Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Startup Việt đón sóng AEC & TPP

Tạp Chí Giáo Dục

Các Starup Việt giao lưu cùng các bạn trẻ tại Diễn đàn lãnh đạo trẻ Việt Nam 2015

Chưa bao giờ, khởi nghiệp (Startup) lại trở thành một phong trào mạnh mẽ như vài năm gần đây. Theo số liệu từ Techlist.asia, đến năm 2015, số lượng các công ty Startup tại Việt Nam đã đạt mốc 1.400, và con số này dự kiến sẽ còn tăng nhanh trong những năm tới. Hệ sinh thái khởi nghiệp đang phát triển đa dạng ở nhiều lĩnh vực, thu hút sự quan tâm, đầu tư của nhiều cá nhân, tổ chức ở các phương diện khác nhau.

Làn sóng khởi nghiệp đang lan rộng

Theo TS. Giáp Văn Dương – người sáng lập trường học trực tuyến Giapschool – chuyện làm Startup, hay là khởi nghiệp, không phải là chuyện mới mẻ ở Việt Nam. Câu chuyện về khởi nghiệp trên thực tế đã được bắt đầu từ những năm 2004-2005, khi mà bản thân nó hãy còn là một khái niệm chưa được “tượng hình” cụ thể. Chỉ tính từ giai đoạn những năm 2004-2005 đến nay, các mô hình Startup Việt Nam đã trải qua ba giai đoạn – ba “thế hệ khởi nghiệp”, với những xu hướng và mục tiêu khác nhau, thay đổi đồng thời với làn sóng công nghệ toàn cầu.

Nếu như Startup thế hệ F1 (giai đoạn 2004-2006) hướng vào các sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của khách hàng với những ý tưởng kinh doanh xoay quanh những sản phẩm và dịch vụ quen thuộc như tiệm bánh, quán cà phê, các sản phẩm thủ công; thì Startup thế hệ F2 (từ 2008 đến 2014 lại đánh mạnh vào lĩnh vực công nghệ với sự bùng nổ của hàng loạt các sản phẩm thương mại điện tử, giải trí, booking trực tuyến trên các mảng du lịch, vận tải, vé xem phim và sự kiện. Đặc biệt, với sự bùng nổ và cạnh tranh khốc liệt giữa các sản phẩm smartphone kể từ năm 2013 khiến cho việc sở hữu một chiếc điện thoại thông minh trở nên dễ dàng, thì việc startup trong lĩnh vực công nghệ di động trở nên nóng hơn bao giờ hết với vô số ứng dụng hoàn toàn dành cho thiết bị di động khác được tung ra, mở đầu cho sự hình thành một thế hệ Startup F3: Thực hiện các kênh phân phối nền tảng ứng dụng trên điện thoại (Going Mobile & Regional), vừa phân phối cho thị trường trong nước, vừa mở rộng ra nước ngoài. Nổi bật cho thế hệ này phải kể đến Topica (tổ hợp giáo dục chuyên cung cấp các dịch vụ hỗ trợ giáo dục và đào tạo trực tuyến chất lượng cao), VNG (với Zalo – ứng dụng nhắn tin – gọi điện trực tuyến), Triip.me (website toàn cầu cho phép khách hàng có thể tìm thấy những tour du lịch trải nghiệm và sống như người bản địa), Beeketing (công cụ giúp người dùng tự thực hiện những chiến dịch marketing một cách đơn giản)…

Chị Trương Lý Hoàng Phi – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP.HCM – cho biết: Chỉ tính từ 2011 đến nay, trung tâm đã tư vấn và đồng hành với hơn 2.000 dự án khởi nghiệp, trong đó quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của trung tâm đã hỗ trợ gần 800 dự án khởi nghiệp với số tiền gần 60 tỷ đồng. Năm 2015 có thể được coi là năm bùng nổ cho các Startup Việt Nam khi các dự án khởi nghiệp liên tiếp nhận được sự ủng hộ, quảng bá từ các cơ quan truyền thông. Các cuộc thi về khởi nghiệp, số vốn bảo trợ khởi nghiệp từ các quỹ, tổ chức đầu tư nước ngoài cũng liên tiếp được mở ra khiến nhiều bạn trẻ, nhất là các bạn sinh viên sắp hoặc mới ra trường, mạnh dạn hơn khi thực hiện các ý tưởng khởi nghiệp.

Đón sóng AEC

Các bạn trẻ đặt câu hỏi về quá trình khởi nghiệp của doanh nhân trẻ thành công

Sau khi bản tuyên bố thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức có hiệu lực và xa hơn nữa là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương với sự liên kết hợp tác của nhiều quốc gia, Startup Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Chị Hoàng Phi cho rằng, khi thị trường AEC và TPP chính thức đi vào hoạt động sẽ giúp các Startup mở rộng thị trường với lượng người tiêu dùng nhiều hơn, nhất là đối tượng tiêu dùng bậc trung. Các đối tượng này sẽ sẵn sàng sử dụng các dịch vụ, tiện ích mới mà họ cho là phù hợp với nhu cầu. Hơn thế nữa, trong thế giới phẳng, vấn đề “quốc tịch” của các Startup đã không còn bị giới hạn nên sản phẩm, văn phòng của họ sẽ được mở rộng ở nhiều quốc gia nên tham vọng vươn ra thị trường thế giới sẽ dễ dàng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là sản phẩm đó có chạm được tới nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng quốc tế hay không.

Bên cạnh những cơ hội, Startup Việt Nam cũng sẽ phải cạnh tranh với đối thủ ở nhiều quốc gia khác, có văn phòng đại diện ở Việt Nam. Tuy nhiên, nếu biết tận dụng, Startup Việt Nam có thể cùng hợp tác để nhận được sự hỗ trợ qua lại để cùng phát triển ở thị trường cả hai quốc gia. Nhưng để làm được điều này, cần nắm vững về luật pháp, văn hóa và thị hiếu tiêu dùng của nước bạn. Do đó, việc quan sát kỹ lưỡng, nắm bắt và hiểu chính xác các thông tin về thị trường là một lợi thế khi tiếp cận các đối tượng khách hàng. Cũng theo chị Hoàng Phi, khởi nghiệp không chỉ là khái niệm được dùng cho những người lần đầu bắt tay vào tạo ra một mô hình kinh doanh hay sản phẩm mang tính mới mẻ. Ngay cả doanh nghiệp lớn cũng liên tục tìm kiếm hoặc kết hợp với các mô hình kinh doanh mới để “tái khởi nghiệp”. Do đó, các Starup có thể nghĩ tới vấn đề hợp tác để tận dụng nguồn lực phát triển sản phẩm cho mình thay vì tự loay hoay vận hành để tránh các rủi ro và nâng cao tỷ lệ thành công của dự án.

Anh Đặng Hoàng Minh – CEO foody.vn – nhìn nhận khi mà có tới 250.000 cử nhân và thạc sĩ thất nghiệp và thị trường không có đủ việc làm để tiếp nhận thì khởi nghiệp cũng là một cách để tự tạo ra công việc cho chính mình và cho nhiều người khác. Và thực tế đã cho thấy có rất nhiều mô hình khởi nghiệp đã “làm nên chuyện”, bước đầu đã tạo được tiếng vang trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Tuy nhiên, hệ sinh thái này vẫn chưa phát triển đồng đều ở nhiều lĩnh vực. Hầu hết các bạn trẻ hiện nay mới chỉ chú trọng phát triển trong lĩnh vực CNTT, trong khi những lĩnh vực tiềm năng như nông nghiệp lại chưa được quan tâm hoặc các ý tưởng khởi nghiệp còn thiếu khả năng kêu gọi vốn. “Việt Nam là nước nông nghiệp, xuất khẩu lúa gạo, cà phê đều đứng trong nhóm đầu của thế giới nhưng bị hạn chế về chất lượng. Cho nên, tôi nhận thấy những dự án cung cấp về công nghệ, quy trình trồng trọt, hệ thống phân phối nông sản… để cải thiện chất lượng và quy trình phân phối nông sản Việt Nam sẽ có tính khả thi. Tuy nhiên, để làm được trong lĩnh vực này đòi hỏi các Startup phải có quá trình trải nghiệm công việc thực tế của người nông dân, nghĩa là phải cùng lên rẫy, ra đồng, cùng làm việc với nông dân để hiểu họ muốn gì, cần gì, và nếu có sản phẩm đáp ứng được nhu cầu mong muốn đó thì có được tiếp nhận hay không”, Đặng Hoàng Minh chia sẻ.

Linh Vy

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)