Với trên 76.000 HSSV các hệ đào tạo hiện đang cư trú và học tập trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, sinh viên Đại học Đà Nẵng đang là mối quan tâm trong công tác giáo dục và quản lý, đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập và bùng nổ của công nghệ thông tin hiện tại. Hội nghị sơ kết 5 năm “Quy chế phối hợp bảo vệ ANTT trong các trường thuộc ĐHĐN và HSSV ngoại trú” vào ngày 26/12 mới đây, với sự tham gia của Công an TP Đà Nẵng, Đại học Đà Nẵng, UBND thành phố, Thành Đoàn Đà Nẵng đã mở ra những hướng mới, tích cực trong bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội chốn học đường.
Tình hình HSSV vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội
Là một đại học vùng có một đội ngũ đông đảo CB, GV giàu kinh nghiệm, Đại học Đà Nẵng trong những năm qua đã có cố gắng trong công tác quản lý, giáo dục HSSV. Phần lớn SV có ý thức học tập, rèn luyện đạo đức, tập trung học tập và định hướng nghề nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận thiếu ý thức rèn luyện tu dưỡng tư tưởng chính trị, nhận thức về lịch sử, truyền thống đất nước, dân tộc; bỏ học, ăn chơi, sa ngã, dẫn đến vi phạm pháp luật. Hơn 5 năm qua, đã xảy ra một số vụ có tính chất phức tạp nghiêm trọng, điển hình như: Vụ trộm cắp tài sản của xí nghiệp Sông Đà tại Đà Nẵng do Hoàng Thế Sơn, SV trường Đại học Bách khoa thực hiện; Vụ trộm cắp xe máy do 2 SV Dương Văn Hiếu, Nguyễn Đức Huy-Trường ĐHBK thực hiện; Vụ trộm cắp 6 dàn máy vi tính của thư viện trường Đại học Kinh tế do 2 SV Đồng Trọng Huy và Đinh Thanh Nhân thực hiện; Vụ đánh nhau tập thể do mâu thuẫn giữa nhóm SV trường CĐ Công nghệ và SV trường ĐH Duy Tân, CĐ Đông Du… dẫn đến hậu quả nghiêm trọng (1SV ĐH Duy Tân chết, 1 SV CĐ Đông Du bị trọng thương). Nghiêm trọng hơn nữa là vụ đánh nhau tập thể có sử dụng hung khí nguy hiểm (dùng típ sắt, dây xích và dao tự chế) giữa các nhóm SV trường ĐHBK vào ngày 9.6.2006, gây thương tích 45 % cho 2 SV. Kết quả, các SV Trần Văn Quang, Nguyễn Thái Sơn, Hà Văn Tiến bị TAND thành phố xử phạt 2 năm tù. Gần đây, ngày 10/11/2007, SV Phan Văn Phương- Trường Cao đẳng Công nghệ uống rượu say, gây gổ đánh nhau bị thương nặng dẫn đến tử vong; SV Phan Thái Bảo, Trường ĐHBK cùng nhóm bạn đến vũ trường Phương Đông uống rượu, đánh nhau bằng mã tấu gây hậu quả nghiêm trọng làm 1 người chết, 5 người bị thương nặng. Ngoài ra, số lưu HS đến từ các nước như Lào, Trung Quốc, Hàn Quốc cũng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp có liên quan đến ANTT…
Sự cụ thể hoá trong quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự trường học
Trong đánh giá công tác thực hiện quy chế phối hợp giữa CA thành phố Đà Nẵng với ĐH Đà Nẵng, đã phân tích một cách khoa học và thực tiễn những tác động từ bên ngoài vào trường học, ảnh hưởng xấu đến HSSV. Đất nước đang ở thời kỳ có sự phát triển vượt bậc cả về kinh tế, chính trị, xã hội; nhiều vấn đề bức xúc mới nảy sinh chưa được giải quyết dứt điểm… Đội ngũ trí thức và HSSV là đối tượng các thế lực thù địch chú ý tác động vào những hoạt động phức tạp có liên quan đến ANTT.
Một nguyên nhân khác cũng rất cơ bản là tình hình phức tạp trong SV ngoại trú. Đại học Đà Nẵng có khoảng trên 28.000 SV ngoại trú (chiếm hơn 30% SV ngoại trú trong toàn thành phố). Trong khi các ký túc xá và nơi nội trú cho SV của ĐHĐN còn thiếu, chỉ đáp ứng được 15% cho SV nội trú, do đó, phần lớn SV ở trọ đăng ký tạm trú tại các khu vực nhà dân là chính. Quản lý số HSSV này chủ yếu do SV và chủ nhà trọ tự giác đăng ký, tuy nhiên trong thực tế rất khó theo dõi, nắm bắt được những biến động, nhất là sinh hoạt của HSSV khi hết giờ học tập. Việc thường xuyên thay đổi chỗ ở và địa chỉ tạm trú, tạm vắng, không khai báo với lực lượng CA và nhà trường làm cho sự phối kết hợp quản lý giữa nhà trường và gia đình càng khó khăn hơn. Bên cạnh đó, việc đáp ứng nhu cầu về ăn ở sinh hoạt cho HSSV của các khu nhà trọ, khu dân cư còn hạn chế, thiếu điều kiện sinh hoạt, thiếu quản lý của gia đình và nhà trường đã tạo môi trường thuận lợi cho số SV thiếu tu dưỡng rèn luyện và học tập, ham chơi bời giao du dẫn đến các tệ nạn và vi phạm pháp luật nói trên.
Từ sự phân tích trên đây, ĐH Đà Nẵng cùng với CA TP Đà Nẵng trong 5 năm qua đã tích cực thực hiện quy chế phối hợp số 361/QC/ĐHĐN-CATP về Công tác đảm bảo an ninh, trật tự và quản lý SV ngoại trú. Từ bước triển khai đến chỉ đạo đều hết sức cụ thể, một số trường thành viên luôn phối hợp với lực lượng CA quận, huyện và CA phường trên địa bàn làm tốt công tác tạm trú, tạm vắng, kiểm tra hộ khẩu và phòng chống tệ nạn, củng cố và kiện toàn Ban công tác SV, các lực lượng bảo vệ, Ban quản lý ký túc xá các trường. Song song với đó là nhiều biện pháp quản lý, GD, răn đe khác trong từng trường thành viên… Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện, Thượng tá Nguyễn Ngọc Dương, Trưởng phòng PA 25-CA TP Đà Nẵng đã trình bày một dự thảo về “ Kế hoạch tiếp tục thực hiện Quy chế phối hợp số 361 trong tình hình mới”. Nhiều nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra đối với cả hai bên, ĐHĐN và CATP, như: Tổ chức thực hiện hiệu quả QĐ số 46/2007/QĐ-BGD&ĐT ngày 20/8/2007 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; Tăng cường công tác GD phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống cho HSSV; Phát huy vai trò xung kích của các tổ chức Đoàn, Hội; Kiện toàn các ban chỉ đạo, lực lượng chuyên trách, sự phối kết hợp giữa nhà trường, gia đình, địa phương và lực lượng CA…Nhiều báo cáo tham luận, ý kiến thảo luận xung quanh thực trạng, giải pháp công tác đảm bảo ANTT trong tình hình mới đem đến cho đại biểu niềm tin vào một triển vọng tươi sáng hơn với SV Đại học Đà Nẵng.
Nguyễn Thị Thuý Hồng
Theo Giáo dục & Thời đại
Bình luận (0)