Nằm trong lộ trình chuyển đổi số, TP.HCM sử dụng sổ liên lạc điện tử như một phương tiện giúp đơn giản hóa công tác quản trị nhà trường. Nhiều đơn vị trường học đã triển khai sổ liên lạc điện tử thành kênh kết nối, thông tin với phụ huynh học sinh thực sự hiệu quả.
Sử dụng hiệu quả sổ liên lạc điện tử sẽ giúp tăng sự đồng hành của phụ huynh với giáo viên, nhà trường
Mọi thứ gói trọn trong… sổ liên lạc điện tử
Vừa đặt chân tới cơ quan, chị Hồng Nga (ngụ Q.Bình Thạnh) đã nhận được tin nhắn của nhà trường thông báo con chị – học sinh lớp 4, Trường TH Hồng Hà (Q.Bình Thạnh) đã đến trường. Đây là dịch vụ tin nhắn điện tử nhà trường sử dụng nhằm giúp điểm danh, kết nối thông tin giữa phụ huynh và nhà trường.
“Ngày nào khi con đến lớp phụ huynh cũng sẽ nhận được tin nhắn thông báo như thế này, tôi cũng thấy an tâm. Trong các tiết học, giáo viên cũng thường xuyên chụp hình các hoạt động trong lớp học gửi lên app để phụ huynh có thể theo dõi, nắm bắt việc học của con ở trường mỗi ngày. Đặc biệt, kết quả học tập của con trong từng học kỳ, ở từng môn học cũng được nhà trường thông tin trên hệ thống” – chị Nga kể.
Phụ huynh này đánh giá, với chi phí 180.000 đồng/năm học (tương đương 20.000 đồng/tháng), dịch vụ tin nhắn điện tử sẽ thực sự phát huy hiệu quả trở thành kênh thông tin chính thống, kết nối liên lạc giữa nhà trường với gia đình khi được nhà trường tận dụng hết các tính năng. “Vào ngày sinh nhật của từng học sinh, thông qua tin nhắn điện tử giáo viên chủ nhiệm cũng sẽ gửi lời chúc mừng sinh nhật đến các con, nhận được tin nhắn này các con rất vui vẻ. Nói như vậy để thấy rằng nếu giáo viên khai thác hết tính năng của ứng dụng tin nhắn điện tử thì cũng giúp gia tăng sự đồng hành, kết nối giữa gia đình và nhà trường” – chị Hồng Nga nhìn nhận.
Tại Trường THCS Minh Đức (Q.1), nhiều năm nay sổ liên lạc điện tử của trường được sử dụng vào nhiều mục đích, hỗ trợ kết nối thông tin giữa gia đình và nhà trường một cách thông suốt, liên tục.
Cô Trần Thúy An – Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức chia sẻ, ứng dụng tin nhắn điện tử đang được nhà trường sử dụng cho phép phụ huynh theo dõi mọi hoạt động liên quan đến việc học của con ở trường, với rất nhiều tính năng: Chuyện lớp học của con, báo bài, điểm danh hàng ngày, thời khóa biểu mỗi ngày, khen thưởng kỷ luật, kết quả học tập… Ngoài ra, ứng dụng còn được tích hợp app học tập trực tuyến K12 Online, phụ huynh sẽ dễ dàng đồng hành với con trong việc học trực tuyến tại nhà, trang bị cho con kỹ năng tự học hiệu quả.
“Phụ huynh sẽ cài app trên điện thoại, với mã số học sinh để sử dụng kết nối. Hàng ngày, học sinh đi trễ, vắng đều được thông báo đến phụ huynh vào buổi sáng. Ngoài các thông tin chung của nhà trường gửi đến app cho phụ huynh còn là các thông tin riêng của từng khối lớp, nhắc nhở học sinh những nội dung liên quan đến việc học, báo bài. Với những học sinh nào trong ngày có điều gì đặc biệt thì giáo viên sẽ có thêm tin nhắn riêng trực tiếp giữa giáo viên với phụ huynh. Đặc biệt, phụ huynh có thể nộp đơn xin nghỉ học cho con ngay trên app gửi nhà trường xét, duyệt, phụ huynh không phải đến tận trường để gửi đơn như trước đây” – cô Trần Thúy An hào hứng.
Kịp thời hỗ trợ giải đáp thắc mắc của phụ huynh
“Cho tôi xin trao đổi với cô hiệu phó” – tin nhắn được một phụ huynh gửi đến cô Nguyễn Thị Hà – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phước Long (TP.Thủ Đức) từ dịch vụ sổ liên lạc điện tử của trường. Nội dung phụ huynh trao đổi xung quanh việc “nhờ” cô phó hiệu trưởng tư vấn gỡ khó chuyện con có nguyện vọng theo học một ngành nhưng gia đình lại mong muốn con theo học ngành khác.
“Thông qua sổ liên lạc điện tử, phụ huynh có thắc mắc, băn khoăn gì về chuyện học hành, rèn luyện của con ở lớp, có thể trực tiếp trao đổi với giáo viên chủ nhiệm, trực tiếp kết nối với Ban Giám hiệu nhà trường. Chính từ điều này, mọi thông tin liên lạc của trường với phụ huynh đều được thông suốt, các thắc mắc cũng được kịp thời hóa giải” – cô Hà hào hứng.
Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hà nhận định, khác với các khối lớp nhỏ, học sinh THPT với nhiều thay đổi về phương pháp học, môn học, liên quan đến định hướng ngành nghề sau này vì thế nếu chỉ đơn thuần thông qua kênh liên lạc giữa giáo viên chủ nhiệm thì phụ huynh chưa thể nắm hết được thông tin, ngoài ra áp lực cũng sẽ đặt thêm lên giáo viên chủ nhiệm.
“Không chỉ điểm danh, báo bài, nhắc nhở việc học của con ở trường, kết quả học tập ở các môn, những thông tin ở trường lớp khi giáo viên thông báo đến học sinh cũng sẽ được thông tin cùng lúc đến phụ huynh, giúp phụ huynh nắm bắt nhanh chóng, thuận tiện trong việc giám sát, đồng hành cùng con việc học ở trường. Khi nắm về các thông tin hoạt động của trường, thắc mắc được giải đáp kịp thời, phụ huynh dễ dàng đồng hành cùng nhà trường chăm lo, giáo dục học sinh” – cô Hà khẳng định.
Phụ huynh Trường THCS Minh Đức có thể gửi đơn xin phép nghỉ học trên sổ liên lạc điện tử
Nhiều nhà quản lý giáo dục nhận định, do dịch vụ tin nhắn điện tử là dịch vụ thỏa thuận với phụ huynh nên khi sử dụng triển khai trong nhà trường phải để phụ huynh nhận thấy tính hiệu quả bằng việc khai phá, tận dụng hết các tính năng của dịch vụ này. Điều này lại khiến nhiều trường rơi vào những tình huống “dở khóc, dở cười”.
“Số tin nhắn gửi đến phụ huynh thông tin ứng dụng sổ liên lạc điện tử phải có sự cân đối, tính toán. Nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm mỗi ngày phải nhắn ít nhất là một tin đến phụ huynh qua dịch vụ tin nhắn điện tử. Vậy mà nhiều phụ huynh vẫn không thích khi nhận được quá nhiều tin nhắn của trường gửi đến, thậm chí còn coi là tin nhắn rác” – hiệu trưởng một trường THCS tại Q.Bình Thạnh chia sẻ.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hoài Nam thông tin, ứng dụng sổ liên lạc điện tử là dịch vụ thỏa thuận giữa nhà trường với phụ huynh. Chỉ khi có sự đồng thuận của phụ huynh nhà trường mới triển khai ứng dụng này, nhằm hỗ trợ đảm bảo thông tin liên lạc kịp thời, nhanh chóng, chính thống giữa gia đình và nhà trường.
“Khi triển khai, nhà trường cần sử dụng hiệu quả các tính năng của ứng dụng, hỗ trợ nhà trường thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số trong quản trị nhà trường, đặc biệt là tạo được sự đồng hành của phụ huynh, học sinh” – ông Lê Hoài Nam nhấn mạnh.
Khương Yến
Bình luận (0)