Việc hai bộ phối hợp xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tuyển sinh chung được nhận định sẽ tạo thuận lợi cho thí sinh rất nhiều so với việc mạnh ai nấy làm như hiện nay.
Sinh viên Trường cao đẳng Đại Việt Sài Gòn trong giờ thực hành. Việc tuyển sinh vào trường gặp nhiều khó khăn khi không còn nằm trong hệ thống tuyển sinh của Bộ GD-ĐT – Ảnh: M.G.
Việc Bộ LĐ-TB&XH vừa có văn bản gửi Bộ GD-ĐT đề nghị phối hợp xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tuyển sinh chung nhận được nhiều ý kiến: sẽ thuận lợi cho thí sinh rất nhiều so với việc mạnh ai nấy làm như hiện nay.
Cụ thể, hai bộ có thể phối hợp tuyển sinh trung cấp, CĐ và quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho học sinh trình độ trung cấp; thí sinh có thể đăng ký dự tuyển trình độ ĐH, CĐ và trung cấp trên một mẫu phiếu thống nhất và chia sẻ dữ liệu thi THPT quốc gia để phục vụ tuyển sinh CĐ, trung cấp.
Lợi cả đôi đàng
TS Vũ Xuân Hùng – vụ trưởng Vụ đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) – cho biết việc sử dụng dữ liệu chung nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh khi đăng ký xét tuyển chứ không phải vì quyền lợi của bộ nào.
Dữ liệu thí sinh đăng ký xét tuyển CĐ sẽ chuyển đến Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, sau đó chuyển cho các trường CĐ mà thí sinh đăng ký. Thực tế hai năm qua, thí sinh muốn xét tuyển CĐ phải đăng ký một bộ hồ sơ riêng rất phiền phức.
Không chỉ vậy, các thông tin về trường CĐ cũng khó đến được với học sinh do không nằm chung hệ thống. Kỳ tuyển sinh năm 2018, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã có văn bản đề nghị vấn đề này nhưng chưa được triển khai.
Trở lại quá khứ, từ năm 2017, các trường CĐ, trung cấp chính thức chuyển giao sự quản lý từ Bộ GD-ĐT sang Bộ LĐ-TB&XH. Cũng từ đây, các trường CĐ không còn nằm trong hệ thống tuyển sinh chung, trừ các trường CĐ sư phạm. Hai năm qua, việc tuyển sinh của nhiều trường CĐ không còn thuận lợi như trước.
PGS.TS Nguyễn Đức Minh – hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế đối ngoại – cho biết hai năm qua, việc tuyển sinh của trường khó khăn hơn do thông tin đến với thí sinh ít hơn, toàn bộ hồ sơ xét tuyển trường phải nhập liệu bằng tay. Nếu sử dụng cơ sở dữ liệu chung như trước đây sẽ rất tốt cho thí sinh và các trường CĐ.
Tương tự, ông Lê Lâm – hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn – cho rằng việc sử dụng phiếu đăng ký xét tuyển chung, phần mềm nhập liệu chung sẽ giúp việc lựa chọn bậc học của thí sinh thuận lợi hơn.
Năm 2018 có thí sinh đăng ký cả chục nguyện vọng ĐH muốn đăng ký CĐ phải làm một bộ hồ sơ riêng, trong khi nếu sử dụng phiếu chung, thí sinh không cần phải mất công như vậy. Thực sự hai năm qua tuyển sinh CĐ rất khó khăn.
Ông Trần Thanh Hải – hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông – còn cho rằng sử dụng dữ liệu chung tuyển sinh ĐH, CĐ rất cần thiết cho việc phân luồng học sinh khi thông tin tuyển sinh CĐ đến được trường phổ thông, tạo thêm lựa chọn cho học sinh.
Tránh học nghề một nơi, văn hóa một nẻo
Bộ LĐ-TB&XH cũng đề nghị Bộ GD-ĐT phối hợp ban hành quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT mà người học phải tích lũy để học trình độ CĐ và cho phép các trường trung cấp, CĐ được đào tạo và cấp giấy xác nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho những học sinh học trung cấp có tham gia học văn hóa THPT và đủ điều kiện học liên thông lên CĐ, ĐH.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, so với các trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường trung cấp, CĐ hoàn toàn có đủ điều kiện đảm bảo chất lượng để thực hiện nếu được giao nhiệm vụ.
TS Vũ Xuân Hùng cho biết điểm vướng lớn nhất hiện nay đối với chương trình trung cấp dành cho học sinh tốt nghiệp THCS muốn liên thông CĐ là phải học đủ khối lượng văn hóa THPT.
Tuy nhiên, toàn bộ phần văn hóa này thuộc quản lý nhà nước của Bộ GD-DT. Theo quy định, các trường CĐ không được dạy văn hóa mà việc này do các trung tâm giáo dục thường xuyên thực hiện.
Việc học nghề một nơi, học văn hóa một nẻo như hiện nay vô hình trung đẩy người học và các trường vào thế khó trong khi Nhà nước chủ trương đẩy mạnh phân luồng học sinh sau THCS.
Ông Nguyễn Đăng Lý – hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP.HCM – cho biết để thực hiện tuyển học sinh tốt nghiệp THCS, trường phải liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên để dạy văn hóa. Việc này chỉ khiến các trường chịu thêm các thủ tục hành chính.
Trong khi đó, hiệu trưởng một trường CĐ cho biết do phải phối hợp cùng một trung tâm giáo dục thường xuyên để dạy văn hóa nhưng vì thời gian học của hai bên khó thống nhất, bị trùng dẫn đến nhiều khó khăn trong tổ chức. Chính vì điều này mà không ít trường ngại tuyển đối tượng THCS vì khâu tổ chức đào tạo phức tạp.
“Việc kết nối giữa hai bộ là rất cần thiết và đáng ra phải làm từ lâu. Việc kết nối này không chỉ ở khâu tuyển sinh mà còn cả vấn đề liên thông, tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp". Ông Phạm Thái Sơn – Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM |
Ông Trần Thanh Hải cho rằng nếu giao cho các trường CĐ đào tạo khối kiến thức văn hóa sẽ hợp lý hơn bởi khi học xong kiến thức phổ thông, học sinh có đủ điều kiện học tiếp CĐ trong khi thời gian đào tạo ngắn hơn, việc học cũng thuận lợi hơn.
Thực tế các trường CĐ đa ngành đều có giáo viên các môn toán, lý, hóa, ngoại ngữ, chỉ cần bổ sung giáo viên các môn còn lại.
Hai bộ cần sớm thống nhất ThS Hứa Minh Tuấn – phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính marketing – cho rằng việc sử dụng dữ liệu chung để tuyển sinh ĐH, CĐ là cần thiết. Dù luật quy định các trường CĐ được tuyển quanh năm nhưng hai bộ cần phải sớm thống nhất việc sử dụng dữ liệu chung, thống nhất biểu mẫu, thời gian nhận đăng ký xét tuyển để thí sinh thuận lợi đăng ký. Có một điểm cần lưu ý: mã ngành bậc ĐH không có mã chuyên ngành trong khi mã ngành CĐ lại có mã chuyên ngành. Do đó, khi nhập liệu, mã ngành của bậc ĐH và CĐ sẽ khác nhau. Hai bộ cần thống nhất gắn mã ngành để tránh trường hợp phần mềm ghi nhận sai nguyện vọng của thí sinh. |
Bình luận (0)