Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Sử – Địa: Ôn ít, điểm vẫn ổn

Tạp Chí Giáo Dục

Theo nhiều giáo viên, Sử và Địa tuy là những môn dễ gỡ điểm nhưng học sinh ít đầu tư thời gian để học nên kết quả ôn tập nói chung không cao.

Ảnh minh họa.

  Buộc học sinh soạn đề cương Sử

Từ đầu năm học 2011 – 2012, ngay sau khi dạy xong các chương đầu tiên, giáo viên đã giúp học sinh soạn đề cương theo từng phần nội dung đã học để thoát khỏi cảnh học dồn sau khi Bộ GD&ĐT công bố môn thi.
“Hiện nay các em học theo đề cương này là chính”, cô Nguyễn Thị Đào, Tổ trưởng Tổ Xã hội, Trường THPT Phạm Hồng Thái (Hà Nội), cho biết.
Đầu học kỳ I, Sở GD&ĐT Hà Nội chưa giới thiệu tài liệu ôn tập về trường, học sinh soạn đề cương căn cứ vào kinh nghiệm của từng thầy cô và vào tài liệu của những năm trước.
“Ví dụ, một bài có bốn phần, sau khi xác định hai phần trọng tâm, trọng điểm, học sinh được hướng dẫn làm đề cương xoáy vào hai nội dung đó. Giờ cần ôn lại, học sinh ít cảm thấy choáng ngợp trước sự mênh mông của kiến thức”, cô Đào nói.
Sau khi các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2012 được công bố, giáo viên rà soát tình hình làm đề cương của học sinh bằng việc kiểm tra và chấm điểm. Đề cương có nội dung ngắn gọn, súc tích, có khả năng khái quát cao được giới thiệu với các học sinh khác.
Tăng cường kiểm tra viết cũng là cách để học sinh không rơi vào tình trạng bỏ bẵng. “Mỗi tuần chỉ có một tiết Sử nên giáo viên buộc phải chạy chương trình, tận dụng 5 – 10 phút kiểm tra đầu giờ để tổ chức kiểm tra viết”, cô Đào
chia sẻ.
Chấm bài cũng là cách ôn Địa
“Địa là môn tích hợp rất nhiều vấn đề thời sự, từ tài nguyên – môi trường tới thời tiết, thiên tai, biến đổi khí hậu. Do vậy, đây là môn có ý nghĩa kết nối thực tiễn vào loại nhất trong số các môn học”, cô Mã Thị Tới, giáo viên Trường THPT Trương Định (Hà Nội), nhận định.
Rút kinh nghiệm những năm trước, năm nay, Trường Trương Định tăng cường tổ chức họp nhóm, họp tổ giáo viên, xây dựng các chuyên đề. Trong tổ, mỗi giáo viên nhận một nhiệm vụ chuẩn bị ôn tập cho học sinh.
Người thì chuẩn bị các nội dung cần khai thác ở Atlas (tập bản đồ), người thì phụ trách việc hướng dẫn học sinh đọc Atlas, người thì soạn hệ thống bài tập theo chủ đề, người thì xây dựng đề cương phần lý thuyết…
Cũng như Sử, thời lượng tiết học/tuần rất hạn chế, việc ôn luyện được tận dụng mọi lúc, mọi nơi. Mỗi tiết, giáo viên chỉ dành một nửa thời gian vào định hướng nắm bài mới.
Nửa thời gian còn lại là kiểm tra học sinh lĩnh hội bài mới đến đâu. “Nhờ sự phản hồi từ các em mà giáo viên mới rút ra được cách làm của mình hiệu quả đến đâu”, cô Tới nói.
Vừa rồi, nhiều giáo viên môn Địa còn thống nhất tranh thủ ôn cho học sinh ngay từ khâu chấm bài. “Nếu những chỗ học sinh làm sai mà mình chỉ gạch đi thì các em cũng chẳng biết tại sao lại sai. Hoặc chỉ ghi điểm số thì bài chấm cũng chẳng mấy giá trị với học sinh.
Vì thế, ngoài việc cho điểm và nhận xét tỉ mỉ, chúng tôi chữa sai ngay tại chỗ. Các em ghi thiếu ý, chúng tôi bổ sung ý cho đủ, ghi sai địa danh chúng tôi ghi lại cho đúng. Chúng tôi còn thống kê lỗi các em đã mắc rồi nhận xét sau tiết chào cờ”, cô Tới nói.
Quý Hiên

 

Theo TPO

Bình luận (0)