Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Sốt xuất huyết bùng phát ở đồng bằng sông Cửu Long

Tạp Chí Giáo Dục

Mới đầu mùa mưa nhưng bệnh sốt xuất huyết đã gia tăng ở nhiều tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có nhiều ca đã tử vong. Điều đáng quan ngại là trong khi số ca mắc bệnh tăng nhanh thì người dân và chính quyền nhiều địa phương vẫn tỏ ra lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Số ca mắc tăng nhanh
Tại An Giang, từ đầu năm đến nay có gần 1.000 ca mắc sốt suất huyết (SXH), tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2009, trong đó có 3 người  tử vong. Ở Đồng Tháp, cùng thời gian này có gần 800 ca SXH, tăng 55% (2 người tử vong).
Tiền Giang cũng phát hiện trên 1.045 ca SXH (1 người tử vong). Điều làm ngành y tế nhiều địa phương đau đầu là bệnh đang lan dần về thành phố, thị xã – nơi mà mạng lưới y tế luôn được xem là tốt hơn các vùng nông thôn. Ở An Giang, SXH đang hoành hành tại thành phố Long Xuyên. Ở Đồng Tháp, thành phố Cao Lãnh, thị xã Sa Đéc cũng đang là “điểm nóng”. Còn thành phố Mỹ Tho cũng là địa phương có số ca SXH nhiều thứ 2 của tỉnh Tiền Giang.
Bệnh nhân SXH đang được điều trị tại BV Đa khoa Trung tâm Tiền Giang.
Theo bác sĩ Trần Thanh Thảo,  Phó Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang, SXH đang ở tình trạng báo động đỏ. Đặc biệt, có đến 30% số người mắc SXH là người lớn, ở Đồng Tháp là 40%. Số liệu thống kê của BV Đa khoa Trung tâm tỉnh Tiền Giang cũng cho thấy, số ca mắc SXH độ 3, 4 cũng đang gia tăng.
Nguyên nhân là do thay đổi túyp huyết thanh, thời tiết thay đổi thất thường. Bác sĩ  Võ Huy Danh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh An Giang, cho biết: “Qua theo dõi của ngành y tế từ năm 1976, đặc biệt là từ năm 1983 đến nay, cứ khoảng 3 – 4 năm, SXH sẽ gây dịch 1 lần. Gần đây nhất, năm 2007 đã xảy ra dịch SXH. Vì vậy, dự báo năm 2010  là năm sẽ xảy ra dịch SXH theo chu kỳ”.
Ngành y tế… tự lo
Mặc dù số ca mắc SXH liên tục gia tăng nhưng tính chủ động phòng chống của người dân và chính quyền cơ sở vẫn còn yếu. Bác sĩ Nguyễn Lệ Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Qua khảo sát ở nhiều hộ dân, gần như ai cũng biết muỗi vằn là tác nhân trực tiếp gây bệnh SXH.
Để hạn chế bệnh cần phải diệt lăng quăng (bọ gậy) bằng cách nuôi cá bảy màu, dọn dẹp nhà cửa tháng đãng, sạch sẽ, đậy kín lu chậu chứa nước… Song, trên thực tế không nhiều gia đình thực hiện. Đến khi dịch bùng phát thì ngành y tế lại mất nhiều thời gian tuyên truyền, vận động, đi phun xịt thuốc diệt muỗi”.
Bác sĩ Trần Thanh Thảo thì cho rằng hiện nay ngành y tế không làm xuể công tác phòng chống dịch SXH vì không đủ người để diệt lăng quăng, phun xịt xử lý các ổ dịch… “Chính phủ đã có quy định chủ tịch UBND xã là người chịu trách nhiệm chính khi có dịch bệnh tại địa phương. Thế nhưng thực tế ít có lãnh đạo xã chú trọng công tác phòng dịch, tất cả đều trông chờ vào ngành y tế”, bác sĩ Thảo nói. Bác sĩ Trịnh Hữu Thọ, Phó Giám đốc Sở Y tế An Giang, cũng xác nhận chính quyền nhiều địa phương đang “khoán trắng” việc phòng chống dịch SXH và nhiều dịch bệnh khác cho ngành y tế. Từ đó kéo theo tâm lý nhiều người dân là trông chờ, ỷ lại vào ngành y tế mà lẽ ra nếu họ chủ động phòng dịch thì hiệu quả hơn rất nhiều.
Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến một số ca tử vong vì SXH thời gian qua. Ở An Giang, hai trong số ba ca tử vong là do đến ngày thứ tư phát bệnh gia đình mới đưa bệnh nhân nhập viện. Tại Tiền Giang, bệnh nhân  ở huyện Gò Công Tây tử vong vì để bệnh kéo dài, khi chuyển đến BV thì đã quá muộn.
Theo Châu Thành –  Đất Việt

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)