Cảnh chen lấn mua vé về quê ăn Tết ở BXMT. Ảnh: I.T |
Hàng năm, mỗi khi Tết đến – Xuân về thì không chỉ riêng TP.HCM mà tại nhiều TP lớn trong cả nước, tình trạng “sốt” vé và giá vé xe khách tăng cao ngất ngưởng. Nhiều người dân đã phải tốn rất nhiều tiền bạc, thời gian “chầu chực” ở các bến xe để mua được 1 tấm vé xe về quê ăn Tết. Tình trạng này lặp đi lặp lại từ nhiều năm nay và trở thành một bài toán nan giải cho các cơ quan chức năng liên quan ở mỗi địa phương.
Ước ao sum họp gia đình trong đêm giao thừa
Năm nào cũng vậy, cứ Tết đến, muốn về quê sum họp gia đình dù có “rồng rắn” xếp hàng chầu chực, người mua nhiều khi vẫn phải chấp nhận mua vé chợ đen. Lý do thì ai cũng biết, còn giải pháp thì vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và tìm kiếm. Là người Việt Nam, dù lao động cực khổ đến đâu, xa xôi cách trở đến mấy thì mỗi khi Tết đến Xuân về ai cũng đều có một mong ước cháy lòng là được quây quần đoàn tụ bên gia đình trong đêm giao thừa. Thế nhưng năm nào cũng vậy, sau những chuỗi ngày mệt mỏi với cơn “sốt” đăng ký, xếp hàng, soạn tin nhắn… để mua vé tàu về quê ăn Tết, những người lao động “nhập cư” kém may mắn không mua được vé tàu lại tiếp tục bị đẩy vào cơn “siêu sốt” mới với vé xe khách.
Ngay ngày đầu tiên triển khai bán vé xe phục vụ hành khách đi lại dịp Xuân Canh Dần 2010 từ sáng tinh mơ, bến xe miền Đông đã có hàng ngàn lượt người đổ về để mua vé. Tuy nhiên, rất nhiều người đã phải ngậm ngùi thất vọng ra về tay trắng. Một vài người may mắn mua được vé, còn lại thì đa phần phải cắn răng, ngậm ngùi chấp nhận giá vé tăng cao. Thậm chí, nhiều người phải mua vé xe với mức giá cao hơn cả vé tàu và “đạt mức” gần bằng giá vé máy bay. Khi đề cập đến nguyên nhân tại sao giá vé tăng quá cao so với thường ngày? Lãnh đạo của một bến xe giải thích: mức tăng này là để phụ thu giá vé trong thời gian hoạt động cao điểm phục vụ Tết và để bù trống một lượt cho tất cả các chuyến. Đa số các chủ xe thì đưa ra lý do tăng giá vé như “thu không đủ bù chi”, xăng dầu tăng giá, tăng thuế vận tải từ 5% lên 10%… Cũng có nhà xe thì “lý luận” đã là cơ chế thị trường, tôi bán giá nào là việc của tôi, nếu anh không đồng ý thì đừng mua. Ngược lại các cơ quan chức năng thì cho rằng “giá vé tăng trên 60% là quá cao” và nhiều doanh nghiệp tăng giá vé từ 100 đến 200% là không thể chấp nhận được, tuy nhiên biện pháp đưa ra để chấn chỉnh thì xem ra vẫn chưa rõ ràng hoặc chưa đủ sức răn đe.
Cần một mức giá hợp lý
Vẫn biết áp lực giao thông vào dịp Tết do “cầu vượt cung” là điều khó tránh khỏi đối với ngành giao thông vận tải và cơ chế thị trường là “thuận mua vừa bán” nhưng lợi dụng sự mất cân đối “cung cầu” để tăng giá vượt quá xa so với chi phí là điều không thể chấp nhận được. Vấn đề đáng nói ở đây là: khách hàng bị ép đa phần là những người lao động phổ thông hoặc những người có mức thu nhập không cao. Họ phải lao động cật lực, dành dụm, tiết kiệm cả năm để có được số tiền về quê ăn Tết. Vậy mà chỉ cần một động thái tăng giá vé của các “nhà xe” có thể “buộc” những người lao động này tiêu đến đồng tiền cuối cùng của cả một năm dành dụm, hoặc phải chấp nhận ở lại nơi đất khách quê người trước dịp Tết đến, Xuân về.
Giá vé tàu xe trong dịp Tết được xem là mặt hàng thiết yếu, do đó cần có sự can thiệp của Nhà nước trong việc bình ổn giá. Một mức giá phù hợp là điều mà những người lao động luôn mong muốn, vừa không thiệt thòi nhà xe, vừa không đưa khách hàng vào thế bị ép và Nhà nước cũng không phải dùng những biện pháp, mệnh lệnh hành chính để can thiệp sâu vào quá trình vận động của nền kinh tế thị trường.
HÀ ANH KIỆT
Bình luận (0)