Giáo viên Trường THCS Võ Trường Toản (quận 1) dùng máy tính nhắn tin về hoạt động của HS qua điện thoại di động
|
Thay vì phải gọi điện thoại hay dùng sổ liên lạc thông báo với phụ huynh (PH) các hoạt động học tập và rèn luyện của học sinh (HS), năm học mới này nhiều trường sẽ áp dụng “sổ liên lạc tin nhắn” thay cho các hình thức trên. Thực chất “sổ liên lạc tin nhắn” chính là tính năng mới SMS parents của phần mềm quản lý nhà trường SMAS 2.0 mà Viettel đang phối hợp với Bộ GD-ĐT thực hiện.
Hữu ích nhưng đừng lạm dụng
Với phần mềm quản lý nhà trường SMAS 2.0, PH có thể xem thông tin về mọi hoạt động của con mình qua internet. Còn tính năng SMS parents giúp PH nhận được thông tin ngay khi có tình hình mới về kết quả học tập hay các sự kiện tại trường trên điện thoại di động. “Sổ liên lạc tin nhắn” cung cấp gồm tin nhắn tự động theo định kỳ và tin nhắn chủ động với đầy đủ thông tin về kết quả học tập, rèn luyện của con cũng như các thông báo đột xuất. Từ đó, gia đình có thể kịp thời phối hợp với nhà trường giáo dục nâng cao chất lượng học tập cũng như rèn luyện đạo đức cho các em.
Chị Nguyễn Thị Anh (quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Năm học trước, tôi thường nhận được thông báo của giáo viên qua sổ liên lạc về việc mời lên trường họp PH hay ở trường con tôi gặp những rắc rối gì để gia đình cùng chung tay giải quyết. Năm nay, nhờ có thêm tính năng SMS parents nên tôi có thể nhận được thông tin học tập của con hàng ngày”.
Thầy Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Trường Toản (Q.1), nhận xét: “Sổ liên lạc tin nhắn” có tác dụng ngay tức khắc khi thông báo cho PH biết thông tin về hoạt động của con ở trường. Một số học sinh chưa ngoan khi sử dụng sổ liên lạc thông thường có thể giấu bố mẹ về những việc quậy phá của mình ở trường bằng cách dùng chữ ký giả, còn hình thức nhắn tin qua điện thoại thì chắc chắn PH sẽ đọc được.
Trường THCS Điện Biên (quận Bình Thạnh) là một trong những trường thực hiện thí điểm hệ thống quản lý nhà trường SMAS 2.0 gần 2 năm nay. Theo cô Phạm Thị Thủy, Hiệu trưởng nhà trường, đây là một phương tiện khá hữu ích trong việc giúp giáo viên liên hệ với PH nhanh chóng. Tuy nhiên, chúng ta không nên quá lạm dụng hình thức này, việc trao đổi trực tiếp tình hình học tập, rèn luyện đạo đức của học sinh vẫn rất cần thiết bởi có trao đổi trực tiếp thì PH mới hiểu sâu sát vấn đề hơn để từ đó phối hợp với giáo viên giáo dục con em mình một cách hiệu quả. Hơn thế nữa, một số PH thường xuyên thay đổi số điện thoại nên khi đăng ký gói cước sử dụng theo quý hay theo tháng, đôi lúc PH không nhận được thông báo của giáo viên… Thầy Nguyễn Văn Vượng, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (quận Tân Bình) cho biết nhà trường vẫn cân nhắc trong việc sử dụng dịch vụ này bởi sổ liên lạc thông thường còn nhiều hữu dụng. Thầy Vượng chia sẻ: “Sổ liên lạc tuy là cách làm truyền thống nhưng vẫn rất hay vì PH vẫn theo dõi được tình hình học tập của con hàng ngày, hơn nữa, ngoài thông tin về kết quả học tập, giáo viên còn ghi rõ những nhận xét cụ thể trong khi tin nhắn trong điện thoại cần ngắn gọn. Ngoài ra, khi học sinh vắng mặt mà không có lý do, nhà trường thường có bộ phận giám thị gọi điện hỏi gia đình để nắm rõ tình hình. Nói như vậy không có nghĩa là chúng tôi phủ nhận công dụng của SMS parents mà thấy rằng đây chỉ là một công cụ gắn kết giữa PH và nhà trường nhanh hơn chứ không thể thay thế cho việc trao đổi trực tiếp giữa PH và nhà trường”.
Băn khoăn về chi phí
Năm học trước, Viettel cung cấp phần mềm quản lý nhà trường SMAS 2.0 hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên, với tính năng mới của “sổ liên lạc tin nhắn”, PH phải trả chi phí khi sử dụng. Vì vậy, đây là mối băn khoăn của nhiều PH có hoàn cảnh khó khăn.
Chị Nguyễn Thị Nhàn (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) chi sẻ: “Tôi có 2 đứa con đang học lớp 8 và lớp 9, nếu đăng ký gói cước nhận tin nhắn theo học kỳ thì mỗi học kỳ chỉ nhận khoảng 8 tin nhắn mà phải mất 10 ngàn đồng là hơi mắc so với tin nhắn thông thường”.
Cô Phạm Thị Thủy phân tích: “Với tính năng SMS parents, PH ở TP.HCM có thể chọn 3 gói cước để sử dụng: Gói cước 1 (thông báo theo kỳ) đóng nội mạng là 2 ngàn đồng/học kỳ, ngoại mạng là 4 ngàn đồng/học kỳ; gói cước 2 (thông báo hàng tháng) đóng nội mạng là 5 ngàn đồng/học kỳ, ngoại mạng là 10 ngàn đồng/học kỳ; gói cước 3 (thông báo hàng ngày) đóng nội mạng là 28 ngàn đồng/ học kỳ, ngoại mạng 50 ngàn đồng/học kỳ. Tuy gói cước không quá mắc nhưng PH ở trường có nhiều HS gia đình khó khăn như trường chúng tôi cân nhắc rất kỹ”. Trong khi đó, thầy Nguyễn Văn Vượng cho hay: “Nếu 100% PH đều sử dụng SMS parents thì chúng tôi sẽ áp dụng, còn ít hơn thì chưa chắc chắn vì sẽ gây phức tạp cho giáo viên”.
Bài, ảnh: Dương Bình
Hơn một năm qua, Viettel đã triển khai miễn phí hệ thống quản lý nhà trường SMAS 2.0 (School Mangement System) để hỗ trợ các trường học từ TH đến THPT có công cụ quản lý toàn diện HS, giáo viên và các nghiệp vụ liên quan. Đến nay đã có hơn 8.500 trường (52/63 tỉnh, thành) tham gia. |
Bình luận (0)