Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

STEVE JOBS: “Phù thủy” của công nghệ

Tạp Chí Giáo Dục

Steve Jobs và sản phẩm iPad. Ảnh: I.T
Suốt bốn thập kỷ qua, Steve Jobs (1955-2011) đã thật sự tạo nên một cuộc cách mạng làm thay đổi bộ mặt của nền công nghiệp máy tính, điện ảnh và âm nhạc. Được mệnh danh là “phù thủy” của công nghệ, tất cả những sản phẩm của ông Steve Jobs từ máy tính cá nhân đến máy tính bảng, từ máy nghe nhạc đến phim hoạt hình kỹ thuật số, iPod, iPhone, iPad… đều có chung một đặc tính đó là sự độc đáo, khác biệt, đi đầu thị trường, vượt trội so với những sản phẩm cùng loại.
Sức mạnh của sự khác biệt
Cái tên Jobs gợi cho người ta nghĩ đến ông là con người của công việc (trong tiếng Anh, job là công việc). Thực tế trong suốt những năm ở Apple, Steve Jobs cho biết đã dành “150%” thời gian và sức lực của ông vào công ty. Ông đã đặt khẩu hiệu cho Công ty Apple là “nghĩ khác” (think different). Không ít người dám nói thế, nhưng không nhiều người làm được thế. Thật vậy, cuộc đời của ông là cuộc đời của những sự khác biệt, khiến nhiều người cho rằng ông là kẻ lập dị, là “gã điên khùng”, là “thiên tài gàn dở”. Nhưng chính sự khác biệt này đã ghi lại dấu ấn đậm nét không lẫn vào đâu của Jobs.
Năm 1983, Steve Jobs đến New York (Mỹ) để chiêu mộ người điều hành cho Apple. Ông tới gặp John Sculley, CEO của Pepsi-Cola. Khi hai người đứng trong văn phòng sang trọng của Sculley nhìn qua khu Manhattan sầm uất, vị CEO của Pepsi-Cola thách thức: “Về mặt tài chính, anh phải trả tôi 1 triệu đôla tiền lương, 1 triệu đôla tiền thưởng và 1 triệu đôla để chấm dứt hợp đồng”. Không chút lưỡng lự, Jobs gật đầu. Cái gật đầu ấy khiến Sculley sửng sốt, nhưng ông còn sửng sốt hơn trước câu hỏi  bạo liệt của Jobs: “Này Sculley, anh muốn ở lại đây để suốt đời đi bán nước ngọt, hay anh muốn thay đổi thế giới?”. Câu hỏi ấy đã kéo Sculley về California. Cũng chính câu hỏi ấy là mục đích sống của Steve Jobs.
“Thay đổi thế giới” cũng là mục tiêu của Jobs khi ông quay lại Apple vào năm 1998, sau thời gian dài phân ly. “Tôi trở lại Apple không phải để làm giàu”, Jobs đã nói như thế khi trở về để vực dậy một Apple đang thua lỗ. Ông khởi dựng Apple và phát triển nó thành một đế chế hùng mạnh không phải để làm giàu. Những sản phẩm của Apple lần lượt ra đời, đón đầu các xu hướng công nghệ, như triết lý mà có lần ông đã dẫn lại lời vận động viên khúc côn cầu trên băng Wayne Gretzky: “Tôi luôn lao tới nơi mà vòng banh sắp bay tới, chứ không hì hục chạy đuổi theo nó”. Ở Apple, Jobs và đồng sự luôn tìm đến nơi mà các xu hướng công nghệ sẽ vươn tới, chứ không cố lao vào xu hướng đang thịnh hành. Hay có thể diễn giải theo cách khác, chính Jobs và Apple tạo ra các xu hướng công nghệ, qua đó góp phần định hình tương lai thế giới. Steve Jobs là một bằng chứng đầy sức mạnh của tư duy khác biệt, như lời chia sẻ nuối tiếc của Tổng thống Mỹ Barack Obama: “Sự ra đi của Steve Jobs là một trong những mất mát lớn nhất của nước Mỹ. Steve là người đủ can đảm để nghĩ khác, đủ tự tin để thay đổi thế giới và đủ tài năng để làm điều đó”.
Đam mê sự hoàn hảo
Với triết lý: “Một người thợ mộc giỏi sẽ không dùng tấm gỗ xấu để làm lưng tủ, cho dù sẽ không ai nhìn thấy”, các sản phẩm của Apple dưới sự giám sát trực tiếp của Steve Jobs luôn đạt đến sự hoàn mỹ từ ngoài vào tận bên trong, việc trau chuốt từng sợi dây mối hàn đã thấm vào huyết quản của mọi nhân viên Apple. Niềm đam mê theo đuổi sự hoàn thiện của Jobs chính là bí mật cho những thiết kế tuyệt vời của Apple. Đối với Jobs, thiết kế không có nghĩa là trang trí mà là cách thức hoạt động của sản phẩm đó. Thiết kế là một chức năng chứ không phải là hình thức. Vì lẽ đó, chiếc máy tính Macintosh nguyên bản mất 3 năm để thiết kế. Sản phẩm này không được hoàn thiện theo tiến độ làm việc hăng say thông thường ở nhiều sản phẩm công nghệ khác. Nó phải trải qua những lần chỉnh sửa không ngừng. Những chi tiết nhỏ nhất từ màu sắc chính xác của thùng máy tính cho đến các biểu tượng trên bàn phím đều được xem cẩn thận, hết lần này đến lần khác cho đến khi nó hoàn thiện.
Rất nhiều người yêu mến Steve Jobs, nhưng với người làm việc cùng ông, sẽ không hẳn thế. Đặc tính cáu gắt, thất thường và luôn đòi hỏi quá cao khiến ông trở thành “hung thần” trong mắt nhân viên. Dưới mắt ông, không có gì là hoàn hảo. Con người thường tự bằng lòng với những gì họ làm, tự nhủ cố gắng làm những sản phẩm tốt đã thành công. Ông thì khác hẳn với số đông đó. Với ông, tốt là kẻ thù của sự vĩ đại. Mọi sản phẩm dù tốt đến mấy đều phải trả lời câu hỏi: Liệu có thể tốt hơn nữa không? Đam mê sự hoàn hảo hay chủ nghĩa tinh hoa tuyệt đối ấy là đặc trưng cơ bản nhất trong tinh thần của ông, là giá trị vô hình đã tạo ra những siêu phẩm hữu hình như: iPod, iPhone, iPad… Tuy vậy, đó không thuần túy là chủ nghĩa cầu toàn, mà là lòng mưu cầu sự xuất sắc. Một con người đặc biệt, đã biến những đặc điểm tính cách bị coi là gàn dở của mình thành triết lý kinh doanh như ông đã từng phát biểu: “Mục đích đơn giản của chúng tôi là tạo ra những chiếc máy tính tốt nhất thế giới chứ không phải trở thành công ty lớn nhất, giàu mạnh nhất”.
Jobs biết, để tạo nên một giá trị đích thực trong thế kỷ XXI này, không có gì khác ngoài sự kết nối sức sáng tạo với công nghệ. Và ông đã xây dựng nên một công ty nơi những dòng chảy của óc sáng tạo được kết hợp với sự điêu luyện tuyệt vời của kỹ thuật. Hơn 30 năm có mặt trong ngành kinh doanh thế giới, thành công nhiều, thất bại cũng không ít, nhưng Steve Jobs vẫn luôn chứng tỏ ông xứng đáng là một trong những huyền thoại doanh nhân hiện đại với những quyết định sáng suốt của mình. Ông đã biến một công ty chỉ có hai thành viên lúc mới thành lập thành một tập đoàn hùng mạnh, trụ vững trong các cuộc cạnh tranh với các “ông lớn” trong công nghệ máy tính và giải trí. Khả năng sáng tạo không ngừng, sự quyết đoán và táo bạo của Steve Jobs đã giúp ông luôn là người dẫn đầu trong những cuộc đua tranh quyết liệt trên thị trường toàn cầu.
ThS. Nguyễn Hiếu Tín
Cái chết ở tuổi 56 của Jobs không phải là điểm kết thúc. Trái lại, nó mở ra những chân trời mới. Thế giới đã có dịp nhìn lại sự nghiệp của một con người vĩ đại, một nhà cách mạng không chỉ trong lĩnh vực công nghệ như lời chia sẻ nuối tiếc của Tổng thống Mỹ Barack Obama: “Sự ra đi của Steve Jobs là một trong những mất mát lớn nhất của nước Mỹ. Steve là người đủ can đảm để nghĩ khác, đủ tự tin để thay đổi thế giới và đủ tài năng để làm điều đó”.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)