Kinh tế của các nước đang phát triển, kể cả Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam – nơi sự tăng trưởng vượt bậc đã giúp đưa hàng trăm triệu người ra khỏi nghèo đói trong những năm gần đây – đang có dấu hiệu “nguội” lại vì ảnh hưởng đã bắt đầu ở Mỹ và tiếp tục lan ra khắp thế giới.
Suy thoái khắp nơi
Nỗi lo ngại các thị trường đang phát triển và bùng nổ bị mắc kẹt trong cuộc suy thoái toàn cầu đã hiển hiện rõ rệt trong tuần trước. Các nhà đầu tư tiếp tục rời bỏ những mảnh đất màu mỡ như Nga để tìm tới các khoản đầu tư định giá bằng đồng đô la Mỹ an toàn hơn. Sự dịch chuyển này diễn ra khi giá các mặt hàng chiến lược từ các nước đang phát triển, nhất là dầu mỏ, đang xuống dốc không phanh.
Đối với nhiều quốc gia đang phát triển, giảm bớt tốc độ tăng trưởng có thể là một điều tốt. Một vài nước trong số này đã tăng trưởng quá nhanh, khiến lạm phát bùng nổ và đe dọa sự phồn vinh trong dài hạn. Nhưng sự giảm tốc cũng đặt các nước đang phát triển trước những thử thách then chốt. Sau nhiều năm tăng trưởng với tốc độ chóng mặt, giờ đây họ phải điều chỉnh các chính sách kinh tế để tránh một cuộc suy thoái nhanh chóng có thể gây tổn hại về công việc làm, ngăn chặn những nỗ lực xóa đói giảm nghèo và dẫn tới bất ổn chính trị.
Michael Hartnett, nhà chiến lược chính về các thị trường mới nổi của ngân hàng Merrill Lynch, cho rằng: “Về căn bản, giờ đây thế giới đang phát triển đang chậm lại cùng lúc với thế giới đã phát triển. Cho dù tầm vóc sự chậm lại của họ có khiêm tốn hơn rất nhiều thì đó cũng là một điều tiêu cực cho kinh tế toàn cầu. Hiển nhiên vấn đề lúc này là, họ sẽ chậm lại đến mức nào”.
Châu Âu và Nhật Bản, các nền kinh tế gắn bó chặt chẽ với Mỹ thông qua các con đường thương mại và các hệ thống tài chính, là những nơi đầu tiên bị lây “cảm cúm” từ Mỹ và đang tiếp tục hứng chịu hậu quả. Trong tuần qua, cổ phiếu các thị trường chứng khoán châu Âu chao đảo mạnh và Ủy ban châu Âu EC cảnh báo rằng, một số nền kinh tế lớn nhất châu lục như Anh, Đức và Tây Ban Nha đang trên đường đi tới suy thoái.
Thế giới đang phát triển vẫn tương đối uyển chuyển khi đối phó với sự hỗn loạn của kinh tế toàn cầu – nhất là sau khi nhiều nước đã vật lộn dữ dội trong thời kỳ khủng hoảng tài chính châu Á và châu Mỹ Latin vào các năm 1997 và đầu thập kỷ 2000. Nhưng giờ đây khi kinh tế của các nước phát triển giảm tốc độ thì nhu cầu tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu từ các thị trường đang phát triển cũng bị suy giảm. Nhiều nền kinh tế đang phát triển mãi gần đây mới thu được lợi nhuận nhờ giá hàng hóa, nguyên liệu và lương thực tăng cao.
Trên bình diện thế giới, đà suy giảm tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển đem lại cả thuận lợi, lẫn khó khăn. Một mặt, nó góp phần làm giảm giá nguyên liệu-nhiên liệu mà nhiều năm qua đã bị đẩy lên cao do nhu cầu tiêu thụ không đáp ứng nổi của các thị trường mới. Việc Trung Quốc giảm nhập khẩu dầu mỏ – giờ đây Trung Quốc đã là nước tiêu thụ dầu mỏ nhiều thứ hai thế giới, sau Mỹ – là một nhân tố phía sau sự sụt giảm mạnh mẽ của giá xăng dầu trong vài tuần qua. Khí đốt thiên nhiên, cũng như vài loại ngũ cốc như bắp và lúa mì, cũng đã giảm giá ở tỷ lệ hai con số sau khi đạt tới điểm cao hồi đầu năm.
Nhưng mặt khác, đà nguội lại của các thị trường mới nổi cũng góp thêm vào sự suy giảm chung của nền kinh tế toàn cầu. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo năm nay kinh tế thế giới chỉ tăng trưởng không quá 4,1% so với mức 5% của năm ngoái. Các thị trường mới nổi nào càng gắn bó với các nền kinh tế phát triển càng bị thiệt hại nặng, điển hình là Mexico và các nước vùng Baltic như Estonia và Latvia.
Những cơ hội còn lại
Vùng đất còn nhiều tiềm năng chính là châu Phi hạ Sahara. Nhiều thập niên qua vùng đất nghèo khó này đã có mức tăng trưởng ấn tượng nhờ sự bùng nổ nhu cầu nguyên liệu trên toàn cầu. Hiện nay vùng này ít chịu ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế thế giới một phần vì nhu cầu nguyên liệu của Trung Quốc vẫn còn khá mạnh. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang đổ tiền vào châu Phi vì tin vào tiềm năng tăng trưởng lớn lao của khu vực này. Chừng nào giá nguyên liệu vẫn chưa “rơi tự do” thì các mỏ khoáng sản của châu Phi vẫn còn hấp dẫn. Việc nguyên liệu giảm giá một chút có khi còn có lợi là giúp châu Phi kiềm chế lạm phát, một trong những bài toán kinh tế nan giải nhất mà các nền kinh tế đang phát triển phải đối phó.
Không ở đâu mà sự cân bằng kinh tế được giới quan sát theo dõi kỹ như ở Trung Quốc. Khi tăng trưởng của kinh tế nước này bị giảm tốc, các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh cũng bắt đầu thay đổi chiến thuật. Có thời, mối quan tâm hàng đầu của họ là các doanh nghiệp và người tiêu dùng nói chung đang chi tiêu quá nhiều, gây nên lạm phát. Nhưng giờ đây rõ ràng chính phủ Trung Quốc cho rằng tăng trưởng chậm là một mối đe dọa còn nghiêm trọng hơn nữa. Vài tuần gần đây họ đã nới lỏng các quy định về tín dụng, giảm lãi suất cơ bản đối với tiền cho vay, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng thương mại đồng thời cho phép các ngân hàng khu vực cung cấp nhiều tiền hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để chúng khỏi phá sản, làm mất công ăn việc làm của người dân.
Trung Quốc vẫn còn giữ được con át chủ bài là số tiền gần 2 ngàn tỉ đô la dự trữ ngoại tệ. Số tiền này cho phép Trung Quốc chi tiêu thoải mái vào các dự án hạ tầng cơ sở để tiếp tục duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao. Đã có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sắp phóng tay đầu tư. Chính quyền Trung Quốc đã mạnh tay chi ra 42 tỉ đô la xây dựng các công trình phục vụ Thế vận hội, giờ đây người ta kỳ vọng Trung Quốc sẽ tiếp tục bỏ ra 180 tỉ đô la để tái thiết các vùng bị động đất tàn phá ở tỉnh Tứ Xuyên hồi tháng 5 vừa qua. Kế hoạch đầu tư khổng lồ này là cơ hội làm ăn cho những doanh nghiệp nào sớm đặt chân vào Trung Quốc.
Đã nhiều năm qua các nhà phân tích đều cho rằng thách thức lớn nhất của kinh tế Trung Quốc sẽ đến trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm, khi Trung Quốc phải trông cậy vào tầng lớp trung lưu đông đảo và ngày càng tăng để thúc đẩy phát triển kinh tế. Nhu cầu tiêu thụ hiện chỉ mới chiếm khoảng 35% nền kinh tế Trung Quốc, bằng một nửa so với Mỹ. Không ai biết được phải mất bao lâu nữa người tiêu dùng Trung Quốc mới chi tiêu nhiều hơn, tương đương như người dân ở các nước có cùng mức thu nhập. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc thực hiện chính sách kích cầu nội địa để bù vào chỗ sút giảm xuất khẩu và người dân Trung Quốc tăng mức hưởng thụ cuộc sống thì đó lại là một cơ hội không thể bỏ qua.
Lan Phương (dddn)
Bình luận (0)