Hiện nay ở TP Đà Nẵng đang khan hiếm thợ xây, sửa nhà. Mặc dù phải trả tiền công rất cao, gấp 2-3 lần so với công thợ hồ lúc bình thường đồng thời còn đáp ứng đòi hỏi phải “bao thêm một chầu nhậu” sau mỗi ngày công, nhưng nhiều gia đình bị hư hại nhà cửa vẫn không thuê được thợ để xây, sửa nhà.
Thợ hồ đang trở nên “đắt sô” ở TP Đà Nẵng – Ảnh: Nam Anh |
Cùng với trên 50.000 căn nhà bị sập đổ, hư hỏng do bão số 9 gây ra, rất nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ở Đà Nẵng cũng bị hư hại, rất cần sửa chữa, khắc phục. Do đó, thợ xây dựng đang trở nên “đắt sô”.
“Đỏ mắt” tìm thợ
Đứng cạnh ngôi nhà chỉ còn là đống gạch đổ nát, tôn còn mắc trên ngọn cây, bà Bùi Thị Nhữ (thôn Quan Nam 2, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) xót xa nói: “Mấy ngày ni tui chạy tới chạy lui kêu thợ về sửa nhà mà không có ai tới. Họ nói đang bận làm cho nhiều công trình lớn. Kêu thợ hoài không được, tui đành để nhà vậy mà đi ở nhờ chứ biết làm chi bây chừ”. Còn bà Mai Thị Thúy (thôn Quan Nam 3, xã Hòa Liên) thì loay hoay tự dùng cây chống dựng lại lều bán tạp hóa bé tẹo, vốn là chỗ kiếm sống của mấy mẹ con “vợ góa, con côi” hằng ngày.
“Thợ hồ đòi công cao lắm, tới 160.000 đồng/ngày, chừng nớ là quá sức đối với mẹ con tui. Nói thiệt, đi vay mượn tiền không ra, tui phải đem sổ đỏ thế chấp cho dịch vụ cầm đồ được 20 triệu đồng để lo sửa chữa lại cái quán ni chứ không thì lấy chi mà nuôi con. Vậy mà thợ cứ hẹn tới hẹn lui hoài, bữa ni mới chịu tới” – bà Thúy buồn rầu nói.
Rất nhiều gia đình đang gặp cảnh khó như bà Nhữ, bà Thúy. Còn nhiều thợ xây dựng đang chịu nhận làm nhà tư nhân trong “thời buổi đắt hàng” thì đưa ra nhiều yêu sách. Đó là công thợ cao gấp đôi ngày thường. Đồng thời, phải phục vụ ăn uống đầy đủ và chủ nhà không được phàn nàn, ai cần thợ phải chấp nhận điều kiện đó. Chị Liên (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) than thở: “Nhà sát biển, bão giật làm sập mất một nửa phía sau nên đành bấm bụng trả tiền công cao, lại còn phải lo đáp ứng đầy đủ yêu cầu của thợ, nhưng họ còn đòi sau mỗi ngày công phải bao thêm một chầu nhậu”. Vì không còn chỗ ở, bảy người trong gia đình phải đi ở nhờ rất phiền phức nên chị phải chấp nhận để họ đến làm.
Anh Nguyễn Thắng (tổ 11, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) cho biết: “Tìm thợ cả tuần nay để sửa lại nhà bếp bị tốc mái, sập mất một nửa nhưng không ai nhận làm vì chê công trình phụ ít tiền. Hằng ngày không có chỗ để nấu nướng, bực mình quá, tui đành tự mình mua vật liệu về dựng lại bếp”.
Thêm khó cho dân
Với 50.000 căn nhà ở Đà Nẵng bị sập sau bão số 9, trong đó riêng huyện Hòa Vang có hơn 3.200 nhà bị hư hại nên nhu cầu cần thợ sửa chữa, xây dựng lại rất lớn. Ông Võ Văn Được, một thợ hồ, nói: “Gần 30 năm nay tui làm nghề này rồi mà chưa khi nào thấy người ta kêu thợ nhiều như lúc này. Nhiều nơi cần thợ nói mấy họ thuê mấy chứ không cần trả giá”. Vì đang cao điểm khắc phục hậu quả sau bão nhưng nhiều thợ hồ không dám ra làm riêng vì ngại mất mối làm lâu dài với các chủ thầu. Một số doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đang muốn đẩy nhanh tiến độ phục dựng nhà xưởng cho kịp sản xuất nên có nhu cầu thuê nhân công tập trung sửa chữa với số lượng rất đông.
Đây là những công trình “ngon ăn” của các chủ thầu xây dựng. Vì thế, các thợ được chủ thầu gọi đi làm, mặc dù trả lương không cao bằng sửa nhà cho dân vẫn không thể từ chối. Tuy nhiên, tại một số vùng bị bão tàn phá nặng như Hòa Liên, Hòa Tiến, Hòa Phong xuất hiện nhiều thợ phụ hồ phải làm việc theo kiểu “chạy sô”. Vì vậy, dù tiền công được trả cao nhưng họ chỉ làm qua loa vì không thể bỏ hợp đồng với các chủ thầu.
Một thợ hồ là anh Trần Văn Chính cho hay: “180.000 đồng/ngày công thợ quả là cao so với ngày thường, người làm nghề như chúng tôi ai cũng muốn tranh thủ nhưng đành chịu”. Bình thường, dù công trình nhỏ như cái chái bếp anh cũng nhận làm, nhưng hiện nay dù trả cao gấp 2-3 lần anh cũng không đi được. Dù nể nang người quen “gọi việc” nhưng cũng không thể nào giúp được vì các chủ thầu đang thúc bách.
Cùng với cảnh bị thiệt hại “trắng tay”, tan hoang nhà cửa sau bão số 9, đến nay hàng trăm ngàn người dân vẫn còn phải đi ở nhờ khắp nơi. Nhiều gia đình không có tiền sửa sang hoặc chưa nhận tiền hỗ trợ của thành phố đành phải dựng bạt ở tạm. Tình trạng khan hiếm thợ xây, phải trả tiền công cao là thêm một khó khăn nữa cho nhiều người dân tại các vùng bị bão lụt ở Đà Nẵng, nhất là những gia đình nghèo đang cần sớm ổn định lại cuộc sống sau bão.
NAM ANH (TTO)
Bình luận (0)