là thời điểm nhạy cảm để đưa ra những chính sách của Chính phủ.

– Khủng hoảng tài chính thế giới ảnh hưởng đến VN gây áp lực tái cơ cấu nền kinh tế VN. Theo ông, chúng ta phải làm gì để thực hiện tái cơ cấu hiệu quả ?

Câu chuyện tái cơ cấu nền kinh tế là một câu chuyện rất lớn. Mục đích chính của vấn đề là làm thế nào để nền kinh tế VN phát triển ổn định. Muốn tái cơ cấu nền kinh tế VN, chúng ta phải dựa vào 3 điểm. Thứ nhất là nền kinh tế VN là nền kinh tế mở nên phụ thuộc rất lớn vào nền kinh tế thế giới. Cái quan trọng là chúng ta phải biết đặt mình ở vị trí nào, chơi ở góc độ nào. Trong lĩnh vực này, chúng ta chỉ có thể lựa chọn được một phần chứ không thể làm được tất cả. Đó là lựa chọn hình thức hội nhập.

Điểm thứ hai muốn tái cơ cấu nền kinh tế chúng ta phải đưa ra những chính sách nhà nước như thế nào cho phù hợp. Có hai nhóm chính sách cơ bản. Nhóm chính sách chung cho cả nền kinh tế, cho tất cả các DN và nhóm đặc thù là nhóm tác động cho từng ngành kinh tế. Tùy thuộc vào từng điều kiện và yêu cầu phát triển, Chính phủ có thể đưa ra những chính sách tạo điều kiện cho một ngành cụ thể phát triển.

“Một chính sách tốt là chính sách đem lại mặt bằng chung cho các ngành, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng”.

Thông thường nhóm chính sách đầu bao giờ cũng được thực hiện tốt hơn. Ví dụ Nhà nước muốn khuyến khích giáo dục hay ngành cơ khí phát triển thì sẽ có một số chính sách ưu đãi đặc thù. Tuy nhiên, mặt trái của việc này là những ngành này sẽ ỷ lại. Chính vì vậy, theo tôi, một chính sách tốt là chính sách đem lại mặt bằng chung cho các ngành, thúc đẩy một sự cạnh tranh bình đẳng. Bên cạnh việc ban hành chính sách, còn là việc thực hiện chính sách. Một chính sách tốt chưa đủ mà nó còn phải được thực hiện ra sao mới thực sự đem lại hiệu quả cho nền kinh tế và DN. Đây chính là công cuộc cải cách hành chính của Nhà nước. Sau khi chính sách ra rồi thì đến lượt DN sẽ đón nhận nó ra sao, đặc biệt là khu vực DN ngoài quốc doanh và DN nước ngoài. DN nhìn vào chính sách của Nhà nước thông qua các tín hiệu. Ví dụ chính sách vĩ mô như tỷ giả, bảo lãnh… Thứ ba là vấn đề nguồn lực như lao động, kết cấu hạ tầng. DN nước ngoài còn nhìn vào nhiều yếu tố khác như chính sách có ổn định không, bộ máy có tham nhũng  không, có phân biệt đối xử hay không… rồi mới đi đến quyết định đầu tư.

– Căn cứ vào một số các chỉ số, Bộ KHĐT vừa đưa ra nhận định nền kinh tế VN chạm đáy của khủng hoảng vào tháng 1 – 2 và bắt đầu tăng trưởng chậm trở lại vào tháng 3, 4, 5… Vậy còn ý kiến của ông?

Nếu nói khủng hoảng chạm đáy cần phải căn cứ vào các giá trị tuyệt đối. Ví dụ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2008 là âm (-) 2,5%, năm 2009 là âm 1% thì chúng ta biết đáy là ở vị trí thấp nhất. Nhưng một cách tính khác, người ta căn cứ vào tốc độ tăng trưởng của từng quý. Trong trường hợp này, đáy là khi mà tốc độ tăng trưởng chậm nhất. Còn một quan điểm nữa là nhìn vào tỷ lệ thất nghiệp. Nếu căn cứ vào tốc độ tăng trưởng, người ta có thế nói kinh tế thế giới chạm đáy vào khoảng quý 2 – 3/2009. Tuy nhiên, căn cứ vào tỷ lệ thất nghiệp thì theo dự báo của IMF, đầu năm 2010 tỷ lệ thất nghiệp mới là cao nhất.

Vậy còn đối với VN, nếu nhìn vào tăng trưởng thì quý 1 – 2 tăng trưởng chỉ khoảng 3,1%. Và theo dự báo, quý 3 – 4 sẽ đạt mức 4,5 – 5%. Nhưng đối với tỷ lệ thất nghiệp thì chưa chắc trong năm nay đã là chạm đáy. Tuy nhiên, theo tôi, cái quan trọng không phải là xem đáy ở đâu mà thực trạng sản xuất kinh doanh của chúng ta vẫn đang gặp nhiều khó khăn do tác động của một nền kinh tế thế giới bất định và yếu ớt. Thứ nữa là ở VN các rủi ro, bất ổn về kinh tế vĩ mô còn khá cao như lạm phát, sự lành mạnh của hệ thống tài chính, ngân hàng…

Đứng giữa hai khó khăn trên, việc đưa ra những chính sách thích hợp trong giai đoạn này là hết sức khó. Nới lỏng hay thắt chặt tài chính, tỷ giá… cũng là câu chuyện rất phức tạp. Tuy nhiên, theo tôi, ít nhất là chúng ta không được làm xấu đi chính sách vĩ mô và đảm bảo được an sinh xã hội, việc làm cho người lao động.

– DN phải làm gì trong bối cảnh hiện nay, thưa ông ?

DN phải tập làm quen với các cú sốc ví dụ như giá dầu tăng vọt, hay lạm phát, khủng hoảng tài chính… Và một dạng cú sốc khác đó là cú sốc do các nền kinh tế muốn bảo vệ lợi ích cho họ thường đưa ra những chính sách, thủ thuật để bảo hộ. Ví dụ chống bán phá giá, hàng rào kỹ thuật. Như vậy, DN phải học sách sống và chống chọi với các cú sốc. DN phải biết tìm hiểu thông tin, nơi sản sinh ra những cú sốc. Từ đó, DN phải biết, lường trước và điều chỉnh mình. DN phải biết lựa chọn lợi thế cạnh tranh trong các điều kiện động như nguồn nhân lực, tài nguyên, chuyển giao công nghệ. Từ đó, DN phải tự lựa chọn vị trí cho mình trong chuỗi sản xuất, dịch vụ nhằng nhịt hiện nay.

Chính vì vậy, theo tôi cái quan trọng nhất đối với DN hiện nay không phải là vấn đề vốn, nhân lực, tài nguyên… mà chính là thông tin. DN phải tìm và có được thông tin để lựa chọn vị trí, chỗ đứng của mình trong phân khúc, trong mạng và hiểu được đối tác của mình.

Để hỗ trợ các DN vượt qua khủng hoảng, chúng ta cũng có thể ra soát lại các giải pháp mà Chính phủ đưa ra. Thứ nhất là phải xem lại các gói kích cầu đầu tư, tiêu dùng và hỗ trợ lãi suất hiệu quả đến đâu, để điều chỉnh. Tiếp đến là các gói kich cầu từ thuế cũng cần phải xem cân đối lại. Đặc biệt, điều chỉnh chính sách tiền tệ cần rất linh hoạt hơn trong việc thận trọng hay tiếp tục nới lỏng. Một điểm mà DN cũng rất mong chờ ở chính sách nhất quán của Chính phủ giữa cái trước mắt và dài hạn. Cứu chữa là ngắn hạn có thể tạo ra một sự méo mó. Nhưng dài hạn là những chính sách tốt hơn liên quan đến thị trường lao động, đất đai, tài chính… Đây phải là những chính sách tạo sự ổn định và cạnh tranh bình đẳng. Và một điểm cuối cùng nữa là chúng ta phải nhìn thế giới, học thế giới xem họ cơ cấu nền kinh tế ra sao trong từng giai đoạn. Mỗi nền kinh tế đều có những nét đặc thù nhưng quy luật phát triển kinh tế thì tương đối đồng nhất.

– Xin cảm ơn ông !

Bá Tú (dddn)

Bình luận (0)