Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Sốt xuất huyết: Đến hẹn, bệnh lại hoành hành

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Các phòng bệnh ở Khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 không lúc nào trống giường
Hiện nay, sốt xuất huyết đang bùng phát ở nhiều tỉnh thành. Khoa điều trị sốt xuất huyết của hai bệnh viện nhi ở TP.HCM suốt hơn tuần qua các giường bệnh không lúc nào không có bệnh nhi.
Sốt xuất huyết lại bùng phát
Theo các chuyên gia ngành y tế, một đời người có thể mắc bệnh sốt xuất huyết đến 4 lần. Sốt xuất huyết hiện nay vẫn chưa có thuốc ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu.
Năm nay, sốt xuất huyết tăng trái mùa vào đầu tháng 4, nay lại bùng phát trở lại. Theo dự báo từ Viện Sốt rét ký sinh trùng côn trùng Trung ương, dịch sốt xuất huyết dự báo sẽ diễn biến phức tạp hơn và có nguy cơ gia tăng ở nhiều khu vực, nếu ngành y tế không có những biện pháp phòng chống bệnh này ngay từ đầu mùa. Cũng theo viện này, bệnh sốt xuất huyết thường bùng phát theo chu kỳ lặp lại, cứ khoảng 3-5 năm, bệnh lại có một giai đoạn tăng cao số ca mắc bệnh và năm nay thuộc vào khoảng chu kỳ bệnh này tái phát.
Chị Mai Lan, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM đưa đứa con trai 2 tuổi nhập viện vào trưa 16-5 ở Bệnh viện Nhi đồng 1. Cùng lúc đó có một bé khác cũng được bố trí vào phòng 317 cùng với mẹ con chị Lan. Bé Lại Phúc Khang, con trai chị Lan sốt cao liên tục trong 5 ngày liền nhưng đi khám ở bệnh viện không ra bệnh. Đến buổi sáng cùng ngày kết quả xét nghiệm khẳng định bé bị sốt xuất huyết với dấu hiệu nhận biết là giảm bạch cầu. Cùng xóm gia đình chị Lan ở, còn có 2 bé nữa cũng bị sốt xuất huyết nhưng đã được xuất viện về nhà. Người phụ nữ trẻ lo lắng: “Hồi tháng 3 tháng 4 vừa qua, cũng đã có vài đứa ở xóm mắc bệnh này, nay lại bị nữa”. Cùng phòng trên, mẹ con chị Minh quê An Giang đang chuẩn bị đồ đạc vì mới nhận giấy xuất viện từ tay BS. Đứa con đầu lòng của chị Minh mới được hơn 3 tháng tuổi nên chị “chẳng bao giờ nghĩ mấy tháng tuổi cũng bị sốt xuất huyết dù con khóc nhiều bất thường, sốt cao, chân tay lúc nào cũng lạnh toát”. Sau hơn một tuần “chiến đấu” với bệnh của con, chị Minh tuy hốc hác, mệt mỏi nhưng trong lòng vẫn đong đầy phấn khởi vì thấy đứa con gái nhỏ đã tươi tỉnh và dần bình phục trở lại.
Sau 9 ngày điều trị ở bệnh viện, bà của bé Bâng Hiên, người Campuchia vui mừng bộc bạch: “Bệnh viện Việt Nam đã cứu mạng cháu tôi. Nếu không biết đường đến đây chắc nó đã chết rồi. Trước khi qua đây, có chữa ở bệnh viện nước nhà nhưng càng ngày càng nặng không bớt”. Với một tâm thế là người được cứu mạng, người phụ nữ chỉ biết nói tiếng Việt chứ không thể viết chữ Việt bồi hồi nhớ lại ngày bà đưa đứa cháu 2 tuổi nằm im bất động từ cửa khẩu Mộc Bài sang Việt Nam tìm thầy thuốc cứu chữa: “Thằng nhỏ sốt cao, ói, không ăn uống, lá lách bị tổn thương, gan bị sưng viêm, thậm chí cũng không còn sức để khóc lóc nữa. Nghe người quen mách bệnh viện ở đây chữa được nên tôi tức tốc đưa nó qua đây. Bây giờ thì nó được sống rồi”.
Cách theo dõi và hỗ trợ điều trị
Theo ThS.BS Lương Thị Thúy Vân, Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh nhi thường khởi phát bệnh với dấu hiệu sốt cao đột ngột cho dù trước đó trẻ hoàn toàn khỏe mạnh. Thời gian sốt từ 2-7 ngày, kèm theo những biểu hiện như đỏ bừng mắt, xuất huyết dưới da, đau nhức cơ, đau khớp, đau đầu. Tiếp sau đó bệnh nhi có những biểu hiện xuất huyết như: Xuất hiện chấm xuất huyết (những chấm đỏ không biến mất khi ấn vào) thường ở cẳng tay, cẳng chân, nách, ngực, thắt lưng; xuất huyết niêm mạc như chảy máu mũi, chảy máu răng, đi cầu ra máu. Ở nữ tuổi dậy thì có thể xuất huyết âm đạo. Tuy nhiên, những triệu chứng xuất huyết này ít xảy ra vào những ngày đầu. Gan có thể to sau một vài ngày. Khi xét nghiệm máu vào thời gian này, kết quả cho thấy giảm bạch cầu, đó là dấu hiệu cảnh báo khả năng sốt xuất huyết.
Từ ngày thứ 3-7 của bệnh, trẻ bắt đầu hạ sốt khoảng 37,5-380C hoặc thấp hơn. Một số bệnh nhi xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo như lừ đừ, mệt mỏi, ói nhiều, đau bụng, xuất huyết niêm mạc, gan to. Những trường hợp này cần nhập viện để truyền dịch. Một số trường hợp diễn tiến đến sốc sốt xuất huyết với biểu hiện chân tay lạnh, mạch nhanh nhẹ, huyết áp kẹp hoặc không đo được. Những trường hợp này cần được cấp cứu ngay. Nếu để tình trạng sốc kéo dài, bệnh nhi có thể tổn thương nhiều cơ quan và tử vong. Xét nghiệm máu vào thời điểm này cho thấy tình trạng cô đặc máu và giảm tiểu cầu. Một số trường hợp có các biểu hiện tổn thương cơ quan nội tạng như viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim hoặc xuất huyết trầm trọng, có thể kèm hoặc không kèm theo tình trạng cô đặc máu và sốc.
Đối với trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết, khi phát hiện dấu hiệu nặng cần cho trẻ đi khám ngay. Tuy nhiên, nếu trường hợp nhẹ có thể chăm sóc trẻ tại nhà như sau: Cho trẻ nghỉ ngơi, tránh chạy nhảy, cho ăn nhẹ (cháo, súp, sữa); cho uống nhiều nước hơn bình thường (có thể dùng nước sôi để nguội, nước Oresol – nước biển khô, nước cam vắt, nước chanh đường); hạ sốt với thuốc Paracetamol, lau nước ấm khi sốt cao. Điều cần lưu ý là không cho trẻ uống Aspirin (vì gây thêm xuất huyết); không cắt lễ, cạo gió; không quấn kín hoặc mặc áo nhiều khi trẻ đang sốt; không cữ ăn; không nhịn uống.
BS. Thúy Vân lưu ý thêm rằng phụ huynh khi thấy con sốt trên 2 ngày, sốt liên tục, uống thuốc hạ sốt có bớt nhưng hết thuốc trẻ lại sốt lại thì nên đưa trẻ đến bệnh viện có chuyên khoa nhi ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bài, ảnh: Bích Vân
5 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết
Theo báo cáo của Bộ Y tế, bệnh sốt xuất huyết đang tăng mạnh, tính đến thời điểm hiện nay, cả nước ghi nhận hơn 9.000 trường hợp mắc bệnh này tại 41 tỉnh, thành phố, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Hiện, khu vực phía Nam là nơi ghi nhận số ca mắc bệnh nhiều nhất, chiếm 83% số ca mắc của cả nước. Chính vì thế, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu các bệnh viện triển khai hệ thống trực tuyến ghi nhận bệnh truyền nhiễm tại các bệnh viện. Tại khoa điều trị, tùy theo điều kiện cụ thể, bệnh viện đảm bảo người bệnh được nằm điều trị trong điều kiện thoáng mát; cung cấp đủ nước sạch. Hạn chế tối đa nằm ghép, tăng cường công tác phân luồng, cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm chéo các bệnh dịch truyền nhiễm trong bệnh viện. Các đơn vị điều trị đảm bảo bố trí đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện cấp cứu để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết nắng nóng bất thường gây ra.
M.H
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)