Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Sử dụng áo phao, phao cứu sinh: Vẫn còn đối phó

Tạp Chí Giáo Dục

Theo Nghị định 132/NĐ/2016/NĐ-CP của Chính phủ, kể từ ngày 1-7, phương tiện tàu, phà chở khách qua sông mà không trang bị áo phao, phao cứu sinh và hành khách không sử dụng thiết bị cứu hộ này sẽ bị xử phạt hành chính. Nhưng qua khảo sát của chúng tôi tại một số bến đò trong ngày này, hành vi tự giác mặc áo phao của hành khách và việc chủ tàu, phà cung cấp áo phao, phao cứu sinh cho khách vẫn chỉ mang tính chất đối phó.

Mỗi lượt phà sang sông (bến An Phú Đông) có đến gần 40 khách nhưng chỉ phân nửa khách được trang bị áo phao và ít người chịu mặc (ảnh chụp ngày 1-7)

Tại bến phà An Phú Đông (Q.Gò Vấp), áo phao được chủ phà trang bị khá nhiều. Khách bước lên được nhân viên trên phà phát áo phao nhưng rất ít hành khách chịu mặc. Nhiều xe gắn máy chở theo cả trẻ nhỏ nhưng người lớn cũng hết sức thờ ơ, áo phao có thì chỉ cài ở tay lái các xe mô tô, gắn máy, còn không có cũng không đòi hỏi.

Cũng tại những chuyến phà này, hành khách lên trước thì được phát, còn những hành khách lên sau thì bị bỏ quên. Tuy nhiên, khi thấy một nhóm phóng viên quay phim, chụp ảnh, nhân viên phà vội vã phát áo phao thật nhanh cho khách và nhắc nhở: “Mặc vô, người ta đang quay phim đưa lên truyền hình, bị phạt bây giờ”. Lúc này 8 giờ sáng là giờ cao điểm, lượng người từ Q.Gò Vấp sang Q.12 và ngược lại rất đông, khoảng 40 khách nhưng chỉ 1/2 khách có áo phao cài ở tay xe gắn máy.

Tại bến đò Bình Quới (Q.Bình Thạnh), thay vì phát áo phao, hành khách được phát phao cứu sinh đeo tay. Song cũng chung cảnh ngộ bến đò An Phú Đông, những hành khách lên trước được phát cho có lệ, còn hành khách lên sau bị lãng quên. Chỉ khi đòi hỏi phao cứu sinh thì chủ tàu mới đưa tới.

Nhiều hành khách chở theo cả trẻ nhỏ sang phà bến An Phú Đông (Q.Gò Vấp) nhưng không mặc áo phao (ảnh chụp ngày 1-7)

Ở bến đò này, vào thời điểm gần trưa, mỗi lượt sang sông cũng có đến gần 30 khách. Trước bến có bảng nội quy khi lên đò, trong đó yêu cầu hành khách phải mặc áo phao hoặc sử dụng phao cứu sinh.

Bà Trần Thị Bảy, người dân bán nước bến đò Bình Quới cho biết: “Xưa nay, số lượng khách lên đò sang sông mặc áo phao rất ít, họa hoằn vài người. Có thể hành khách nghĩ đoạn sông ngắn, không cần phải mặc áo phao. Hoặc mặc áo phao vào nóng bức, cồng kềnh nên ngại mặc”. Bà Bảy cho rằng, với quy định bắt buộc phải sử dụng áo phao, phao cứu sinh mà Nhà nước mới đưa ra dường như không khả thi. Bởi thói quen sử dụng thiết bị cứu hộ của hành khách chưa cao, còn chủ tàu cũng không quyết liệt trong việc bắt hành khách phải sử dụng.

Do lên sau nên những hành khách ở bến đò Bình Quới (Q.Bình Thạnh) không được chủ phương tiện phát phao cứu sinh (ảnh chụp ngày 1-7)

Theo Nghị định 132/NĐ/2016/NĐ-CP của Chính phủ, đối với phương tiện tàu, phà chở khách qua sông mà không trang bị áo phao, phao cứu sinh và hành khách không sử dụng sẽ bị xử phạt hành chính. Cụ thể, hành khách bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. Nếu hành khách không chấp hành nội quy an toàn trên phương tiện qua sông, không chấp hành sự hướng dẫn của thuyền viên và người lái phương tiện, mức phạt từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng. Đối với chủ tàu, chủ phà, nếu vẫn chở người không mặc áo phao thì bị phạt từ 200.000 đồng đến 4 triệu đồng, tùy theo sức chở của tàu. Trường hợp chủ phương tiện không trang bị hoặc trang bị không đủ áo phao cho hành khách thì bị phạt từ 200.000 đồng đến 3 triệu đồng. Còn trường hợp được bố trí áo phao mà hành khách không mặc thì chủ phương tiện được quyền từ chối chở hành khách và được quyền không cho tàu xuất bến.

Với quy định này nhằm mang lại sự an toàn cho cả chủ tàu, phà và hành khách khi qua sông, đặc biệt sau một số vụ tai nạn đắm tàu xảy ra gần đây khiến nhiều người chết thương tâm. Thế nhưng, quy định đưa ra chỉ là quy định, việc thực hiện vẫn chưa được người dân chấp hành cao. Hành vi tự giác mặc áo phao của hành khách và việc chủ tàu, phà cung cấp áo phao, phao cứu sinh vẫn còn mang tính chất đối phó.

Bài, ảnh: N.Trinh

Bình luận (0)