Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Sử dụng bài giảng trình chiếu: Có cần viết bảng hay không?

Tạp Chí Giáo Dục

Bài giảng trình chiếu của giáo viên Trường THPT Trương Vĩnh Ký

Sau những bước đi “dò dẫm” về đổi mới phương pháp giảng dạy, không ai phủ nhận hiệu ứng tích cực của công nghệ thông tin như máy vi tính, màn hình trình chiếu đối với một tiết học trên lớp. Thế nhưng thực tế hiện nay vẫn còn nhiều quan điểm trái ngược nhau về mức độ sử dụng màn hình trình chiếu power point khi kết hợp phương pháp truyền thống và phương pháp hiện đại trong một tiết học cụ thể.

Ông Thái Quốc Tuấn – chuyên viên Sở GD-ĐT TP.HCM đã từng đặt vấn đề: “Qua thực tế giảng dạy và dự các hội thảo chuyên đề ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, chúng tôi thấy vẫn còn 2 quan điểm trái ngược nhau. Một ý kiến cho rằng khi sử dụng màn hình trình chiếu thì không nên sử dụng bảng đen và ý kiến thứ 2 thì ngược lại, vẫn sử dụng bảng đen khi sử dụng màn hình trình chiếu”. Theo ông Tuấn vấn đề này đã được đưa ra từ lâu và đến nay vẫn còn có nhiều ý kiến tranh cãi. Một số người cho rằng khi sử dụng màn hình trình chiếu để phục vụ bài giảng thì lúc đó giáo viên đã có một bài soạn điện tử đầy đủ các nội dung, các phần, các bước giống như một giáo án bình thường. Việc dùng thêm bảng là không cần thiết vì như thế giáo viên phải trình bày lại nội dung bài giảng một lần nữa bằng phương pháp ghi chép trực tiếp. Cô Cúc – giáo viên THPT Phú Hòa tâm sự: “ Tôi đã sử dụng bài giảng điện tử từ 4 năm nay nên kinh nghiệm cho thấy nếu tay vừa điều khiển con chuột vừa cầm phấn viết bảng thì thật khó khăn. Giáo viên làm việc với máy tính sẽ không còn thời gian để đi xuống từng bàn học sinh quản lý và nhắc nhở việc học, bây giờ lại còn phải ghi bảng nữa thì coi chừng sẽ “cháy giáo án”. Theo cô Cúc, nếu cùng một lúc giáo viên phải làm quá nhiều thao tác thì rất vất vả, đó là chưa nói đến chuyện mất thời gian. Cô cho biết thêm: “Dạy như vậy mệt lắm, mình phải xoay qua xoay lại hoài”. Chung ý kiến với cô Cúc, cô Cao Thị Thanh Hương – giáo viên Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền nhận thấy một điều: “Không phải bài giảng nào cũng nên sử dụng màn hình trình chiếu, và cũng còn tùy theo điều kiện của từng trường nữa. Tôi thấy vừa viết bảng lại vừa sử dụng máy vi tính thì rất khó”. Còn giáo viên khác của Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền cũng cho rằng, có những bài giảng trình chiếu thành công nhưng cũng có những bài giảng chưa thành công, nếu không nói là thất bại, vì ngoài đặc thù của từng bộ môn còn có sự hợp tác từ phía học sinh nữa. Nếu không biết huy động học sinh làm việc, thiếu sự “tiếp sức” của các em chắc chắn bài giảng đó ít có hiệu quả. Có giáo viên còn lo lắng nếu sử dụng máy vi tính chưa thành thạo thì có thể gây ra nhiều sự cố ảnh hưởng đến hứng thú của người học và tâm lý người dạy.
 Đây là ý kiến được một số đông ủng hộ vì họ cho rằng toàn bộ màn hình trình chiếu không thể thay thế được “ông thầy”, máy móc chỉ là công cụ hỗ trợ cho bài giảng mà thôi. Những gì hiện lên trên màn hình không phải là nội dung chính của bài học mà chỉ là những hình ảnh có tính chất minh họa, tạo thêm hứng thú cho người học. Nội dung bài học phải được thầy khắc sâu trên bảng để học sinh ghi chép và suy ngẫm, tránh tình trạng “cưỡi ngựa xem hoa” qua màn hình trình chiếu. Tuy nhiên việc ghi chép bảng phải đảm bảo tính khoa học và tính sư phạm nữa. Điều đáng nói thêm là ngay ở bài giảng trình chiếu giáo viên cũng đã “bê nguyên xi” vào trong đó rồi. Cách làm này chỉ mang hình thức đối phó nên đã bị nhiều ý kiến phản đối và làm cho tiết học không còn hứng thú đối với các em nữa.Bài giảng trình chiếu của giáo viên Trường THPT Trương Vĩnh Ký
Nguyễn Hoàng Anh
Một giáo viên Trường THPT Quang Trung thú nhận chưa bao giờ “thử nghiệm” một tiết dạy nào về bài giảng trình chiếu nhưng đã từng đi dự giờ nên rất lo rằng học sinh chỉ chú trọng đến hình ảnh trên màn hình mà quên đi nội dung trọng tâm của bài học. Cô cứ sợ tiết học dễ trở thành buổi xem phim, cả lớp chăm chú coi mấy hình ảnh minh họa cho vui rồi đi ra, sau đó là quên hết. Chính vì thế giáo viên này phản đối chuyện sử dụng màn hình trình chiếu 100% mà quên đi việc ghi bảng. Theo cô, dạy theo cách vừa sử dụng bảng đen vừa sử dụng màn hình trình chiếu là sự kết hợp giữa phương pháp hiện đại và phương pháp truyền thống. Hơn nữa điều này còn tránh được việc con người quá phụ thuộc vào công nghệ thông tin. Không những thế vai trò của thầy giáo không bị mất đi và tiết dạy nhờ vậy mà thêm sinh động.

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)