Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

SỐNG VÔ TƯ VỚI THUỐC TRỪ SÂU: Tiềm ẩn ngộ độc và ô nhiễm môi trường

Tạp Chí Giáo Dục

Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường do thuốc trừ sâu gây ra ở đồng bằng sông Cửu Long ngày càng diễn biến phức tạp. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến con người mà môi trường, vật nuôi cũng bị thiệt hại nặng nề
Tỉnh An Giang có khoảng 2,2 triệu dân, trong đó 75% dân cư ở nông thôn sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp. Trong đó huyện Châu Thành có trên 34.690 ha đất thì diện tích sản xuất nông nghiệp chiếm 84,3%.
Tính riêng năm 2008, trên địa bàn huyện Châu Thành, nông dân đã sử dụng 21.908 tấn phân bón hóa học các loại, 120 tấn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), tương đương với việc đã sử dụng khoảng 6,1 tấn vỏ bao bì và chai lọ đựng thuốc. Điều  này đồng nghĩa với việc đã có 183.000 tấn phân bón hóa học và trên 1.000 tấn thuốc BVTV được nông dân toàn tỉnh đổ xuống đồng ruộng. Bao bì, chai lọ đựng thuốc BVTV được nông dân vứt bỏ bừa bãi trên đồng ruộng, dưới rãnh, mương hoặc đem đốt không đúng cách, không bảo đảm an toàn, trôi theo dòng nước rồi phát tán xuống hệ thống sông rạch gây nguy cơ độc hại tiềm ẩn rất cao.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh An Giang, trong số 100 người được khảo sát thì có 7 người thừa nhận đã từng bị ngộ độc lúc phun xịt thuốc và chỉ có 21% người chú ý đến việc chăm sóc sức khỏe. Còn tại Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng và  TP Cần Thơ, mỗi năm đều có hàng chục ca ngộ độc thuốc trừ sâu. Mới đây, tại huyện Bình Minh (Vĩnh Long), một nông dân vừa bước xuống ruộng phun thuốc trừ sâu được vài mươi phút thì lăn ra bất tỉnh phải đưa đi bệnh viện cấp cứu với triệu chứng chóng mặt, nôn ói, khó thở, co giật, hạ đường huyết… Sau khi chẩn đoán, các bác sĩ xác định người này vừa đi làm đồng với bụng đói, vừa bị thuốc trừ sâu bay vào mũi gây ngộ độc.
Không chỉ tác động trực tiếp đến con người, thời gian gần đây, những người nuôi cá tra, cá ba sa và các loại cá khác bằng hệ thống bè trên sông Hậu, sông Tiền cũng mất ăn mất ngủ vì cá chết hàng loạt do nhiễm thuốc trừ sâu. Tại An Giang đã có nhiều trường hợp người nuôi cá ôm nợ tiền tỉ do cá chết sạch trong nháy mắt vì “trúng” phải thuốc BVTV.
Quan niệm sai lầm: Dùng thuốc càng nhiều, diệt sâu càng nhanh
Theo bà Trần Thị Thanh Thủy, Chi cục phó Chi cục BVTV huyện Châu Thành, chỉ có một lượng phân bón và thuốc BVTV nhất định được cây trồng hấp thụ, phần còn lại bị bay hơi, chảy tràn hoặc ngấm vào đất. Đây là nguyên nhân chính làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường đất ngày càng nghiêm trọng, ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Bà Thủy còn cho biết nông dân chưa áp dụng triệt để các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp mà chỉ dùng thuốc BVTV như một phương tiện chính để phòng trừ bệnh hại. Điều này làm cho hệ thiên địch trên đồng ruộng bị tiêu diệt gây mất cân bằng sinh thái, tạo điều kiện cho các loại dịch hại phát triển mạnh. Kết quả khảo sát trên nhiều nông dân cho thấy số lần phun xịt thuốc BVTV trong một vụ mùa trên 10 lần và quan niệm sai lầm là dùng thuốc càng nhiều để diệt nhanh, chết gọn các loại rầy, sâu bệnh. Việc sử dụng nhiều loại thuốc có độc tính cao, chậm phân hủy và sử dụng liên tục trong thời gian dài sẽ ẩn chứa nguy cơ về ô nhiễm môi trường rất cao.
QUỐC DŨNG(TTO)

Bình luận (0)