Thiếu kế hoạch học tập bài bản, nhất là dồn quá nhiều bài vở vào mùa thi khiến nhiều sinh viên dễ gặp stress
|
Ở mức độ vừa phải, stress có thể tạo ra những áp lực cần thiết giúp người trẻ hoàn thành tốt công việc học tập. Nhưng một khi stress vượt quá mức kiểm soát, bạn trẻ cần tìm đến những phương pháp “đặc trị” để lấy lại thăng bằng.
Mới đây, các thành viên của CLB “Khi tôi 18” thuộc Nhà Văn hóa Sinh viên TP.HCM đã cùng tham gia chủ đề “Vượt qua stress học hành và thi cử” do ThS. Nguyễn Thị Như Quỳnh (Khoa Tâm lý giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) và ca sĩ Sĩ Luân chủ trì.
Stress – “khách không mời mà tới”
Bạn Vũ Thị Bích Ngọc (sinh viên ngành giáo dục tiểu học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) nhìn nhận: “Stress có thể đến từ những việc hết sức nhỏ nhặt ở quanh ta như kẹt xe, khói bụi, không gian quá ồn ào hay công việc học tập căng thẳng. Đối với những sinh viên năm nhất, việc không hòa nhập, thích nghi được môi trường sống và học tập mới, chưa xác định được phương pháp học ĐH hiệu quả cũng khiến các bạn căng thẳng dẫn đến stress”. Bạn Minh Nguyên (sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng) dẫn chứng thêm: “Thông thường trước ngày thi mà sinh viên thức khuya học bài căng thẳng quá dễ dẫn đến tình trạng bị “quên đột xuất” ngay thời điểm bước vào phòng thi. Nhiều bạn đã nộp bài sớm rồi ra về với kết quả không tốt vì không thể nhớ được gì thêm dù đã rất cố gắng. Điều này càng khiến các bạn mệt mỏi, buồn chán và stress nhiều hơn, thậm chí có khi muốn… buông xuôi”.
Trong khi đó bạn Võ Thị Kim Ngân (sinh viên năm 3 ngành quan hệ quốc tế Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) đề cập chi tiết hơn: “Việc sống tập thể trong môi trường ký túc xá với những xích mích, va chạm khó tránh khỏi hay những rắc rối từ tình cảm yêu đương thời sinh viên và cả chuyện eo hẹp tiền bạc chi tiêu hàng tháng cũng là các nguyên nhân khiến không ít sinh viên “làm bạn” với stress”. Theo Ngân, trung bình mỗi tháng, sinh viên được gia đình “trợ cấp” khoảng 1,5 triệu đồng chi xài học tập, ăn uống; có bạn còn phải chấp nhận một mức ít hơn, chỉ từ vài trăm đến 1 triệu và thậm chí không ít bạn khác phải tự nuôi bản thân. Làm thêm là một nhu cầu tất yếu, khi đó, việc không sắp xếp hợp lý thời gian học tập và làm thêm khiến các bạn sinh viên nảy sinh căng thẳng. Có khi bạn trẻ phải làm thêm nhiều quá khiến kết quả học tập sa sút, trầm cảm, stress nặng. Đó là chưa kể, các bạn còn gặp những mối bất hòa không thể giải quyết với bạn bè cùng phòng trọ, từ đó, tinh thần họ càng nặng nề, u ám. Mặc dù vậy, Kim Ngân cũng cho rằng, gần như sinh viên chưa ứng phó tốt với stress. “Mỗi lần tinh thần bức bối, các bạn thường bỏ đi đâu đó mấy ngày mới về. Nguy hiểm nhất là có bạn lại lang thang ở những khu vực vắng vẻ đến tận nửa đêm để tìm kiếm sự bình yên, tĩnh lặng. Số ít cũng chia sẻ với bạn bè, người thân nhưng rất hiếm những bạn tìm đến các chuyên gia tâm lý” – Kim Ngân dẫn chứng.
“Vượt lên chính mình”
Thật ra, stress nếu kiểm soát được cũng có những mặt tích cực. ThS. Nguyễn Thị Như Quỳnh giải thích, khi stress ở mức vừa phải sẽ tạo một “áp lực” cần thiết cho học hành và đa phần là đều có khả năng vượt qua. Nhưng lúc gặp stress nặng vì nhiều nguyên nhân trong đó có học hành thi cử, học sinh, sinh viên có thể rơi vào tình trạng trầm cảm, ăn uống quá độ hoặc biếng ăn, trầm trọng hơn là tự hủy hoại bản thân bằng rượu bia, game hoặc tự tử.
Theo ThS. Như Quỳnh, có nhiều nguyên nhân đẩy học sinh, sinh viên vào thế phải “làm bạn” với stress, trong đó có lý do chương trình học quá nặng. Các em học nhiều tới mức không có thời gian thư giãn, vui chơi để giải tỏa căng thẳng. Qua tiếp xúc với nhiều học sinh, cho thấy nhiều em rất có nhu cầu được vui chơi, tham gia các hoạt động phong trào nhưng lại kẹt thời gian. Phụ huynh vì không yên tâm nên bao giờ cũng khuyến khích con em “ưu tiên” việc học trước, chỉ khi nào hoàn thành hết bài vở rồi mới dành thời gian giải trí. Trên thực tế, thời gian học đối với các em còn không đủ khiến việc vui chơi càng hiếm hoi.
Đối diện với stress, tự bản thân mỗi học sinh, sinh viên có những cách ứng phó khác nhau. Nhưng thông thường, các bạn trẻ thường chia sẻ với bạn bè, người thân; giải trí bằng cách xem phim, nghe nhạc, chơi những game nhẹ nhàng; đi mua sắm, ăn uống thậm chí làm những việc khác thường một chút như ăn mặc kỳ quái, xăm hình, nhuộm tóc xanh đỏ… Ở mức độ trầm trọng hơn, nhiều em sa vào rượu bia, thuốc lá, châm thuốc vào tay, nghiện game và có khi tự tử.
ThS. Như Quỳnh khuyến cáo: “Nếu việc học quá căng thẳng thì các em không nên cố nhồi nhét nữa mà thay vào đó tạm nghỉ ngơi, ăn uống nhẹ hoặc tập những động tác thể dục đơn giản. Tham gia đều đặn một môn thể thao cũng là “liều thuốc” tốt giúp các em cân bằng được tinh thần, đảm bảo sức khỏe cho học tập. Bên cạnh đó, chăm sóc cây hoặc dành thời gian nuôi nấng, bồng bế thú cưng cũng là cách giải tỏa căng thẳng. Nhưng điều quan trọng hơn hết, các em cần hoạch định kế hoạch học tập cụ thể, nghiêm túc, tránh học dồn học gấp đến mức quá tải”.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Tránh đặt mục tiêu quá mức
Ca sĩ Sĩ Luân nhắn nhủ các bạn trẻ đừng nên đặt mục tiêu quá mức để rồi căng sức ra thực hiện, tự gây áp lực cho chính bản thân, đến khi không đạt được lại bị stress. Mỗi người đều chỉ có thế mạnh ở một hoặc vài lĩnh vực nào đó, nên tập trung phát triển những thế mạnh này. Chẳng hạn trong học tập, nếu không giỏi đều được thì nên tập trung cho những môn nổi trội và dĩ nhiên cũng không “bỏ bê” các môn còn lại. Việc lượng sức, nhắm đúng năng lực bản thân là một trong những nhân tố quan trọng đem đến thành công.
|
Bình luận (0)