Theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT TP.HCM, các trường mầm non (MN) công bố kế hoạch tuyển sinh từ 15-6. Thế nhưng trước đó nhiều phụ huynh đi xin học cho con đã nhận được câu trả lời “hết chỗ”.
Phụ huynh đến nộp hồ sơ xét tuyển cho con vào học tại Trường mầm non Họa Mi 3, Q.5, tp.hcm (sáng 16-6-2010) – Ảnh: NHƯ HÙNG
|
“Ngày 14-6 thấy con nhà hàng xóm đi học hè, tôi định đi trước một bước đến Trường MN Hồng Nhung mua đơn, nhưng trường nói không nhận HS 3 tuổi nữa, hết chỗ rồi. Chạy qua mấy trường tư thục gần đó, trường nào cũng lắc đầu “đã bán hết đơn”. Chẳng lẽ chỗ học MN khan hiếm vậy sao?” – chị Lê Phương Linh – thường trú tại P.4, Q.Gò Vấp – kể với giọng lo lắng.
Quá tải
Tương tự, một số phụ huynh ở P.10, Q.Gò Vấp cũng đang sốt ruột vì Trường MN Thủy Tiên vẫn chưa thực hiện tuyển sinh cho năm học mới. Theo ban giám hiệu nhà trường: “Năm nay phổ cập trẻ 5 tuổi nên trường phải chờ số HS 5 tuổi ra lớp hết rồi mới tính tiếp xem có nhận thêm HS ở độ tuổi khác không”.
Sáng 15-6 dù đã nghe nhà trường trả lời rành rọt nhưng chị Thu Tâm vẫn đứng tần ngần trước cổng Trường MN Thủy Tiên không chịu về: “Tình hình này chắc phải bấm bụng chi thêm vài trăm ngàn đồng nữa cho thằng nhỏ qua trường tư thục học quá. Chứ đợi thêm vài tuần nữa, khi trường công không nhận, trường tư cũng hết chỗ thì thằng nhỏ biết học ở đâu”.
Theo cô Nguyễn Thị Ngọc Lợi – hiệu trưởng Trường MN Hồng Nhung, Gò Vấp: “Do HS lớp 2 tuổi lên lớp 3 tuổi, HS lớp 3 tuổi lên lớp 4 tuổi… nên nhà trường không nhận thêm HS mới độ tuổi 3-4 mà chỉ nhận HS nhà trẻ (dưới 3 tuổi) và dành chỗ nhận trẻ 5 tuổi trên địa bàn”.
7g30 sáng 14-6, nhiều phụ huynh đã ào đến Trường MN Bình Trưng Đông, Q.2 xin cho con học hè. Anh C.Thanh – phụ huynh thường trú tại P.Bình Trưng Tây – vừa hấp tấp điền tên vào đơn vừa nói nhỏ với chúng tôi: “Xin học hè rồi xin học cả năm luôn đi. Phải đăng ký ngay trong hôm nay chứ không thì hết chỗ. Tôi vừa từ Trường MN Sen Hồng qua, bên đó hết chỗ rồi”.
Trao đổi với chúng tôi, cô Đào Thị Kim Phụng – hiệu trưởng Trường MN Sen Hồng, Q.2 – cho biết: “Hiện nhà trường đang nhận HS lớp nhà trẻ, mỗi tháng 6-7 trẻ thôi. Riêng HS các lớp khác thì cứ lớp dưới đôn lên lớp trên đã kín chỗ”.
Trong khi đó, nhiều ngày nay trước cổng Trường MN Bến Thành, Q.1 luôn có rất đông phụ huynh đến hỏi về việc tuyển sinh. Cô Tôn Nữ Kim Anh – hiệu trưởng Trường MN Bến Thành – tính toán: “Các lớp mầm, chồi, lá của trường hiện đều có sĩ số trên 60 HS/lớp. Có lẽ năm nay trường sẽ không tuyển thêm HS mới, nếu có chỉ tuyển khoảng 90 HS lớp nhà trẻ. Còn ưu tiên nhận thêm trẻ 5 tuổi thì phải mở thêm lớp, khi đó chúng tôi sẽ giảm số HS nhà trẻ xuống”.
5 tuổi đã phải học trường tư
Nếu như nhiều quận, huyện trên địa bàn TP ưu tiên nhận hết trẻ 5 tuổi vào học trường công thì tại quận Tân Phú việc này không thực hiện được.
Bà Trần Thị Trí, phó trưởng Phòng GD-ĐT Q.Tân Phú, phân tích: “Tân Phú chỉ có 10 trường MN công lập, chắc chắn không thể đáp ứng hết nhu cầu của phụ huynh – nhất là phụ huynh những phường không có trường MN công lập. Mặc dù thực hiện phổ cập trẻ 5 tuổi nhưng chúng tôi cũng không thể phân tuyến HS, phụ huynh phải tự liên hệ với trường MN gần nơi cư trú để xin học cho con.
Nếu trường công hết chỗ thì đành phải cho con em học trường tư, nhóm, lớp tư thục (hiện Tân Phú có 13 trường tư thục và 107 nhóm, lớp MN tư thục – PV). Những năm qua, số HS Tân Phú học tại trường lớp MN tư thục cao hơn gấp nhiều lần so với số HS học trường công lập”.
Theo Th.S Nguyễn Thị Kim Thanh, trưởng Phòng GD MN Sở GD-ĐT TP.HCM, những năm qua các trường, nhóm, lớp tư thục trên địa bàn TP “gánh” giúp gần 50% số HS MN của TP.
"Năm nay thực hiện phổ cập thì trường công sẽ giảm bớt các lớp 2,3,4 tuổi để dành chỗ cho trẻ 5 tuổi, nhưng cũng không thể nhận hết 100% số trẻ. Chắc chắn sẽ có một số HS phải học trường tư. Tôi chỉ khuyên phụ huynh nếu không cho trẻ 5 tuổi học trường công lập được thì nên ghi danh cho cháu học trường tư thục, không nên để HS 5 tuổi học ở nhóm trẻ gia đình – điều kiện giảng dạy sẽ không bảo đảm như mong muốn”, bà Thanh nói.
HOÀNG HƯƠNG / TTO
Hà Nội: thay phiên “trực chiến” mua đơn
Hà Nội có gần 800 trường mầm non ở các loại hình nhưng chỉ khoảng 650 trường mầm non công lập, đáp ứng 45-50% nhu cầu gửi con của người dân Hà Nội. Nếu tính cả nhu cầu của dân các địa phương về Hà Nội làm việc thì khả năng đáp ứng quá khiêm tốn.
Chị Bùi Kim Xuyến, trú tại Định Công, Hoàng Mai, cho biết: “Có nhiều trường tư tốt nhưng học phí 2-4 triệu đồng/tháng nên không có điều kiện kinh tế gửi con. Nhiều tháng qua chúng tôi phải chuyển chỗ gửi con đến ba lần, từ nhóm trẻ gia đình đến tư thục loại bình dân nhưng thấy vẫn không ổn. Việc tìm một trường có học phí vừa với túi tiền và an toàn không dễ. Nhưng có tìm được cũng khó khăn nếu chậm chân”.
Theo nhiều giáo viên mầm non ở các trường Việt Bun, Hoa Hồng, Việt Triều, Mầm non A, Chim Non… thuộc khu vực nội thành, việc phụ huynh xếp đơn xin tuyển cho con ở độ tuổi 4-5 rất khó khăn, vì số trẻ nhận vào trước từ 3 tuổi tiếp tục học lên đã quá đông. Một số phụ huynh ngày nào cũng ngó nghiêng trước cổng Trường mầm non Bách Khoa cho biết phải trực để trường phát đơn thì mua.
Một phụ huynh cho biết năm trước cũng thời điểm này phải xếp hàng từ đêm để mua đơn xin học nhưng rốt cuộc vẫn bị rớt ra ngoài. Năm nay bố mẹ phải thay phiên nhau “trực chiến” chờ mua đơn!
VĨNH HÀ / Tuoi Tre
|
Bình luận (0)