Tính đến cuối tháng 8, toàn thành phố có 7.509 ca sốt xuất huyết (SXH). Trong đó, tháng 7 có 1.576 ca, tháng 8 tăng lên 1.866 ca (tăng 290 ca). Riêng từ đầu tháng 9 đến nay có khoảng 700 ca, trong đó 70% số ca SXH có độ tuổi dưới 15 hầu hết là học sinh. Do vậy với sự bùng phát nhanh của dịch bệnh SXH, hàng loạt học sinh đã phải nghỉ học…
Học sinh nghỉ học vì bị SXH
Sáng 12-9, bệnh nhân N.T.Th (6 tuổi) được đưa vào khoa Nhiễm Bệnh viện (BV) Nhi đồng II. Sau khi khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị SXH cấp độ 4 và được đưa ngay vào phòng cấp cứu. Được biết, bệnh nhân Th. đang học lớp 1 Trường Tiểu học Trần Văn Vân, P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức.
Chị Hồng, mẹ bệnh nhân Th. cho biết: “Ngày 5-9, bé Th. đến trường dự khai giảng bình thường. Nhưng đến ngày 7-9 (chủ nhật), thì bắt đầu có biểu hiện mệt, bỏ ăn. Sang ngày 8-9 là sốt cao, nằm li bì trên giường. Gia đình phải tới trường xin nghỉ, tưởng nghỉ 2- 3 hôm rồi đi học nào ngờ bệnh tới giờ”. Mặc dù khu vực nhà chị Hồng có rất nhiều trẻ em phải nhập viện vì SXH nhưng gia đình chị không nghĩ bé Th. cũng bị SXH nên chỉ mua thuốc hạ sốt cho con uống. Đến sáng 12-9, thấy con liên tục bỏ ăn, bỏ uống, ăn vào là ói ra kèm theo máu, người nóng ran, lúc đó vợ chồng chị Hồng mới hối hả đưa con đi BV.
“Năm nay bé Th. đi học lớp 1, mới đầu năm học mà đã bị bệnh nặng như vậy, phải nghỉ học dài ngày không biết có theo kịp chương trình học không. Nhìn con nằm trên giường bệnh như thế này, tôi lo lắng quá…”, chị Hồng tâm tư.
Trước đó, ngày 11-9, bệnh nhân Đ.Đ.H (15 tuổi) nhập viện BV Nhi đồng II vì SXH. Đến sáng 12-9, thấy bệnh của bệnh nhân H. chuyển nặng, tăng lên cấp độ 3, các bác sĩ phải đưa vào phòng cấp cứu. Bệnh nhân H. ở P. Bình Thọ, Q.Thủ Đức và đang học lớp 9 Trường THCS Bình Thọ, Thủ Đức. Anh Bình – ba của bệnh nhân H. cho biết: “Sáng ngày 8-9 (thứ hai), khi đi học, cháu vẫn khỏe mạnh bình thường nhưng đến bữa cơm chiều H. kêu mệt và không muốn ăn. Tối hôm đó bắt đầu sốt, gia đình mua thuốc cho uống thấy đỡ nên ngày 9-9 cháu vẫn đi học bình thường. Buổi chiều cùng ngày thì bắt đầu sốt cao, ngày hôm sau kêu đau bụng, ăn là ói nên sáng 11-9 gia đình phải đưa gấp đến BV”… Cũng như chị Hồng, anh Bình tỏ ra rất lo lắng việc nghỉ học của con sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập.
Các bác sĩ phòng Cấp cứu khoa Nhiễm BV Nhi đồng II cho biết, trung bình mỗi ngày có khoảng 10 – 13 ca SXH hầu hết là học sinh phải nhập phòng cấp cứu. Trong đó hầu hết là các ca nặng ở cấp độ 3 và 4. Nguyên nhân khiến số trẻ bệnh nặng nhập viện cao là do phụ huynh đưa trẻ tới BV trễ. Các bác sĩ cũng khuyến cáo, hiện nay dịch bệnh SXH đang vào đợt cao điểm nên khi thấy trẻ sốt liên tục 2-3 ngày thì phụ huynh cần đưa trẻ đến BV để khám và phát hiện bệnh sớm, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Còn tại khoa SXH – BV Nhi đồng I, tất cả các giường bệnh đều chật kín bệnh nhi. Trung bình mỗi ngày các bác sĩ phải khám và điều trị cho khoảng 70 – 90 ca bệnh, 50% trong số đó là bệnh nhân ở TP.HCM.
Xuất hiện nhiều điểm dịch mới
Nếu trong tháng 7, số ca SXH tập trung chủ yếu ở các Q.8, Thủ Đức, Bình Tân thì nay đã trải đều tại 24 quận, huyện. Trong đó nổi lên các quận, huyện như Q.1, Q.3, Q.4, Q.9, Q.7, Gò Vấp, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Củ Chi…
Điều đáng báo động ở đây là số ca SXH cấp độ 2, 3, 4 có chiều hướng gia tăng tại các phường, xã. Nguyên nhân chính vẫn là do chu kỳ của dịch bệnh. Theo bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ – Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM thì: “Năm 2007, đây là thời điểm dịch SXH bùng phát cả về số ca lẫn cấp độ của bệnh. Tháng 7 – 2007 có 2 ca tử vong, tháng 8 có 4 ca tử vong. Vì vậy, trong tháng 9, 10 năm 2008 số ca SXH sẽ tăng nhanh và nguy cơ tử vong là khó tránh khỏi”. Ngoài nguyên nhân là chu kỳ của dịch bệnh thì còn một số nguyên nhân chủ quan khác là do cách phòng chống dịch tại các quận, huyện vẫn chưa được thực hiện tốt. Nhiều địa phương đã “bó tay” khi người dân không hợp tác. Cụ thể như ở P.5, Q.3, khi trạm y tế phường tới phun thuốc diệt muỗi thì chỉ có trên 40% hộ dân ủng hộ. Số còn lại đều đóng cửa, không cho trạm y tế vào trong nhà phun thuốc. Tình trạng người bất hợp tác với các trạm y tế phường, xã trong việc phun thuốc diệt muỗi cũng diễn ra ở nhiều quận, huyện…
Trước sự hoành hành của dịch bệnh SXH, Sở Y tế TP.HCM đã khẩn trương triển khai kế hoạch dập dịch tại tất cả các quận, huyện. Theo đó, mỗi phường, xã tùy theo đặc thù của địa bàn đề ra kế hoạch dập dịch riêng và phải chủ động giải quyết ổ dịch. “Các trạm y tế cần rà soát lại trên địa bàn trong 20 ngày qua có ca SXH nào không. Nếu có thì phải lên kế hoạch xử lý lại lần 2, lần 3. Ngoài những ca đã xảy ra trong vòng 20 ngày kể từ 10-9 trở về trước, có thể lấy thêm những ca đã xảy ra trước đó một tháng và xử lý lại”, bác sĩ Thọ cho biết.
Để việc triển khai dập dịch có hiệu quả, tránh tình trạng người dân bất hợp tác với y tế, Trung tâm Y tế dự phòng TP yêu cầu các trạm y tế phải phối hợp chặt chẽ với công an khu vực, tổ trưởng tổ dân phố trong mỗi đợt phun thuốc diệt muỗi, diệt lăng quăng.
Mục tiêu của ngành y tế trong tháng 9, 10 là phải giảm được 50% số ca SXH. Hiện nay mỗi tuần có khoảng 400 ca thì cuối tháng 9, tháng 10 phải giảm xuống còn 200 ca/tuần. Với mục tiêu này, theo ông Lê Trường Giang – Phó giám đốc Sở Y tế thì: “100% ổ dịch mới phải được xử lý nhanh và đúng qui trình. 90% phường, xã có ca bệnh ở cấp độ 1 giữ nguyên cấp độ, hoặc giảm xuống không thì càng tốt chứ không thể tăng như tháng 8 vừa qua. Những phường, xã có ca bệnh ở cấp độ 2, 3, 4 phải giảm xuống được ít nhất là 1 cấp độ. Cụ thể, cấp độ 2 giảm xuống cấp độ 1; cấp độ 3 giảm xuống cấp độ 2, tốt hơn là cấp độ 2; cấp độ 4 giảm xuống cấp độ 3, hoặc 2. Việc giảm cấp độ của ca bệnh là cách tốt nhất để giảm số ca tử vong”…
Bài & ảnh: Hòa Triều
Bình luận (0)