Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Sử dụng kính mắt giá rẻ: Lợi bất cập hại

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nên cẩn trọng khi chọn mắt kính giá rẻ

Theo BS.CKII Phan Hồng Mai (Phó khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt TP.HCM) khi đeo kính ra ngoài nắng thì mắt mở lớn, ánh sáng chiếu trực tiếp vào, nếu tròng kính không bảo vệ được mắt thì sẽ gây nên các bệnh viêm giác mạc, hạt kết giác mạc, mộng, thậm chí gây thoái hóa võng mạc ở bên trong mắt.
Giá kính “trên trời dưới đất”…
Trước cửa các tiệm kính lớn tại TP.HCM thường xuất hiện những lời quảng cáo “có cánh”: “Bán kính giá gốc, đảm bảo hàng chính hãng, hàng xịn rẻ tiền, ở đâu rẻ hơn trả lại tiền…”. Ông Trần Văn Cư, Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty TNHH Mắt kính Trường Hào Phát cho biết: “Đây chính là chiêu thức marketing của các nhà kinh doanh kính”.
Chúng tôi vào một tiệm kính chuyên cung cấp sỉ trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1, TP.HCM thấy bày bán rất nhiều loại kính có thương hiệu: Chanel, Dior, Gucci, Rayban… Các loại kính này giá nào cũng có. Cụ thể là khi chúng tôi hỏi mua gọng kính cận hiệu Gucci, cô nhân viên nhanh nhẹn tiếp lời: “Chị muốn lấy loại xịn hay loại rẻ? Loại rẻ là 35.000 đồng, nhưng có loại cả chục triệu”. Nhìn mấy chiếc kính cùng loại mà khác giá tiền chúng tôi thắc mắc: “Căn cứ vào đâu phân biệt cái nào đắt tiền cái nào rẻ tiền?”. Chủ cửa hàng nói: “Chỉ người trong nghề biết được thôi, chị bán kính lâu năm mà còn khó phân biệt”. Theo ông Cư thì hiện nay người ta có thể làm giả kính ở 6 cấp độ từ F1-F6 theo chỉ số chất lượng giảm dần. Các loại kính này có hình dáng, mẫu mã giống hệt nhau do đó người tiêu dùng không phân biệt được hàng giả và hàng thật nếu chỉ nhìn bằng mắt thường. Ông cũng cho biết thêm: “Chúng tôi thường xuyên khảo sát thị trường và thấy hàng trôi nổi rất nhiều, là kính hàng giả nhưng bán với giá kính hàng chính hãng. Khi phát hiện kính của công ty bị làm giả chúng tôi phải lấy mẫu về, rồi lấy kính lúp ngồi soi từng chi tiết thì mới phát hiện ra được”.
Chúng tôi cũng “thử đi chợ kính”. Điểm dừng chân là chợ Kim Biên (quận 5), vì ở đây chuyên cung cấp hàng sỉ. Tại sạp kính TG, chúng tôi được giới thiệu rất nhiều mẫu mã bắt mắt từ kính râm đến kính thuốc. Nếu mua sỉ thì kính râm có giá rẻ nhất là 7.000 đồng/cái, còn gọng kính cận là 20.000 đồng/gọng hiệu Chanel. Nhưng nếu vị khách nào muốn mua lẻ thì chịu giá “cắt cổ”. Kính râm giá 7.000 đồng nhưng được chào bán với giá 80.000 đồng, còn kính cận giá 20.000 đồng nếu bán lẻ là 120.000 đồng. Theo ông Cư thì kính trôi nổi chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc, tỉ lệ chiếm tới 80%.
Chất lượng còn bị bỏ ngỏ…
BS.CKII Phan Hồng Mai cho biết: “Mắt là một hệ thống quang học, khi đeo kính thì kính tham gia vào hệ thống quang học của mắt, nếu chất lượng kính tốt sẽ bảo vệ mắt tốt”. Nhưng trên thực tế thì vấn đề chất lượng của kính còn bị bỏ ngỏ, bởi lẽ người tiêu dùng vẫn quan tâm nhiều đến giá cả hơn chất lượng.
Là một người có kinh nghiệm trong nghề kính hơn 20 năm, ông Cư chia sẻ: “Đối với một chiếc kính thì tròng kính là quan trọng nhất, tác dụng của tròng kính là bảo vệ mắt còn gọng kính thì chỉ là vật nâng đỡ. Bởi vậy khi mua kính nên chọn gọng có giá tiền vừa phải, đầu tư nhiều vào tròng”. Ông cho biết thêm: “Hiện nay, có 4 loại tròng chất lượng đảm bảo là tròng ORMA(CR-39) chống tia UV 95%, tròng polycarbonate và tròng chiết xuất cao từ 1.6 trở lên, hai loại này có khả năng chống tia UV tới 100%, tròng thủy tinh (glass) dễ vỡ nhưng chống tia UV tới 90%. Nếu như dùng tròng kính không đảm bảo về chất lượng sẽ không chống được tia cực tím mà còn gây hại cho mắt. Một số loại kính trên thị trường chỉ tránh được đất đá bay vào mắt chứ hoàn toàn không có tác dụng bảo vệ mắt khỏi tia UV”.
Theo BS. Phan Hồng Mai: “Đối với kính mát cũng nên đeo kính có độ có tác dụng chống tia cực tím, một số trường hợp phải nhập viện vì tròng kính bị vỡ gây chấn thương cho mắt. Nếu chất lượng kính không tốt bệnh nhân nhìn sẽ mờ, gây nhức đầu và ảnh hưởng lâu dài tới mắt”. Còn theo ông Cư thì kính không đảm bảo là một trong những nguyên nhân gây nên các tật khúc xạ. Khi mua kính người tiêu dùng nên đến những nơi tin cậy để đo khám và lắp ráp kính. Đồng thời nên yêu cầu đo mức độ chống tia UV của kính bằng máy truyền quang phổ.
Bài, ảnh: Nghiêm Quế

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)