Bộ GD-ĐT đang có chủ trương sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa cho một chương trình. Mục đích của cách làm này là nhằm tạo điều kiện cho các vùng miền lựa chọn một bộ SGK phù hợp để nâng cao chất lượng giáo dục.
Được phép lựa chọn nhưng không thể tuỳ tiện
Theo đánh giá của giới chuyên môn thì việc sử dụng nhiều bộ SGK cho một chương trình thì có thể huy động được nhiều trí thức tham gia. Tuy nhiên vấn đề mấu chốt là làm sao tổ chức chỉ đạo thực hiện để chọn được những tác giả phù hợp với việc viết SGK.
Người viết SGK không những cần có kiến thức chuyên môn mà còn phải có kỹ năng sư phạm, am hiểu tâm sinh lý học sinh, có phương pháp trình bày phù hợp, nắm vững yêu cầu của chương trình phổ thông cũng như tình hình thực tế của nhà trường.
Bên cạnh đó, vấn đề chi phí để viết nhiều bộ SGK vẫn là câu hỏi mà chưa có đáp án. Chính vì vậy, ngay cả việc đầu tư kinh phí cho việc viết SGK cũng cần có cơ chế rõ ràng, nếu không có sự giám sát chặt chẽ thì hiện tượng “vận động” để bộ sách được chọn sẽ khó tránh khỏi.
Ngoài ra, khi tồn tại nhiều bộ SGK thì sẽ có nhiều nhà xuất bản tham gia in SGK, khả năng xảy ra những cuộc “vận động hành lang” các giám đốc Sở hoặc Hiệu trưởng chọn bộ SGK của nhà xuất bản đó in ra sẽ làm cho thị trường sách “chao đảo”, trong khi chất lượng thì khó mà kiểm soát.
Trao đổi với Dân trí về những thắc mắc trên, Phó giáo sư Tiến sỹ Chu Hồng Thanh (Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Bộ Giáo dục và Đào tạo, thường trực Ban soạn thảo luật giáo dục) cho biết: Việc quy định các tổ chức, cá nhân có quyền biên soạn sách để sử dụng làm sách giáo khoa nhằm mục đích khai thác tiềm năng trí tuệ trong xã hội, huy động các nhà giáo, nhà khoa học tham gia biên soạn sách giáo khoa. Việc có nhiều bộ sách và các tổ chức, cá nhân có thể biên soạn sách để sử dụng làm sách giáo khoa vẫn đảm bảo tính chặt chẽ, theo quy định pháp luật.
“Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ quy định cụ thể tiêu chuẩn sách giáo khoa, việc biên soạn, sử dụng sách giáo khoa. Thẩm quyền quyết định lựa chọn sách giáo khoa tại cơ sở giáo dục phổ thông ở từng địa phương được dự thảo Luật giao cho giám đốc Sở GD-ĐT (Hoặc Hiệu trường nhà trường theo phương án 2), vì vậy việc lựa chọn sách sử dụng làm sách giáo khoa là không thể tùy tiện mà phải tuận theo các quy định với các quy trình, trình tự, thủ tục và tiêu chuẩn cụ thể”, ông Thanh nhấn mạnh.
Nhiều bộ sách sẽ “loạn” chương trình?
Theo ý kiến của nhiều nhà sư phạm thì Bộ GD-ĐT cần lại xem xét lại việc thẩm định và quyết định ban hành nhiều cuốn sách giáo khoa có chung một chuẩn kiến thức liệu có đơn giản và bớt tốn kém hơn là khuyến khích các nhà khoa học, nhà sư phạm viết sách, sau đó chọn ra một bộ sách giáo khoa chuẩn hay không?
Cách làm này cũng tránh được tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các tác giả, nhóm tác giả. Mục tiêu của giáo dục – đào tạo là nhằm đào tạo những con người phát triển một cách toàn diện vì vậy không nên dùng nhiều Bộ SGK.
Với sự phát triển của xã hội, để đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước thì học sinh thuộc mọi tầng lớp, nơi cư trú đều được học và phải học theo một chuẩn kiến thức nhất định.
Ngoài ra, hiện nay ngành giáo dục đang sử dụng một bộ SGK mà còn đó không ít “sạn”, chính vì vậy nếu dùng nhiều bộ SGK thì chất lượng sẽ như thế nào và ai sẽ là người chịu trách nhiệm về những sai sót trong các bộ sách đó?
Như vậy, nếu đưa nhiều bộ SGK vào giảng dạy thì tình trạng “loạn” chương trình đào tạo giữa các địa phương là điều khó trách khỏi. Nhưng trên hết, với phương thức thực hiện này sẽ làm gia tăng khoảng cách giáo dục giữa vùng cao với miền xuôi…
Chính vì thế, mỗi đề xuất trong dự thảo luật phải dựa trên cơ sở phản ánh đầy đủ các yêu cầu khách quan của xã hội, xã hội cần, xã hội có, xã hội có thể chấp nhận được. Vấn đề “một chương trình, nhiều bộ SGK” để được Quốc hội thông qua sẽ phải thỏa mãn được những yêu cầu chính đáng của xã hội và có tính khả thi cao.
Nguyễn Hùng (Dan tri)
Bình luận (0)