Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sốt xuất huyết lại bùng phát

Tạp Chí Giáo Dục

Phụ huynh đưa trẻ đi khám SXH tại Bệnh viện Nhi đồng 2

“Năm nào cũng vậy, cứ đến “hẹn” là dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) lại bùng phát. Số ca tử vong chưa năm nào xuống dưới 20 ca. Đến bao giờ thì SXH mới hết là gánh nặng của các tỉnh phía Nam”, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế – bức xúc cho biết tại Hội nghị tăng cường công tác phòng chống SXH do Bộ Y tế tổ chức ngày 15-8 tại Viện Pasteur TP.HCM.
Miền Nam – trọng tâm của dịch SXH
Tại hội nghị, TS. Trần Thanh Dương – Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khẳng định: “Miền Nam là trọng tâm của dịch bệnh SXH, với số ca mắc chiếm tới 89,2% tổng số ca mắc của cả nước, số ca tử vong chiếm 80,7%”.
Đúng vậy, 7 tháng đầu năm ghi nhận cả nước có 39.898 ca mắc tại 52/63 tỉnh, thành (tăng 35,5% so với cùng kỳ năm 2011). Trong đó có 26 trường hợp tử vong tại 12 tỉnh, thành. Riêng khu vực phía Nam là 35.374 ca với 24 trường hợp tử vong.
TS. Trần Ngọc Hữu – Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cũng đưa ra dẫn chứng: “Chỉ riêng tuần đầu tháng 8, khu vực phía Nam ghi nhận thêm 1.955 ca mắc, nâng tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay lên 37.719 ca. Trong đó các địa phương có số ca mắc trên 3.000  là TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, An Giang; số địa phương có trên 2.000 ca là Sóc Trăng, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang”.
Tại sao dịch bệnh SXH ở khu vực phía Nam lại cao như vậy, phải chăng các tỉnh, thành lơ là trong công tác phòng chống?
Đại diện Ban giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh An Giang cho biết: “Đến ngày 9-8, toàn tỉnh có 2.888 ca mắc, tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó các huyện Long Xuyên, Chợ Mới, Tân Châu, Châu Phú có số ca mắc tăng tới 1,7-2 lần. Toàn tỉnh có 650 ổ dịch, tất cả đều đã được xử lý, phun thuốc tại các điểm nóng, diệt lăng quăng 2 đợt. Song, muỗi vằn vẫn phát triển, dịch vẫn xảy ra”.
Ông Quách Việt Tùng – Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng tâm tư: “Muốn không có SXH thì phải diệt muỗi vằn, diệt lăng quăng. Ngành y tế đã đi xuống từng hộ dân hướng dẫn diệt lăng quăng, tiêu hủy môi trường sống của muỗi nhưng đến mùa vẫn có bệnh. Nhiều ổ dịch, y tế đi 1-2 tuần là lại có dịch”…
Bên cạnh những địa phương chủ động phòng chống dịch thì cũng có nơi lơ là. Đơn cử như tỉnh Bình Phước, chờ có tiền mới làm. Hậu quả là dịch bùng phát. Cùng kỳ năm 2011, toàn tỉnh chỉ có 1.205 ca mắc, năm nay tăng gấp 2,5 lần với 3.022 ca. Bình Phước là tỉnh đứng đầu trong cả nước về tỷ lệ mắc, lên tới 324,52 người/100.000 dân…
Phạt tiền khi để dịch xảy ra
Lơ là phòng chống, dịch bùng phát như Bình Phước là đương nhiên. Còn An Giang, Sóc Trăng… tích cực chống nhưng đến “hẹn” dịch vẫn tăng. Vậy đâu là nguyên nhân?
Theo ông Nguyễn Trung Nghĩa, Phó giám đốc Sở Y tế Cần Thơ thì: “Người dân hiểu các biện pháp phòng chống bệnh SXH. Và họ cũng đồng tình với ngành y tế. Tuy nhiên, họ không thực hiện”.
Bằng chứng là “Người dân không đậy kín lu nước, không thả cá để diệt lăng quăng. Con bệnh thì không đưa đi bệnh viện, đến lúc nặng đưa đi thì quá trễ”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định.
Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM Lê Bích Liên cho biết: “Trong thời gian qua, bệnh viện đã tiếp nhận trên 100 trường hợp mắc SXH do các bệnh viện tuyến tỉnh chuyển lên. Tất cả các ca đều nặng, nguy cơ tử vong cao…”.
Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM cũng vậy, tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân SXH là người lớn do các bệnh viện tuyến tỉnh chuyển lên. “Thông thường thì SXH ít nặng ở người lớn mà chủ yếu là trẻ em, phụ nữ mang thai nhưng không ít ca người lớn được chuyển đến bệnh viện rất nặng, thậm chí dẫn đến tử vong”, ông Nguyễn Văn Đình Châu, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới cho biết.
Cách tốt nhất để hạn chế số ca mắc cũng như tử vong do SXH là thay đổi hành vi, thái độ của người dân. Muốn làm được điều này thì phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là trong trường học.
“Tuyên truyền trong nhà trường rất có lợi, vì có tới 80% hộ gia đình có con đang đi học. Mà học sinh thì rất nghe lời thầy, cô giáo. Vì vậy, chỉ cần tập huấn cho giáo viên, giáo viên tuyên truyền cho học sinh và học sinh tuyên truyền cho gia đình”, ông Nguyễn Trung Nghĩa nêu ý kiến.
Nhiều đại biểu đồng tình với ý kiến này, và cho rằng nên huy động học sinh vào công tác phòng chống dịch bệnh SXH. Nhất là trong thời gian các em nghỉ hè, hướng dẫn các em tham gia dọn dẹp vệ sinh, diệt lăng quăng…
Kết thúc hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo: “Ngoài các biện pháp phòng chống dịch mà lâu nay chúng ta vẫn làm, năm nay các địa phương cần phải mạnh tay hơn. Hành lang pháp lý chính là Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, bất kể là cá nhân, tập thể nào để xảy ra dịch bệnh đều bị xử phạt. Đối với công tác điều trị, bệnh viện nào để xảy ra tử vong thì trừ điểm thi đua…”.
Bài, ảnh: Hòa Triều
TS. Trần Ngọc Hữu thừa nhận: “Diệt lăng quăng vẫn là thách thức lớn nhất đối với khu vực phía Nam. Số dụng cụ có lăng quăng trong nhà dân còn cao. Ổ dịch xử lý chậm, không đầy đủ nên cứ dai dẳng, số ca mắc không giảm. Một số địa phương thiếu chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh…”.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)