Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Sự căng thẳng cần thiết

Tạp Chí Giáo Dục

Tháng cuối của năm học quả là giai đoạn bận rộn của cả trò lẫn thầy. Vì đây là thời điểm gặt hái thành quả dạy học. Nếu cuối năm kết quả học tập, rèn luyện của học sinh không ra gì thì trách nhiệm trước hết thuộc về giáo viên, cán bộ quản lý nhà trường. Còn đối với học sinh thì uổng công một năm đèn sách. Phụ huynh thì đương nhiên là không hài lòng và khó có thể chấp nhận việc con cái không được lên lớp, không đỗ tốt nghiệp.

Đối với những người có nhiều kinh nghiệm trong quản lý nhà trường, trong dạy học, hoặc chăm lo con cái học hành thì cuối tháng 4 và tháng 5 là thời điểm rất quan trọng, giai đoạn cần tăng cường tối đa việc hướng dẫn ôn luyện, không thể quản lý lơ là, không để học sinh “tà tà” trước đợt kiểm tra học kỳ hoặc kỳ thi tốt nghiệp được. Đây là giai đoạn căng thẳng thực sự cần thiết để đạt kết quả học tập tốt nhất – đặc biệt là đối với các em vốn ít chuyên cần, học lực xấp xỉ trung bình hoặc dưới trung bình, có khả năng thi trượt.

Dư luận cũng vừa có phản ứng chung quanh việc nhà trường “bắt” các em phải “truy bài”, phải “học thêm”, phải “phụ đạo”… Nhưng, ngoại trừ việc nhà trường, thầy cô sử dụng biện pháp có tính cưỡng bách thô bạo, thiếu tính sư phạm thì các biện pháp còn lại nhằm tập trung các em chưa có ý thức chuyên tâm học hành để “phụ đạo”, để ôn luyện là việc làm cần thiết.
Là nhà giáo, trước tiên là phải thấu hiểu tâm lý học sinh, phải biết cách gây hứng thú học tập, phải biết tổ chức kết hợp giữa học, hành và hoạt động vui chơi giải trí, thể dục thể thao… Cuối năm học, thời gian không còn nhiều, trọng tâm hoạt động của nhà trường là phải huy động các em tập trung vào việc ôn luyện để kiểm tra, thi cử, khó có thể “thư thả” và “kiên nhẫn” với các em, nhất là các em lười, nhưng quý thầy cô cũng phải “tâm lý” với các em thì hiệu quả ôn luyện mới cao.
Mọi người đều biết “sự học” kéo dài cả năm, nhiều năm – thậm chí cả đời. Để dạy học tốt cần phải biết cách kết hợp học hành, nghỉ ngơi thì hiệu quả giáo dục mới cao. Nhưng cũng có những em học sinh cả năm cứ “đủng đỉnh”, chơi nhiều hơn học, tưởng chừng “hết thuốc chữa”, thì đến giai đoạn cuối phải huy động thầy trò “chạy nước rút” thôi. Cá biệt, có những em “lãng đãng”, đầu óc không tập trung, thuộc dạng thiểu năng học tập mà nếu cứ để những em này “tự giác” học hành thì làm sao có kết quả như nhà trường, gia đình mong muốn! Đối với những em thường gọi là “cá biệt” này, đã có phụ huynh đề nghị nhà trường cứ việc “thẳng tay”. Nhưng đã là nhà giáo, khi gặp những trường hợp phức tạp này thầy cô cũng phải ứng xử một cách “sư phạm”, tuyệt đối không dùng bạo lực, mắng chửi thô bạo.
Chỉ còn 3 tuần nữa là đến kỳ thi THPT, các trường đang tiến hành ôn luyện 6 môn thi, đặc biệt rà soát trình độ 6 môn thi của các em, tập trung các em có nguy cơ trượt tốt nghiệp từng môn để tổ chức ôn thi riêng theo nhóm cho có hiệu quả là việc làm cần thiết. Vì tính chất quan trọng của kỳ thi đánh giá 12 năm học phổ thông của học sinh, một số tỉnh thành đã cho thí sinh thi thử và đã có kết quả để rút kinh nghiệm. Sở GD-ĐT TP.HCM cho các em học sinh lớp 12 thi thử ngay tại trường mình vào các buổi sáng thứ hai, thứ ba và thứ tư đầu tuần này (nhằm ngày 11, 12 và 13, chỉ thi thử trong 3 buổi sáng – không có buổi chiều – nhưng vẫn theo thứ tự lịch thi thật 6 môn thi tốt nghiệp do Bộ công bố). Đây là cuộc tập dượt giúp các thí sinh thành phố làm quen với sự căng thẳng không thể tránh khỏi của kỳ thi thật sắp tới. Mong phụ huynh hợp tác, hỗ trợ.
NHUẬN ĐỨC

Bình luận (0)