UTraffic: Hệ thống cảnh báo ùn tắc giao thông đô thị dựa vào dữ liệu từ cộng đồng đã nghiên cứu và đề xuất các giải pháp hợp lý, vận dụng sức mạnh của công nghệ 4.0 giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Tìm đường trên trang web cảnh báo tình trạng giao thông TrafficPortal
Đây là giải pháp được đề xuất và thực hiện bởi một nhóm nghiên cứu về giao thông thông minh (ITS) thuộc Khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), do PGS.TS Trần Quang Minh làm chủ nhiệm. Theo nhóm nghiên cứu, ùn tắc giao thông gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, xã hội như lãng phí thời gian, nhiên liệu, hư hỏng hàng hóa do vận chuyển chậm, giảm chất lượng dịch vụ giao thông, ô nhiễm môi trường. Đặc biệt là ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là ở các thành phố lớn, trong đó có TP.HCM. Theo thống kê, hiện TP.HCM có hơn 10 triệu dân, với khoảng 9 triệu phương tiện giao thông (bao gồm 8,12 triệu xe gắn máy và 830.000 ô tô) dẫn đến mật độ giao thông rất cao trong khi nền tảng hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển của thành phố. Điều này dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên, gây nhiều thiệt hại về kinh tế, xã hội và là nguyên nhân chính gây ra mất an toàn giao thông. Do vậy, giảm ùn tắc giao thông là vấn đề cấp bách, ưu tiên hàng đầu cần được giải quyết của TP.HCM, thu hút sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân thành phố. Tính đến tháng 6-2019, TP.HCM đã có hệ thống hơn 1.000 camera giám sát của Sở Giao thông vận tải và một số quận trên địa bàn kết nối thông tin tổng hợp để tiếp nhận và xử lý sự cố liên quan đến hạ tầng giao thông (http://giaothong.hochiminhcity.gov.vn/). “Đây là hướng đi đúng đắn, vận dụng công nghệ ICT vào quản lý giao thông của thành phố.
Chức năng tìm đường (routing) trên ứng dụng UTrafficMobile
Tuy nhiên, hệ thống trên vẫn còn nhiều hạn chế do độ bao phủ camera còn thấp, cụ thể là chỉ triển khai được ở những nút giao thông quan trọng, chi phí đầu tư và bảo trì lớn. Từ thực tế đó, “UTraffic: Hệ thống cảnh báo ùn tắc giao thông đô thị dựa vào dữ liệu từ cộng đồng” đã nghiên cứu và đề xuất các giải pháp hợp lý, vận dụng sức mạnh của công nghệ 4.0 và sức mạnh của cộng đồng nhằm giải quyết các vấn đề cốt lõi, mới và chưa được giải quyết tốt”, PGS.TS Trần Quang Minh nói. Cụ thể, UTraffic là một hệ thống gồm ba phần mềm: Thứ nhất là UTrafficMobile. Đây là phần mềm trên điện thoại di động hỗ trợ thu thập dữ liệu dựa vào cộng đồng, hiển thị và cảnh báo tình trạng giao thông, hỗ trợ tìm đường tối ưu. Ứng dụng này đang được triển khai rộng rãi cho cộng đồng người dùng tại TP.HCM sử dụng miễn phí. Hiện tại có khoảng 500 lượt người sử dụng. Theo đó, người dùng có thể download ứng dụng tại https://bktraffic.com/home/mobile-app. Thứ hai là UTrafficPortal. Đây là ứng dụng web thu thập, tổ chức lưu trữ và phân tích dữ liệu, hỗ trợ tìm đường tối ưu. Hiện tại đã có hơn 1.600 lượt người dùng truy xuất vào hệ thống tại https://bktraffic.com/home/. Thứ ba là UTrafficMIS. Đây là hệ thống thông tin quản lý về tình trạng giao thông đang được sử dụng thực tế tại Kênh giao thông đô thị (95,6Mhz) của Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM kể từ tháng 9-2020. Cụ thể, hệ thống này đã phát huy tốt hiệu quả hỗ trợ cho các hoạt động hàng ngày của kênh 95,6Mhz nhằm phục vụ tốt nhất cộng đồng. Theo nhóm nghiên cứu, UTraffic có các giải pháp ưu việt như dữ liệu về giao thông được thu thập từ nhiều nguồn, trong đó có nguồn quan trọng là từ cộng đồng thông qua ứng dụng trên điện thoại di động; ước lượng và dự báo tình trạng giao thông chính xác và kịp thời bằng các kỹ thuật phân tích dữ liệu lớn và học máy; cảnh báo ùn tắc giao thông cho người dân một cách kịp thời; hỗ trợ chức năng tìm đường hiệu quả có xét đến tình trạng giao thông; cung cấp thông tin thống kê, dự báo, hỗ trợ công tác ra quyết định của nhà quản lý. Giải pháp này đang được nhóm nghiên cứu gửi dự thi Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM năm 2021 (I-Star 2021) do Sở KH-CN TP.HCM tổ chức, thuộc nhóm “Giải pháp đổi mới sáng tạo” dành cho tổ chức, cá nhân có cách thức mới, có tính sáng tạo được áp dụng nhằm giải quyết những vấn đề của cộng đồng trên địa bàn thành phố.
Được biết, UTraffic đã có được các sản phẩm nổi bật về phần mềm, công bố khoa học, sở hữu trí tuệ, đào tạo và đã được triển khai trong thực tế, phục vụ cộng đồng…
Bài, ảnh: Trần Tri
Bình luận (0)