Gần đây, hàng chục sản phẩm gắn với thảo dược Trinh nữ hoàng cung xuất hiện. Nhiều sản phẩm còn được đồn thổi có thể “xua tan nỗi lo ung bướu”, điều trị bệnh u xơ hiệu quả…, trong khi là thực phẩm chức năng.
Nhiều người thậm chí còn tự tìm lá cây Trinh nữ hoàng cung trôi nổi trên thị trường sắc uống… bất chấp những cảnh báo của các nhà khoa học. Mặc dù đây là loại dược liệu quý, song với việc kiểm soát chất lượng dược liệu còn bỏ ngỏ như hiện nay, người dùng cần hết sức cẩn trọng với loại dược liệu quý này.
Tiến sĩ Trâm cảnh báo không nên dùng thảo dược Trinh nữ hoàng cung bừa bãi. |
Chọn đúng cây
Trinh nữ hoàng cung (TNHC) – cây thuốc quý, vốn được biết đến trong dân gian – là loại dược liệu quý, để điều trị các bệnh về u bướu. Từ những năm 1990, người dân đồn nhau tìm lá cây TNHC tươi để chữa bệnh u xơ tử cung và phì đại lành tính tuyến tiền liệt. Hiện nay, nhiều người bệnh cũng đang sử dụng kinh nghiệm dân gian: mua lá TNHC về sắc uống hàng ngày.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ, Dược sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm – nhà khoa học nhận giải thưởng Kovalevskaia với công trình nghiên cứu về cây TNHC – người bệnh không nên sử dụng các sản phẩm từ cây TNHC có nguồn gốc dược liệu chưa được kiểm chứng về nguồn nguyên liệu lá TNHC.
Là người nghiên cứu về cây TNHC từ năm 1990, Tiến sĩ Trâm cho rằng: cần hết sức cẩn trọng với các bài thuốc gắn với TNHC. Bởi lẽ, mặc dù công dụng trong điều trị u bướu của TNHC đã được chứng minh dựa trên cơ sở khoa học và lâm sàng, nhưng tác dụng ấy chỉ đúng ở cây TNHC Việt Nam (có tên khoa học Crinum latifolium L. họ Amaryllidaceae).
Chỉ có các nhà khoa học mới xác định được chính xác cây TNHC dựa trên cơ sở kết quả nghiên cứu về gen (ADN), chứ người thường không thể phân biệt được dựa trên hình thái thực vật. Bởi lẽ ở Việt Nam có tới 7 cây có hình thái thực vật giống nhau và giống với cây TNHC nhưng chỉ khác nhau về gen (ADN). Tuy nhiên chúng lại có độc tính, làm ảnh hưởng tới gan, thận và các chức năng khác của cơ thể.
Vì thế, nếu sử dụng các sản phẩm được sản xuất từ nguồn nguyên liệu chưa được kiểm soát chất lượng, không những không có tác dụng chữa bệnh, mà rất có thể ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng.
Ngay cả khi đã chọn đúng loại cây TNHC mà vùng trồng không đạt yêu cầu về thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước, quá trình chăm sóc, thời gian thu hái, chế biến thì dược liệu đó cũng không đảm bảo hàm lượng hoạt chất sinh học để làm thuốc. Do đó, khi sử dụng loại dược liệu này, người dân cần thận trọng, tìm hiểu rõ nguồn gốc dược liệu, cũng như tìm hiểu các loại thuốc điều trị đã được Bộ Y tế cho phép.
Đâu là bài thuốc?
Từ những năm 2004, khi công trình nghiên cứu về bài thuốc điều trị u xơ tử cung và phì đại lành tính tuyến tiền liệt của Tiến sĩ, Dược sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm và các nhà khoa học trong và ngoài nước chứng minh được tác dụng thực sự của cây TNHC, thì hàng loạt các sản phẩm gắn mác TNHC đua nhau ra đời.
Liệt kê sơ sơ cũng có cả chục loại, bao bì thiết kế bắt mắt, dược tính, công dụng, hướng dẫn sử dụng đầy đủ. Nhưng hầu hết… đều là thực phẩm chức năng, được chiết xuất thành viên nang và bày bán trong… nhà thuốc tây. Nếu không đọc kỹ, người tiêu dùng rất dễ lầm tưởng thuốc trị bệnh.
Nhiều sản phẩm còn được đồn thổi có thể “xua tan nỗi lo ung bướu” hay “nâng cao hiệu quả điều trị bệnh u xơ, u nang”, thậm chí là dẫn chứng tác dụng… tiêu tan khối u, trong khi mới là dạng thực phẩm chức năng. Thực tế này khiến không ít người bệnh “hoa mắt, chóng mặt” vì không biết đâu là thuốc được nghiên cứu chính xác từ cây TNHC.
Trong khi đó, theo khẳng định của Cục Quản lý dược – Bộ Y tế, trên thị trường chỉ có hai sản phẩm được công nhận là thuốc điều trị bệnh, sản xuất từ cây TNHC. Đó là thuốc CRILA, được bào chế từ các alcaloid, có hoạt tính sinh học chiết xuất từ lá cây TNHC của Công ty TNHH Thiên Dược (số đăng ký: V1167-H12-10 với chỉ định điều trị u phì đại tuyến tiền liệt và u xơ tử cung); và Tadimax của Danapha – bài thuốc có thành phần TNHC phối hợp với vài loại dược liệu khác của Việt Nam với một chỉ định điều trị phì đại lành tính tuyến tiền liệt, không chỉ định điều trị u xơ tử cung.
Viên nang CRILA đã được thử nghiệm lâm sàng tại Viện Lão Khoa, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, Bệnh viện Y học Cổ truyền TPHCM, Bệnh viện Phụ sản Trung Ương, Bệnh viện Từ Dũ và được hội đồng khoa học công nghệ – Bộ Y tế đánh giá với hiệu quả điều trị phì đại lành tính tuyến tiền liệt là 89,18%, đối với u xơ tử cung là 79,5%.
Đây là sản phẩm được nghiên cứu, sản xuất theo các tiêu chuẩn của y dược hiện đại như: GMP-WHO (Thực hành tốt sản xuất thuốc), GLP (Thực hành tốt phòng kiểm nghiệm thuốc), GSP (Thực hành tốt bảo quản thuốc).
Mới đây, vùng trồng TNHC làm nguyên liệu sản xuất thuốc CRILA của công ty Thiên Dược rộng 15ha tại Long Thành – Đồng Nai cũng đã đạt tiêu chuẩn GACP-WHO (Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới).
Đây là bước tiến mới nhằm kiểm soát, quản lý, tạo nguồn dược liệu sạch để cho ra đời những viên thuốc có chất lượng cao, an toàn và hiệu quả. Được biết, đây là vùng trồng cây TNHC đầu tiên của Việt Nam thực hiện theo tiêu chí này
Băn khoăn
Dưới góc nhìn của một dược sĩ đã có nhiều năm nghiên cứu về dược liệu, Tiến sĩ Trâm chia sẻ: Thực tế hiện nay, trong việc quản lý nguồn dược liệu sản xuất thuốc và sản phẩm thuốc được sản xuất từ dược liệu, cũng như các sản phẩm thực phẩm chức năng khác, vẫn chưa chặt chẽ và mới chỉ quản lý được đầu ra là chủ yếu, còn đầu vào là nguồn dược liệu sản xuất thuốc và thực phẩm chức năng thì chưa quản lý được.
Bên cạnh đó, quy trình chế biến dược liệu chưa được tiêu chuẩn hóa và chưa được kiểm soát từng khâu trong sản xuất, dẫn đến tình trạng chất lượng không ổn định.
Điều kiện trang thiết bị sản xuất ở nhiều cơ sở, đặc biệt các cơ sở tư nhân còn thủ công, dễ bị nhiễm khuẩn. Một số cơ sở sản xuất không kiểm tra nguyên liệu đầu vào, nên sản phẩm sản xuất từ dược liệu chất lượng còn thấp và bài thuốc khi chuyển từ dạng bào chế theo y học cổ truyền sang dạng bào chế hiện đại không đạt hàm lượng hoạt chất sinh học nên ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.
Vì thế, để người bệnh chọn đúng sản phẩm, theo tôi điều vô cùng quan trọng đó là phải có những chương trình tuyên truyền về sự khác biệt của thực phẩm chức năng và thuốc để người bệnh nâng tầm hiểu biết của họ, khỏi nhầm lẫn giữa thuốc và thực phẩm chức năng. Bản thân người bệnh cũng cần nâng cao nhận thức về phòng, chữa bệnh. Lời khuyên của tôi đó là có bệnh là phải dùng thuốc để điều trị, thực phẩm chức năng chỉ mang tính hỗ trợ mà thôi – Tiến sĩ Trâm cho biết.
Trần Thắng
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)