Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung bộ, trong các tháng mùa khô năm 2024, do thiếu hụt dòng chảy từ thượng lưu kết hợp ảnh hưởng mạnh của thủy triều nên xâm nhập mặn vùng hạ lưu sông Vu Gia – Thu Bồn có khả năng đến sớm và gay gắt hơn so với năm 2023…
Một công trình hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn
Hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn có diện tích lưu vực 10.350km2, bắt nguồn từ địa bàn tỉnh Kon Tum chảy qua tỉnh Quảng Nam, TP.Đà Nẵng và đổ ra Biển Đông. Vu Gia – Thu Bồn là một trong 10 hệ thống sông lớn của Việt Nam, có tổng lượng dòng chảy trung bình đạt 19.347 triệu m3/năm (tương ứng với lưu lượng nước trung bình 614 m3/s).
Theo quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn có nhu cầu sử dụng nước lớn nhất khoảng 790 triệu m3/năm (chiếm 0,65% so với nhu cầu nước toàn quốc).
Tuy nhiên, tài nguyên nước mặt Vu Gia – Thu Bồn đang gặp không ít thách thức. Phân bố dòng chảy không đều là một trong những nguyên nhân thiếu nước vào mùa khô. Ngoài ra, biến đổi khí hậu được dự báo tác động lớn đến tài nguyên nước trên lưu vực sông. Bên cạnh đó, rừng đầu nguồn suy giảm, tình trạng phá rừng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn sinh thủy trên lưu vực sông. Kinh tế – xã hội phát triển cùng với đô thị hóa, công nghiệp hóa, tăng dân số làm gia tăng yêu cầu cấp nước cả về số lượng và chất lượng; gia tăng các hoạt động xả nước thải, nhất là các loại hình nước thải không được xử lý đúng quy chuẩn, kỹ thuật gây sức ép ngày càng lớn.
Đánh giá chung của hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng cho thấy, việc vận hành các công trình hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn nếu không hợp lý sẽ làm suy giảm, cạn kiệt dòng chảy, nhất là ở hạ lưu các công trình hồ chứa, đập dâng thủy lợi, thủy điện vào mùa khô. Việc sử dụng nước thiếu hiệu quả, vận hành các công trình hồ chứa chưa hợp lý trong khi nhu cầu dùng nước ngày một gia tăng sẽ làm giảm khả năng đáp ứng nước vào mùa khô.
Thực tế này cho thấy, Quảng Nam và Đà Nẵng đang đứng trước thách thức lớn về bảo đảm an ninh nguồn nước cho phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
Ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – nhìn nhận, ngoài việc tiếp tục hợp tác, điều phối các hoạt động liên quan tới quản lý tài nguyên nước, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, Quảng Nam và Đà Nẵng cần cùng nhau nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để giảm thiểu tác động của các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội trên lưu vực đến tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu; Vận hành các công trình điều tiết, sử dụng nước quy mô lớn hợp lý, hài hòa, đa mục tiêu, chú trọng các công trình thủy điện trên lưu vực sông; Điều hòa, phân phối nguồn nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ lụt; Duy trì dòng chảy tối thiểu; Giám sát, ứng phó, khắc phục tác hại và sự cố ô nhiễm nguồn nước do các hoạt động khai thác, sử dụng nước và xả thải gây ra; Gia cố, cải tạo lòng, bờ sông; Giảm thiểu tác động của các hoạt động khai thác khoáng sản trên sông, suối, hồ chứa; Cải tạo, khôi phục nguồn nước, bảo tồn các hệ sinh thái, cải thiện chất lượng nước, các khu đất ngập nước…
Ông Lê Quang Nam – Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng – cho rằng, cần có quy chế phối hợp ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước trên lưu vực. Trong đó, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mỗi địa phương trong việc tìm ra nguyên nhân, tổ chức, cá nhân gây sự cố; Phối hợp giảm thiểu tác hại do sự cố gây ra; Yêu cầu đối tượng gây ra sự cố bồi thường thiệt hại; Lập bản đồ các nguồn thải lớn, xả vào lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý; Tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát hoạt động xả thải…
Phan Yên
Bình luận (0)