Khoa học - Công nghệSản phẩm công nghệ

Spinner – đồ chơi đơn giản đang gây sốt tại Mỹ

Tạp Chí Giáo Dục

Fidget Spinner bán chạy hơn cả linh kiện iPhone và đang được các cửa hàng sửa chữa điện thoại ở Mỹ nhập về bán một cách điên cuồng.

Spinner là món đồ chơi thuộc dạng nghịch trên tay (Fidget), ra đời khá sớm, thậm chí trước cả Fidget Cube. Nó có cấu tạo nhỏ gọn có thể đặt trong lòng bàn tay, với tác dụng giải tỏa căng thẳng cho người sử dụng khi xoay.

Đồ chơi này có cấu tạo gồm một trục quay có ổ bi và các cánh, có thể có 2 hoặc 3 cánh, nhưng loại phổ biến nhất là spinner 2 cánh. Các cánh có nhiệm vụ giữ cân bằng giúp cho spinner quay đều và lâu hơn. Người chơi thường so sánh "đẳng cấp" thông qua chất liệu và thời gian quay của chúng.

Có nhiều loại spinner trên thị trường, với mức giá tùy thuộc vào chất liệu từ giá rẻ vài đô nếu làm bằng nhựa, nhôm cho tới cao cấp cả vài trăm đô nếu làm bằng Titanium hay mạ vàng. Hàng giá rẻ có thời gian quay ngắn từ 30 giây tới 1,5 phút trong khi một chiếc cao cấp có thể quay từ 3 tới 5 phút.

Cách chơi cơ bản nhất là xoay trên tay. Đây cũng là cách thể hiện đúng bản chất nhất của món đồ chơi này. Nó có tác dụng giúp người dùng giải tỏa căng thẳng, tăng hiệu suất làm việc, bớt cảm giác hồi hộp hay lo lắng. Tuy nhiên, nhiều người đã tìm ra những cách thức chơi mới như xoay spinner ngoài nắng và quay lên điện thoại. Do camera không bắt kịp tốc độ quay cùng việc ánh sáng bị khúc xạ khiến nó tạo ra nhiều hình ảnh bị bóp méo trông đẹp mắt. Spinner cũng dùng để tranh đua khi mọi người xoay và đọ thời gian với nhau. Những người chơi lâu năm thì biến việc xoay spinner thành một môn nghệ thuật với các "trick" như chuyền qua giữa hai tay, xoay trên đầu ngón tay, tung hứng… Còn thú chơi cao cấp thuộc về những người có tài chính và thời gian. Mục đích của họ là sở hữu những chiếc có độ chế tác tinh xảo, làm bằng nguyên liệu đắt tiền và chứa bên trong nhiều kỹ thuật công nghệ cao.

Được sáng tạo ra từ năm 1992 bởi một người Mỹ có tên Catherine A. Hettinger, nhưng tới tận năm 2017, spinner mới có thể tạo ra cơn sốt tại Mỹ. Nguyên nhân bởi vì năm 1997, Hettinger đã được cấp bằng sáng chế cho món đồ chơi do ông sáng tạo. Bằng sáng chế có hiệu lực tại Mỹ khiến cho bất kỳ công ty nào muốn sản xuất và thương mại hóa sản phẩm đều phải trả tiền bản quyền. Điều này khiến spinner không được biết đến rộng rãi.

Nhưng thời hạn sử dụng của một bằng sáng chế là 20 năm và đến năm nay, bằng sáng chế đồ chơi này chính thức hết hạn. Ngay lập tức, rất nhiều công ty tại Mỹ đã sử dụng và tạo ra rất nhiều mẫu spinner khác nhau.

Tuy nhiên, khi cần sao chép một sản phẩm để sản xuất hàng loạt với giá rẻ mà không lo chuyện bản quyền thì các công ty Mỹ không thể tìm đâu ra đối tác tốt hơn các bạn hàng Trung Quốc. Từ đầu năm tới nay, nhiều công xưởng tại Trung Quốc đã làm việc hết công suất để cung ứng các loại spinner cho thị trường Mỹ.

Michael Oberdick, chủ một cửa hàng bán và sửa chữa smartphone tại Ohio, Mỹ cho biết trong tháng 4 vừa qua, ông bán được khoảng 20.000 chiếc. Ông cũng đã đặt mua thêm từ Trung Quốc nhưng sẽ phải đợi một thời gian nữa mới được nhận hàng. “Tôi đã đặt 10.000 chiếc từ 8 ngày trước nhưng có ai đó đã đặt mua 2 triệu chiếc. Họ ngay lập tức được ưu tiên và tôi phải chờ ở lượt sau", Oberdick nói với Motherboard.

Hơn một tháng qua, món đồ chơi đơn giản này đã được phổ cập tới khắp mọi nơi từ trường tiểu học cho tới các văn phòng công sở. Nhiều trẻ em chơi rồi lôi kéo bố mẹ chúng vào thú vui này. Không giống như các đồ công nghệ, mọi người không phải lo tới việc cháy nổ hay gặp nguy hiểm khi trải nghiệm. Không còn sợ vi phạm bằng sáng chế, ai cũng có thể tự sản xuất và phân phối nó ra thị trường. Mọi người mua từ sản phẩm rẻ tiền cho tới đắt tiền, do đó rủi ro trong việc đầu tư vào spinner cũng khá thấp.

Oberdick đã bán buôn spinner cho các trạm xăng, chuỗi cửa hàng Verizon và cả những người bán đồ dạo. Sau một thời gian, ông cắt giảm cả ngân sách cho việc nhập linh kiện điện thoại để mua loại đồ chơi này vì "chúng bán dễ hơn nhiều so với linh kiện iPhone cũng như mang lại lợi nhuận tốt hơn việc sửa chữa điện thoại".

Theo lời của các nhà bán buôn ở cả Trung Quốc và Mỹ, rất nhiều nhà máy ở Trung Quốc vốn chuyên làm phụ kiện smartphone đã phải tạm dừng các hoạt động để tập trung toàn thời gian vào việc sản xuất spinner.

Mandy Xiao, đại diện tại Thâm Quyến của LTS Technology, công ty chuyên bán buôn miếng dán màn hình và phụ kiện iPhone, nói rằng spinner giờ là một phần quan trọng trong việc kinh doanh của công ty. Công ty bán 25 loại khác nhau từ phát sáng trong bóng tối, gắn đèn LED, spinner kim loại tới thiết kế theo chủ đề… Với một đơn đặt hàng có số lượng tối thiểu là 100 chiếc, giá mỗi chiếc bắt đầu từ 1,1 USD (khoảng 25.000 đồng). Bà nói, nhiều nhà máy đã dừng sản xuất sản phẩm khác và thay bằng việc chế tạo spinner.

Sunny Lin, chủ một cửa hàng sửa chữa smartphone ở đường Marks Place, Manhattan cũng có đường dây liên hệ trực tiếp tới các đơn vị bán buôn và nhà máy ở Trung Quốc.

"Nó rất dễ làm và nhà máy nhựa nào cũng có thể chế tạo được. Nếu có một nhà máy cỡ nhỏ hoặc trung bình, bạn có thể tạo ra 10.000 chiếc mỗi ngày", ông nói. "Nhà cung cấp của tôi nói rằng chi phí làm ra một chiếc là 0,25 USD. Tôi mua chúng với giá 0,6 USD và bán lại với giá 0,85 USD. Tôi bán được vài nghìn chiếc một tuần chỉ bằng cách đi dạo loanh quanh và hỏi các cửa hàng khác xem họ có muốn bán spinner không".

Các mẫu Fidget Spinner giá cao được bán ở Việt Nam.

Tại Việt Nam, đồ chơi này cũng được nhập về từ sớm và bán với giá từ vài chục tới hơn một trăm nghìn đồng. Tuy nhiên, số lượng người quan tâm cũng ở mức giới hạn và các mẫu giá cao thường kén khách. Nhưng ở Mỹ, các cửa hàng sửa chữa điện thoại di động đang bị ám ảnh bởi cơn sốt spinner. Đơn giản bởi vì họ là những người thường xuyên nhập và buôn bán phụ kiện từ thị trường chợ đen ở Trung Quốc. Mỗi cửa hàng dễ dàng nhập thêm vài trăm hoặc vài ngàn chiếc theo mỗi đơn hàng và không phải lo rắc rối trong chuyện vận chuyển bởi đây là món đồ chơi hoàn toàn bình thường.

Oberdick nói rằng ông mua với giá từ 0,9 USD đến 2 USD mỗi chiếc và cố gắng kiếm lời trong khoảng 2 USD khi bán buôn và 8 USD khi bán lẻ. Sản phẩm này mang lại lợi nhuận tốt tới nỗi ông chủ cửa hàng sửa điện thoại này đã lên kế hoạch quyên tặng tiền cho các tổ chức phi lợi nhuận trong tháng 5 này để "tán lộc".

Trên Facebook và các mạng xã hội, nhiều nhóm trao đổi đã được lập ra để bàn việc quảng cáo spinner, chia sẻ các mẹo bán lẻ hay nơi cung cấp nguồn hàng giá rẻ. Nhiều công ty buôn bán các sản phẩm, dịch vụ không liên quan cũng muốn nhúng tay vào lĩnh vực mới này.

Nick Travali, người sáng lập Smartphone Fix tại Santa Maria, California (Mỹ), cho biết: "Tôi đã đặt mua 325 chiếc, nhận được chúng vào giữa tuần và bán hết trong hai ngày cuối tuần. Tôi liền đặt thêm 500 chiếc và đang lên kế hoạch đặt thêm 2.000 chiếc nữa. Tôi mua chúng với giá từ 1,5 đến 2 USD và bán lại với giá 8 USD. Dẫu vậy, spinner là một trào lưu nhất thời và cuối cùng mọi người sẽ trở lại với việc sửa chữa hoặc bán phụ kiện điện thoại".

Oberdick cũng không ngại chia sẻ các bí mật kinh doanh của mình bởi ông cho rằng trào lưu này sẽ không kéo dài mãi mãi. "Đây là một ngành kinh doanh đủ lớn", ông nói. "Tất cả mọi người nên bán nó. Chúng tôi đã bán được rất nhiều và giờ thì không thể cung ứng đủ hàng. Vì vậy tôi cũng chẳng quan tâm nếu bị ai đó cạnh tranh".

Mai Anh (theo vnexpress)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)