Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sốt xuất huyết, tay chân miệng có thể bùng dịch nếu lơ là phòng chống

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đó là nhận định của ông Nguyễn Hồng Tâm – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP tại buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế – xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP, do UBND TP.HCM tổ chức chiều 13-7.


“Sốt xuất huyết, tay chân miệng có thể bùng dịch nếu lơ là trong công tác phòng chống”, ông Nguyễn Hồng Tâm – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP cho biết

Ông Nguyễn Hồng Tâm – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP (HCDC), cho biết trong thời gian gần đây, sốt xuất huyết và tay chân miệng có sự gia tăng. Mỗi tuần, sốt xuất huyết tăng khoảng 10%, tay chân miệng tuần vừa rồi tăng 60%. 

Trước tình hình này, Giám đốc HCDC lưu ý phải hết sức quan tâm công tác phòng chống. Nguy cơ bùng dịch có thể xảy ra nếu chủ quan, lơ là. “Chống dịch là trách nhiệm của toàn xã hội, từ các cấp chính quyền, sở ngành, trong đó ngành y tế là hạt nhân, đầu mối hướng dẫn chuyên môn nhưng cần cả sự chung tay của người dân thì việc phòng chống mới có hiệu quả”, ông Tâm nhấn mạnh.

Theo Giám đốc HCDC, so với cùng kỳ năm ngoái, hiện tại số ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng vẫn thấp hơn, đáng mừng là chưa có ca tử vong.  Tuy nhiên, có hai điểm phải quan tâm đó là tỷ lệ ca bệnh nặng trên số ca mắc đều tăng so với năm trước. Qua kiểm tra thực tế của HCDC thì cứ hai điểm có một điểm có lăng quăng. Vấn đề này rất nguy hiểm, người dân phải vào cuộc bởi trong khu vực tư gia ngành y tế không thể đi vào diệt lăng quăng.

Ông Tâm khuyến cáo người dân chủ động không để nước đọng để muỗi không có cơ hội đẻ trứng. Nếu không có nước sẽ không có lăng quăng, không có lăng quăng sẽ không có muỗi, không có muỗi sẽ không có sốt xuất huyết. Khi phát hiện những điểm có lăng quăng nhưng không thể can thiệp người dân cần báo về ngành y tế qua app trực tuyến.

Đối với tay chân miệng, trẻ phải thường xuyên được rửa tay, nhất là sau khi chơi, tiếp xúc các đồ chơi. Kể cả phụ huynh, người giữ trẻ cũng phải thường xuyên rửa tay để tránh lây bệnh cho trẻ. Nếu thấy trẻ có dấu hiệu bệnh nặng phải kịp thời đưa đến các cơ sở y tế khám, điều trị.

Về phía ngành y tế, ông Tâm cho biết đã làm hết biện pháp về phòng, điều trị bệnh. Đã chuẩn bị sẵn kịch bản, thậm chí có tổ chuyên gia tư vấn điều trị bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng. Bên cạnh đó, ngành y tế TP còn có sự hỗ trợ chuyên môn cho bệnh viện các tỉnh lân cận để phòng từ xa.


Bệnh nhi tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1

Cũng tại họp báo, thông tin về thuốc, vật tư y tế và quyền lợi của bệnh nhân sử dụng bảo hiểm y tế, ông Nguyễn Hải Nam – Phó chánh Văn phòng, Sở Y tế TP cho biết chủ trương đảm bảo quyền lợi về thuốc cho người bệnh, đặc biệt là người bệnh bảo hiểm y tế là chính sách lớn của Đảng, Nhà nước. Bộ Y tế và Sở Y tế TP đã triển khai quán triệt nội dung này đến các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc và thường xuyên có văn bản nhắc nhở việc đảm bảo cung ứng thuốc cho nhu cầu điều trị.

“Mặc dù có nhiều khó khăn trong công tác mua sắm thuốc nhưng các cơ sở y tế trên địa bàn đã tích cực chủ động, quyết tâm thực hiện tốt chủ trương và đảm bảo cho công tác điều trị. Một số trường hợp hạn chế nguồn cung ứng do thuốc hiếm, không có sẵn trên thị trường thì Sở Y tế cũng thường xuyên, chủ động nắm bắt từ đơn vị và báo cáo đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ can thiệp”, ông Nam nói.

N.Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)