Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Sốt xuất huyết vào đỉnh dịch

Tạp Chí Giáo Dục

Phụ huynh đưa trẻ đi khám SXH tại Bệnh viện Nhi đồng 2 sáng 28-7

Theo số liệu từ Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, 7 tháng đầu năm 2012, toàn thành phố có 5.685 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH). Trong đó chỉ riêng tháng 7 là 1.120 trường hợp. Theo đó, trung bình mỗi tuần có gần 300 trường hợp. Dịch bệnh sẽ tiếp tục tăng vào thời gian tới…
Suýt chết vì mắc SXH
Ngày 31-7, tại Phòng cấp cứu Khoa SXH, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1, dù chỉ có 11 giường nhưng có tới 24 bệnh nhân. Theo đó, nhiều giường phải “gánh” 2 bệnh nhân. Thậm chí, phòng 306 cũng được tận dụng làm phòng cấp cứu, 3 giường với 5 bệnh nhân.
Vừa cho cháu ăn, bà Lai (quê ở Đồng Tháp) vừa kể: “10 ngày trước, cháu gái tôi (13 tuổi, học sinh lớp 5) bị sốt, đi khám ở 2 phòng mạch tư, BS đều cho biết bị SXH nhưng nhẹ nên điều trị tại nhà. Đến ngày thứ 3 thấy cháu sốt cao, đau bụng nên gia đình đưa vào BV tỉnh. Lúc này, máu của cháu đã đông, BS dùng kim đâm nhiều mũi vào 10 đầu ngón tay mà vẫn không lấy được máu. Tình trạng sức khỏe của cháu ngày càng nguy kịch, mắt nhắm nghiền, môi khô, không ăn uống được gì, bụng chướng. Thấy vậy, gia đình yêu cầu BV tỉnh cho chuyển lên BV Nhi đồng 1 nhưng họ không chịu. Họ nói: “Chỉ còn 50% khả năng sống sót, nếu chuyển viện chết dọc đường thì sao?”. Thế là ngày 29-7, gia đình tự bỏ tiền (gần 3 triệu đồng) thuê xe cấp cứu đưa cháu lên BV Nhi đồng 1. Ngay lập tức cháu được đưa vào Phòng cấp cứu của BV. Hơn 10 tiếng đồng hồ được các BS tích cực cứu chữa, bệnh của cháu đã giảm bớt. Buổi tối được chuyển qua Phòng hồi sức cấp cứu. Sáng 30-7 chuyển tới Phòng cấp cứu Khoa SXH. Hiện tại, cháu đã ăn, uống được…”.
SXH dễ nhầm với sốt siêu vi
Ngày 28-7, mặc dù là thứ 7 nhưng BV Nhi đồng 2 vẫn đông nghẹt phụ huynh đưa con đến khám bệnh. Nhiều trẻ, sau khi khám được các BS cho biết mắc bệnh SXH.

Bệnh nhi Ngô Nguyễn Anh Thư (Q.12, TP.HCM) nhập viện vào Phòng hồi sức nhiễm ngày 29-7 đang được bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 theo dõi với bệnh án sốt xuất huyết thể não. Ảnh: Anh Khôi

Chị Kiều Trang (P.Phạm Ngũ Lão, Q.1) cho biết: “Cách đây hai ngày, đón bé Su (3 tuổi) ở trường mầm non về, thấy bé kém vui. Tưởng con đói, tôi lấy sữa cho uống nhưng bé lắc đầu. Đến giờ ăn, ép mãi bé mới ăn hết 1/3 chén cơm, trong khi bình thường bé ăn một chén đầy. Sờ trán con thấy hơi nóng, tôi vội đưa bé đi khám tại phòng mạch tư. Tại đây, BS cho biết, bé bị sốt siêu vi và cho thuốc về nhà uống. Uống hết 2 ngày thuốc mà tình trạng sức khỏe của bé vẫn không cải thiện nên ngày 28-7, tôi đưa con tới BV Nhi đồng 2 khám”. Qua thăm khám, các BS phát hiện da của bé Su bắt đầu xuất hiện chấm xuất huyết. Sau đó bé được làm xét nghiệm máu, kết quả bé bị SXH. Tuy nhiên, do bệnh ở mức độ 2 (còn nhẹ) nên BS cho về nhà theo dõi.
Không may mắn như bé Su, bé Ngọc Ánh (5 tuổi) phải nhập viện do mắc bệnh SXH nặng. Trước đó 4 ngày, bé sốt liên tục, uống thuốc hạ sốt nhưng không hạ. Bé cũng được BS ở phòng mạch tư chẩn đoán là sốt siêu vi. Chính vì vậy mà chị Diệp chủ quan không đưa con tới BV. Sáng 28-7, gần 8 giờ mà con vẫn không thức, chị Diệp lay con dậy, lúc đó vô tình phát hiện người bé có nhiều chấm xuất huyết. Nguy hiểm hơn, hai mắt bé lờ đờ, tay chân lạnh trong khi đầu thì nóng. Vợ chồng chị vội bắt taxi đưa con tới BV Nhi đồng 2…
Bệnh dễ tử vong
SXH là bệnh lan truyền nhanh làm nhiều người mắc cùng một lúc. Bệnh xảy ra quanh năm, đặc biệt là mùa mưa. Hiện tại, bệnh vẫn chưa có thuốc đặc trị, chưa có thuốc ngừa. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Tuy nhiên, người lớn vẫn có thể mắc bệnh SXH.
Theo ThS.BS Đỗ Châu Việt – Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 2 thì: “Bệnh SXH có 3 mức độ, đa phần là điều trị tại nhà bằng cách: Lau người bằng nước ấm hoặc dùng thuốc paracetamol để hạ sốt, tuyệt đối không dùng aspirin. Cho uống nhiều nước, nước trái cây hoặc dung dịch oresol để tránh cô đặc máu. Cho trẻ ăn thức ăn mềm như cháo, súp, sữa. Lưu ý không cạo gió, cắt lễ, không ăn những thức ăn có màu đen hay màu đỏ như huyết, củ dền, uống nước xá xị, coca, pepsi để tránh nhầm lẫn với máu trong trường hợp trẻ bị ói hoặc đi cầu có màu đen. Tuy nhiên, khi có các dấu hiệu trở nặng là sốt cao khó hạ, nôn ói nhiều, mệt, li bì hay vật vã, bàn tay – bàn chân lạnh, đau bụng nhiều, tiểu ít, ói hoặc đi cầu ra máu, xuất huyết nhiều nơi thì cần đưa đến ngay BV. Đặc biệt, chú ý theo dõi các dấu hiệu trên từ ngày thứ ba của bệnh. Nếu phát hiện trễ những dấu hiệu nguy hiểm trên việc nhập viện sẽ trễ. Hậu quả bệnh sẽ rất nặng, có nguy cơ dẫn đến tử vong”.
SXH là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu vi Dengue gây ra, có 4 type D1, D2, D3, D4 – vì vậy, mỗi người có thể mắc bệnh SXH tới 4 lần trong cuộc đời. Thủ phạm gây bệnh SXH là muỗi vằn, truyền từ người bệnh sang người lành. Để tránh bệnh SXH, nên tránh muỗi đốt bằng cách ngủ mùng, mặc áo quần dài, nhất là trẻ em. Phải thường xuyên diệt muỗi, diệt lăng quăng, phát quang môi trường…
Bài, ảnh: Hòa Triều
 

Bình luận (0)