Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Sử dụng đồ điện gia dụng không đúng cách: Dễ gây họa!

Tạp Chí Giáo Dục

Khu vực nhiễm điện gồm vách tôn, lan can và dây phơi đồ nhà chị Hiếu M. (bìa trái), nơi được “cứu nguy” bởi nhân viên điện lực sáng 27-3

Việc sử dụng đồ điện gia dụng gặp sự cố hỏng hóc thiết bị, chập điện gây cháy nổ… ngoài nguyên nhân do lỗi kỹ thuật của nhà sản xuất, phần lớn xuất phát từ chính sự lơ là, thiếu thông tin và thiếu cẩn trọng của người tiêu dùng.

Thót tim vì… cái tủ lạnh

Sáng 28-3 vừa qua, trong một căn nhà ở hẻm 335 Điện Biên Phủ, phường 4, quận 3, TP.HCM bỗng phát ra tiếng nổ khá lớn, sau đó khói đen bốc ra mờ mịt khiến người dân khu phố một phen hoảng hồn, đổ xô vào để hỗ trợ gia chủ khoanh vùng khu vực bị cháy, di dời đồ đạc. Điều khiến mọi người ngạc nhiên là sự cố xảy ra đúng vào thời điểm địa bàn bị cúp điện, chứng tỏ vụ nổ không hề liên quan gì tới “ông điện”. Nguyên nhân vụ nổ được nhận định là do cái bình xịt muỗi để trên đầu tủ lâu ngày bị nhiễm điện phát nổ, bắn lên trần nhà làm thủng la phông và bắt lửa vào chiếc khăn phơi, tấm nệm gần đó. May mắn là đúng lúc đang cúp điện và mọi người phát hiện kịp thời nên không có thiệt hại lớn về người và tài sản.

Trên thực tế, khá nhiều người không hề quan tâm việc phải tránh để đồ trên đầu tủ lạnh. Có gia đình còn để cả điện thoại di động lẫn bình gas mi ni trên đầu tủ. Nhiều người càng tỏ ra bất ngờ khi được một số người truyền đạt kinh nghiệm: Tuy sự cố nổ bình gas tủ lạnh khá hiếm nhưng không phải là không xảy ra. Nếu muốn dùng tủ lạnh đảm bảo an toàn thì bắt buộc phải sử dụng tủ đúng thời gian khuyến cáo của nhà sản xuất; phải đặt tủ tránh xa các nguồn sinh nhiệt, tránh môi trường quá ẩm; vệ sinh dàn ngưng tủ phải mời thợ; ngay cả các loại đồ uống có gas như bia, nước ngọt… nếu để vào ngăn đá cũng có thể phát nổ; bảo dưỡng tủ mỗi tháng một lần…

Người tiêu dùng phải thực sự cẩn trọng

Ngoài tủ lạnh, máy lạnh, các chuyên gia điện, điện tử lưu ý người tiêu dùng phải thực sự cẩn trọng đối với những loại đồ điện gia dụng chuyển biến điện năng thành nhiệt năng như lò vi sóng, ấm điện, bình thủy điện, bàn ủi… Không nên mời thợ “vườn” về xử lý các vấn đề hỏng hóc, nạp gas… mà phải là thợ có uy tín, trình độ chuyên môn. Cần phải thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị đúng định kỳ. 

Đã từng xảy ra khá nhiều trường hợp để lon bia, đồ uống có gas vào ngăn đá tủ lạnh gây phát nổ. Ngoài ra, còn rất nhiều vụ nổ tủ lạnh xuất phát từ nguyên nhân như nổ bình gas hoặc nổ dàn lạnh do người dùng không nắm rõ nguyên tắc, quy định sử dụng… dẫn đến thương vong, hư hại tài sản không nhỏ trong khi hoàn toàn có thể tránh được nếu có sự tìm hiểu, sử dụng cẩn trọng.

Máy lạnh, bếp từ, bình siêu tốc… cũng gây họa

Cùng ở địa bàn phường 4, quận 3, TP.HCM chỉ trước đó một ngày, sáng 27-3, chị Hiếu M. cũng phải cầu cứu nhân viên điện lực tới xử lý vì có người ở trọ bị điện giật khi phơi đồ. Kết quả kiểm tra cho thấy toàn bộ hệ thống vách tôn, dây phơi đồ, lan can nhà chị M. đều bị nhiễm điện do sự rò rỉ điện từ máy lạnh truyền vào hệ thống rào sắt, lan can của nhà hàng xóm rồi truyền sang nhà chị. Nhân viên điện lực lập biên bản, cô lập khu vực bị rò rỉ điện và khẳng định nếu không phát hiện kịp thời chắc chắn sẽ dẫn tới hậu quả khôn lường. Mọi người đều thở phào nhẹ nhõm vì thoát chết trong gang tấc.

Không chỉ có tủ lạnh, máy lạnh mà những thiết bị sử dụng điện năng tưởng chừng không có gì phức tạp, “dễ tính” như bình siêu tốc, bếp từ… cũng đã từng gây ra nhiều vụ chập điện, cháy nổ do sử dụng với tần suất quá lớn, lý do đơn giản vì đa số người dân không nắm rõ và tuân thủ quy định sử dụng.

Đâu là “lối thoát hiểm”?

Hiện, các thiết bị sử dụng điện năng tưởng chừng rất dễ xài nhưng lại khá phức tạp về cơ chế hoạt động như máy lạnh, tủ lạnh… đã trở nên phổ biến trong đời sống người dân. Thực tế cho thấy tất cả các thiết bị này khi đến tay người tiêu dùng đều có hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất kèm theo. Tuy nhiên, thói quen của rất nhiều người là học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau là chính, ít ai để tâm đọc hết những gì có trong hướng dẫn vì sợ tốn thời gian, chủ quan. Bên cạnh việc người dân nên nâng cao ý thức sử dụng thiết bị điện, thiết nghĩ các đơn vị sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm cần chú ý vấn đề này để đề cao, tăng cường công tác tư vấn cho người tiêu dùng, trang bị tức thời những kiến thức tối thiểu, cơ bản và quan trọng nhất mà không phó mặc yếu tố an toàn cho thói quen của họ trong việc sử dụng. Có thể chi phí sẽ cao hơn, nhưng chắc chắn sản phẩm sẽ được đón nhận tốt hơn vì không gì có thể đắt giá hơn sức khỏe, tính mạng của con người.

Bài, ảnh: Hương Lài

Bình luận (0)