Ban đầu, những người làm nghề stylist chỉ cố vấn về trang phục cho các ngôi sao khi xuất hiện trên công chúng hay trên các phương tiện truyền thông. Dần dà, họ sáng tạo ra kịch bản và chỉ huy luôn cả những buổi chụp hình, biểu diễn…
Giờ đây, tìm đến các stylist không chỉ có các sao làng giải trí nữa mà cả các công ty kinh tế, các tạp chí, hãng truyền thông… muốn tạo dựng phong cách hình ảnh riêng trong tiếp thị để thu hút khách hàng đồng thời tạo ra sự cạnh tranh với đối thủ. Thậm chí, có những stylist nổi tiếng như Rachel Zoe thông qua các ca sĩ, diễn viên nổi tiếng: Nicole Richie, Kate Hudson, The Backstreet Boys, Britney Spears, Enrique Iglesias, Lindsay Lohan, Jessica Simpson… đã tạo dựng phong cách ăn mặc ảnh hưởng lớn tới các fan của họ.
Để đáp ứng đòi hỏi của công việc, một stylist không chỉ có khả năng sáng tạo kịch bản mà còn phải am tường các lĩnh vực đi kèm như quay phim, nhiếp ảnh, trang điểm, tạo mẫu thời trang… Tầm quan trọng của các stylist thể hiện ở mức thù lao họ được hưởng, có stylist đã được trả 10.000 USD/ngày.
Nghề stylist ở Việt Nam
Ở Việt Nam, đa số người làm nghề stylist thường tập chung ở hai lĩnh vực thời trang và nhiếp ảnh. Chưa có stylist nào đủ sức dàn dựng chỉ huy một buổi biểu diễn nghệ thuật lớn.
Nghề stylist được biết đến thông qua các stylist nước ngoài làm việc ở Việt Nam như: Thanh Trúc (Việt kiều Pháp), Henri Hubert, J. Sarah… Họ thực hiện các seri ảnh thời trang trên các tạp chí: Đẹp, Mốt, Tiếp thị gia đình…
Ở nước ngoài, stylist là một nghề chuyên nghiệp nhưng cũng mới chỉ có nơi đào tạo ở những nơi được coi là kinh đô của điện ảnh và thời trang thì thường không thể thiếu những trường đào tạo trở thành một stylist, ví dụ như AIU – Atlanta, AIU – London… Thông thường những người học trường nghệ thuật, thời trang, mỹ thuật, những người có kinh nghiệm làm việc trong giới tổ chức biểu diễn hay chuyển sang làm nghề này.
Còn ở VN hiện mới chỉ có stylist về ảnh thời trang (bao gồm cả quảng cáo) nhưng cũng không ít kẻ thậm xưng danh hiệu này trong khi họ chỉ là người chụp ảnh thời trang, thậm chí là người mẫu hay chuyên viên trang điểm, hoặc có khi chỉ là người làm tóc. Các stylist Việt Nam đầu tiên là các nhà thiết kế thời trang hoặc họa sỹ ứng dụng như họa sỹ Từ Phương Thảo, nhà thiết kế Văn Thành Công…
Đặc biệt nghề stylist còn được các bạn trẻ 8X tham gia như: ca sỹ Vương Khang stylist cho công ty Thế giới giải trí và giới ca sĩ Sài Gòn, stylist Huỳnh Minh Thủy (Thủy Top) stylist cho album ca sĩ Đăng Khôi, Nguyễn Thùy Linh (Linhzo) stylist cho báo Sinh viên Việt Nam và Tiếp thị Gia đình… Họ đến với nghề với lý do đơn giản: ban đầu mê thời trang, ca hát, hội họa… rồi “nhiễm” nghề stylist lúc nào không hay.
Nghề stylist đang là nghề mới mẻ cho nên công việc stylist Việt Nam hiện nay vẫn là học hỏi từ các xu hướng stylist nước ngoài. Hiện tại, khoảng cách về sự bắt kịp xu hướng giữa Việt Nam và giới trẻ châu Âu là khoảng một mùa, còn với châu Á thì đang song hành. Tuy nhiên, cũng có những xu hướng rất “hot” ở nước ngoài nhưng không hề được phổ biến ở Việt Nam là trào lưu golden, silver – những đồ thời trang lấp lánh có ánh vàng hoặc bạc vốn chỉ hợp với trào lưu rap mà rap ở Việt Nam không nổi lên được.
Stylist – Một nghề đầy triển vọng
Nghề stylist là một nghề ăn theo các của ngành công nghiệp giải trí và truyền thông. Với tốc độ phát triển nhanh và đa dạng của ngành giải trí và truyền thông Việt Nam hiện nay thì khó mà có thể thống kê hết các số ca sĩ, các buổi biểu diễn ca nhạc, chụp hình thời trang và cả các tạp chí… Tất cả đều cần đến người làm stylist. Cho nên không thiếu việc để để các stylist trẻ thử sức. Mức thù lao hiện nay của một stylist Việt khoảng từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng tuỳ thuộc vào số lượng và tính chất công việc.
Điều kiện cần cho một một stylist là tư chất nghệ thuật và vốn kinh nghiệm làm việc để có thể liên tục sáng tạo ra các phong cách khác nhau, càng độc càng tốt. Chẳng hạn, để có được một bộ thời trang nam, stylist Từ Phương Thảo của tạp chí Sài Gòn Tiếp Thị đưa ra ý tưởng bối cảnh là một sân bay quân sự, người mẫu là những chàng phi công thật sự. Hiệu quả là, những chàng phi công trong trang phục thời trang khi lên ảnh còn đẹp hơn cả người mẫu chuyên nghiệp.
Ngoài ra, một stylist chuyên nghiệp phải có kiến thức tổng hợp của các ngành nghệ thuật và luôn cập nhật xu hướng stylist từ tạp chí nước ngoài. Học tập phong cách nhưng tránh copy nguyên xi bởi có không ít trường hợp bắt chước gây phản cảm. Trên một tạp chí thời trang, người mẫu nữ giới thiệu bộ vest đen của một thương hiệu thời trang cao cấp trong khi trên môi lại phì phèo thuốc lá như các quý bà châu Âu đầu thế kỷ 20. Dù có bàn tay stylist dàn dựng nhưng những bức ảnh ấy lại rõ ràng không phù hợp với thẩm mỹ, cách nghĩ của số đông người Việt.
Vai trò của stylist ngày càng được coi trọng. Không chỉ là có tên bên cạnh người trang điểm và nhiếp ảnh. Sự có mặt của stylist thì thành công của các bức hình hay buổi diễn được đảm bảo hơn. Từ khi có các stylist, công việc của người chụp hình, trang điểm đỡ hơn nhiều; trang điểm chỉ lo trang điểm, nhiếp ảnh chỉ cần chọn góc máy, ánh sáng sao cho đẹp, còn việc tạo dáng, trang phục, đạo cụ đã có stylist chuẩn bị đúng với ý đồ của họ.
Năng động, nhiều ý tưởng, đó là chân dung của các stylist trẻ hiện nay. Dễ hiểu vì sao mà nghề stylist đang được các bạn trẻ quan tâm và coi là nghề “hot” hiện nay.
Theo VTC
Bình luận (0)