Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Sốt” với dịch vụ đổi tiền lẻ dịp Tết

Tạp Chí Giáo Dục

Dịch vụ đổi tiền vào những ngày gần Tết càng trở nên đắt khách

Thời điểm gần Tết Nguyên đán, dịch vụ đổi tiền lẻ lại bước vào những ngày cao điểm nhất trong năm. Nhiều nơi đưa ra mức phí đổi tiền chênh lệch nhau để câu kéo khách.

Loạn phí đổi tiền lẻ

Có thể thấy, nhu cầu đổi tiền lẻ để mừng tuổi, đi lễ chùa đầu năm mới của người dân trở nên sôi động vào những ngày cận Tết. Đây cũng chính là mùa “làm ăn” của dịch vụ đổi tiền với đủ các mệnh giá. Tuy nhiên, quỹ tiền lẻ của các ngân hàng đều có giới hạn, không thể đáp ứng nhu cầu đổi tiền lẻ của khách hàng nên việc khách hàng tìm đến những dịch vụ của “chợ đen” để đổi tiền lẻ là điều không thể tránh khỏi.

Bên cạnh hình thức môi giới đổi tiền qua điện thoại, hiện nay, trao đổi tiền lẻ cũng nở rộ trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram… Với sự phát triển của mạng xã hội, dịch vụ đổi tiền lẻ càng trở nên “xôm tụ”. Tại một số trang chuyên bán, đổi tiền lẻ trên Facebook, không khó để tìm thấy hình ảnh những cọc tiền với hàng trăm đến cả ngàn tờ tiền mệnh giá từ 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng được giới thiệu với mức phí hấp dẫn. Trên một số các website chuyên về dịch vụ đổi tiền, những lời mời quảng cáo đáp ứng bất cứ nhu cầu nào của khách, đổi số lượng và mệnh giá từ nhỏ nhất 200, 500, 1.000, 2.000, 5.000, 10.000 đồng cho tới các mệnh giá lớn hơn như 20.000, 50.000, 100.000, 200.000 đồng một cách nhanh chóng, dễ dàng.

Liên lạc với một số điện thoại chuyên cung cấp dịch vụ đổi tiền lẻ được giới thiệu trên một trang mạng xã hội, chúng tôi nhận được những lời mời chào đon đả, nhiệt tình: “Bên anh đổi tiền lẻ mệnh giá nào cũng có. Thời điểm cận Tết, chi phí hơi nhích hơn ngày thường nhé. Với 1 triệu đồng được đổi thành 1,25 triệu đồng cho tất cả các mệnh giá và số lượng. Nếu tiền lẻ khan hiếm ngày cận Tết, chi phí còn có thể cao hơn”. Liên lạc với một dịch vụ đổi tiền lẻ khác, chúng tôi lại nhận được mức giá chênh lệch khác nhau. Mùa cao điểm, dịch vụ đổi tiền lẻ Tết lại “nóng” khi nhiều nơi đưa ra mức phí đổi tiền chênh lệch nhau để câu kéo khách, thậm chí có những mệnh giá tiền khan hiếm, phí đổi lên tới 50-80%. Với số lượng lớn từ 1.000 tờ, khách hàng sẽ được nhận ưu đãi giảm xuống 8-10%.

Tiền mệnh giá càng bé, chi phí đổi càng cao

Theo Nghị định 96/2014, nếu bị cơ quan chức năng phát hiện, người đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch không đúng quy định sẽ bị xử phạt từ 20-40 triệu đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, dịch vụ đổi tiền ngày càng tinh vi, nhiều mánh khóe để “lách” luật và người dân vẫn chấp nhận mức chênh vô lý này với suy nghĩ “Tết nên dịch vụ gì cũng tăng giá!”.

Theo khảo sát của chúng tôi ở một số dịch vụ đổi tiền, tính đến thời điểm này, tiền có mệnh giá lớn hơn 50.000 đồng, phí sẽ dao động từ 5 đến 10%. Tiền mệnh giá 500 đồng được xem là “đắt” nhất khi khách phải trả chi phí 70-100% trên số tiền nhận về, tức là nếu đổi 500.000 đồng tiền 500 đồng, số tiền phải chi lên tới 850.000 đồng đến 1 triệu đồng. Vì sự khan hiếm của tiền mệnh giá nhỏ nên giá đổi tiền lẻ ngày càng cao.

Dịp Tết, các loại tiền lẻ mừng tuổi được khách hàng chuộng nhất là tiền mệnh giá từ 5.000 đồng, 10.000 đồng, 20.000 đồng. Với loại tiền có mệnh giá 200 đồng, 500 đồng, 1.000 đồng thường được sử dụng để đi lễ chùa đầu năm nên có phí đổi khá cao. Nắm bắt nhu cầu của khách hàng, tiền lẻ nhiều giá trị được tung lên mạng chào bán. Mức phí đổi tiền lẻ Tết của nhiều mệnh giá tiền lên tới 80%, nhiều dịch vụ đổi tiền lẻ còn cam kết đổi số lượng nhiều, khách sẽ được “giảm giá”.

Bên cạnh nội tệ, ngoại tệ có số seri đẹp cũng được khách hàng “săn lùng” để mua làm tiền lì xì Tết. Như mọi năm, đồng 2 USD vốn được quan niệm là may mắn thường có giá “cắt cổ” hơn so với các dòng tiền khác.

Dịch vụ đổi tiền lẻ là hình thức kinh doanh trái phép nhưng cứ đến hẹn lại lên, đánh vào tâm lý khách hàng, các nhà cung cấp dịch vụ đổi tiền lẻ vẫn “tung hoành” trên thị trường để kiếm lời. Khó có thể đổi tiền lẻ trực tiếp từ ngân hàng, khách hàng buộc phải tìm đến những dịch vụ môi giới đổi tiền lẻ, tiền mới. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự “bát nháo” của dịch vụ này những ngày gần Tết. Theo Nghị định 96/2014, nếu bị cơ quan chức năng phát hiện, người đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch không đúng quy định sẽ bị xử phạt từ 20-40 triệu đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, dịch vụ đổi tiền ngày càng tinh vi, nhiều mánh khóe để “lách” luật và người dân vẫn chấp nhận mức chênh vô lý này với suy nghĩ “Tết nên dịch vụ gì cũng tăng giá!”.

Bài, ảnh: Thục Quyên 

Bình luận (0)