Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Stephen Hawking cảnh báo hiểm họa khoa học công nghệ

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà vật lý nổi tiếng thế giới Stephen Hawking, giáo sư Đại học Cambridge, tin rằng trong thế kỷ 21, nhân loại sẽ phải đối mặt với nguy cơ nghiêm trọng do sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ
.Nhà vật lý học nổi tiếng Stephen Hawking - Ảnh minh họa: NASA

Nhà vật lý học nổi tiếng Stephen Hawking – Ảnh minh họa: NASA

Theo ông, nguy cơ đó chẳng hạn như các loại vũ khí hạt nhân và virus biến đổi gien, báo Guardian ngày 19.1 cho biết.
Theo Stephen Hawking, các thảm họa do con người gây ra trên hành tinh Trái đất có khả năng sẽ tăng rất nhanh trong mười năm tới. Hawking cho rằng, trong trường hợp đó, việc xây dựng không gian sống cho con người trong vũ trụ cần ít nhất thêm 100 năm nữa.
“Chúng ta không đủ khả năng tạo ra không gian sống trong vũ trụ ít nhất là trong vòng 100 năm tới, vì vậy tại thời điểm này chúng ta phải rất cẩn thận”, giáo sư Hawking phát biểu trong một cuộc phỏng vấn của Radio Times.
“Chúng ta không thể ngăn chặn những bước tiến bộ trong khoa học kỹ thuật và không tìm cách đảo ngược quá trình này, vì vậy chúng ta cần phải nhận thức về các mối đe dọa và kiểm soát chúng”, ông nói thêm.
Stephen Hawking là nhà vật lý lý thuyết lớn, rất hăng say tuyên truyền, phổ biến các kiến thức khoa học. Ông là tác giả cuốn sách Lược sử thời gian, đã bán được 10 triệu bản. Ông chuyên nghiên cứu các vấn đề về nguồn gốc kỳ dị của vũ trụ – trạng thái ban đầu của vũ trụ, và vì sao sau vụ nổ Big Bang, vũ trụ không ngừng giãn nở.
Năm 1963, khi mới 22 tuổi, Hawking được chẩn đoán mắc bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS). Các bác sĩ cho rằng ông chỉ có thể sống thêm hai hoặc ba năm như tuyệt đại đa số bệnh nhân ALS. Tuy nhiên, dự đoán này đã không trở thành hiện thực, Hawking vẫn tiếp tục công việc khoa học của mình, ông đã kết hôn hai lần và là cha của ba người con. Thậm chí khi đã bị tê liệt hoàn toàn, Hawking vẫn duy trì cuộc sống tích cực – tham gia nghiên cứu khoa học, giảng dạy, diễn thuyết, giao tiếp với thế giới thông qua bộ tổng hợp giọng nói kỹ thuật số.

Phạm Bá Thủy/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)