Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

“Sự cố” con vào lớp 1

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ở nhà con biết tự đi vệ sinh nhưng sau hôm thứ hai con đến lớp, cô giáo nói nhỏ với mẹ, con tè ngay trong lớp… Con gái yêu đi học, ngoài niềm vui khấp khởi mẹ cũng lo lắng không yên…
Ngày thứ nhất

Cả đêm mẹ không ngủ được dù bố đã nhắc đi ngủ sớm mai còn dậy đưa con đến tựu trường. Lởn vởn trong đầu mẹ là hình ảnh chiếc cặp màu hồng, sách vở, bút viết, rồi bộ quần áo đồng phục của con; hình ảnh con tung tăng cầm tay mẹ bước vào trường; rồi hình ảnh cô giáo đón con từ tay mẹ…
Mẹ đủ thứ lo. Lo con quen đi học ở mẫu giáo, ngủ dậy muộn thì bố mẹ thay nhau chờ đưa con đến trường. Tối con loay hoay chơi trong nhà đến lúc mệt thì lăn ra nằm ngủ. Giờ một thời khóa biểu dày đặc đang chờ đợi, con gái mẹ sẽ thích nghi thế nào. Mẹ kể cho con nghe nhiều chuyện đi học vui lắm, vui hơn ở cả mẫu giáo để trấn an tinh thần cho con.

Con mẹ đã rất dũng cảm vượt qua “cửa ải” vào lớp 1.
Sáng mẹ dậy sớm hơn mọi ngày để chuẩn bị đồ ăn cho con. Nghe tiếng mẹ thức, con ôm gối rướn cổ nhìn mẹ rồi lại nằm xuống, vẫn thói quen học mầm non đến trường lúc nào cũng được.
Mẹ gọi: “Dậy thôi, hôm nay con đi học lớp 1 đấy!”. Con bật bật dậy ngay, khoe với bố mình vào lớp 1. Hào hứng mặc đồng phục, con còn tự mở cặp kiểm tra cặp sách, cầm những cuốn tập, chiếc viết chì mà mẹ chuẩn bị sẵn như để kiểm tra . Bố an ủi mẹ: “Con mình có vẻ thích học đấy, mẹ đừng lo”.
Đến trường, sự hào hứng của con biến đâu hết. Trường học lạ, bạn bè lạ, con không chịu rời mẹ. Cũng như nhiều ông bố bà mẹ khác, mẹ đứng cùng con tập trung ở sân trường. Mẹ nắm thật chặt tay con để con hiểu rằng mẹ luôn ở bên con.
7 giờ 15, khi từng lớp sẽ theo cô giáo chủ nhiệm đi nhận lớp, con níu chặt tay mẹ đòi mẹ đi cùng. Mẹ muốn vào với con lắm nhưng không được, cô giáo không cho nên mẹ phải buông tay con ra… Vậy mà mẹ cứ tưởng mình có thể đứng ngoài cửa sổ lớp học để nhìn con mẹ ngồi ở bàn nào, ngồi gần bạn nào.
Cũng may con không khóc nhưng vừa bước đi, con quay đầu nhìn mẹ với ánh mắt vừa cầu cứu vừa trách móc vì bị bỏ rơi.
Mẹ đứng ngoài cổng thấp thỏm không biết con trong lớp thế nào. Có bạn từ dãy lớp 1 từ lớp chạy ra ngoài cổng khóc gọi bố mẹ làm mẹ giật mình thêm lo. Cậu bé ngồi trước phòng bảo vệ, không chịu vào lớp mặc thầy cô dỗ dành… Nhưng mẹ phải lên cơ quan nên không biết người bạn của con sau đó thế nào.
Một ngày làm việc nặng nề với mẹ trôi qua…
Chiều đón con, nghe cô giáo khen con ngoan mẹ cũng mừng. Con mệt mỏi không lúi lo như mọi ngày, ăn xong là ngủ luôn một mạch như hồi con học mẫu giáo, thích là ăn, thích là ngủ. Mẹ chép miệng, thôi thì hôm đầu tiên, chắc chưa cần phải học gì nhiều, để cho con mẹ ngủ.
Con gái của mẹ giật mình suốt đêm. Đêm thứ hai mẹ mất ngủ…
Ngày thứ 2
Ngày thứ 2, mẹ thêm căng thẳng khi con tuyên bố: “Con không thích đi học, con thích chơi với bạn My, bạn Tý (hai người bạn lớp mẫu giáo với con)”. Con òa khóc nức nở khi bố phải dùng đến sức mạnh của hai bàn tay để đưa con lên xe sau lưng mẹ với lời răn: “Phải đến lớp!”. Day dứt nặng lời với con gái yêu, bố đã cùng mẹ đưa con đến trường, chấp nhận đến cơ quan muộn. 
Có lẽ sợ bố nên con không dám nhõng nhẽo ôm cổ mẹ mà lầm lũi bước vào lớp không hề nhìn lại. Mẹ biết con đang tủi thân, giận bố mẹ nhiều lắm! Bố mẹ lại vội vàng chở nhau đến cơ quan cho kịp giờ.
Mẹ xin về sớm vào chợ mua đồ ăn để nấu những món con thích rồi đi thẳng đến trường đón con. Sau tiếng trống trường, học sinh ùa ra. Mẹ nhón chân ngẩng đầu nhìn về dãy lớp 1, tự cho rằng mình sẽ người mẹ nhìn thấy con nhanh nhất. Con lúc lắc chiếc cặp sau lưng ra khỏi lớp, thấy mẹ (và không thấy bố) con lao vào vòng tay mẹ òa khóc nức nở. Mẹ dỗ dành, hỏi han thế nào con cũng không nói.
Mẹ ôm con đứng chờ cô giáo, đúng lúc cô giáo tìm gặp mẹ. Cô bước tới, con rúm người lại làm mẹ thêm hồi hộp. Cô vuốt tóc con khen con ngoan làm mẹ an lòng hơn, còn con nhìn cô đầy bẽn lẽn. Sau đó mẹ mới được cô giáo nói nhỏ, hôm nay trong giờ tập viết con tè trong lớp, làm cô được một phen dừng tiết học để “giải quyết”.
Nếu không được cô giáo trấn an, mẹ cũng đã hoảng. Dù cô giáo đã dặn bạn nào muốn đi vệ sinh xin phép cô ra ngoài nhưng con ngại, lại xấu hổ nên không dám lên tiếng.
Chở con về, mẹ không hỏi han gì thêm về “sự cố” vì biết con gái không muốn nhắc đến. Tự nhiên, nước mắt mẹ chảy trào mà vẫn cố nín để con không biết rằng mẹ đang khóc.
Tối hôm đó, mẹ đã dụ được con ngồi vào bàn học. Hướng dẫn con cách cầm bút, xếp tập, cách ngồi thẳng lưng, cách giơ tay khi phát biểu… Rồi mẹ lồng luôn việc chỉ cho con mạnh dạn xin phép cô giáo ra ngoài khi có nhu cầu đi vệ sinh.
Ngày thứ 3
Những tưởng sự cố của ngày thứ hai sẽ làm con sốc không chịu đến trường nhưng mẹ thở phào khi vừa sửa soạn xong, con đã tự xách cặp xuống nhà, không chờ bố phải "ra tay". Dường như con hiểu được rằng, con sẽ phải đến trường vì dù có “ăn vạ” thế nào. Khi vào lớp, con không lầm lũi, cũng không còn nhìn mẹ bằng ánh mắt đầy “hận thù” mà còn vòng tay chào mẹ.
Biết đâu nhờ “sự cố” đó và cả bài học đêm qua của mẹ mà con biết rằng mình sẽ phải tiếp tục đối mặt để vượt qua những khó khăn phía trước chứ không thể quay đầu lại hay trốn tránh.
Những ngày tiếp theo trôi qua, buổi tối con đã biết đến giờ sẽ ngồi vào bàn học. Phải xem lại bài giảng của cô giáo và xem sách vở ngày mai cần mang theo những gì… Con mẹ đã trở thành một học sinh lớp 1 thực thụ chứ không còn là cô bé mẫu giáo nữa.
…Tuần học đầu tiên trôi qua, con bắt đầu thích thú kể chuyện trường lớp, chuyện cô giáo và chuyện về những người bạn mới. Cuối tuần mẹ dẫn con đi chơi công viên – mẹ đã hứa và mẹ sẽ thực hiện. Bởi vì con mẹ đã rất ngoan, đã rất dũng cảm để vượt qua “cửa ải” đầu tiên trong cuộc đời. Mẹ tự hào về con, con gái yêu ạ!
H.Nam  (Dân trí)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)