Sự kiện giáo dụcTin tức

Sử dụng thẻ bảo hiểm y tế mới: Học sinh nhiêu khê đi khám chữa bệnh

Tạp Chí Giáo Dục

Thiếu bất nhất trong việc dán ảnh vào thẻ BHYT đã gây nhiều khó khăn cho giáo viên khi đi KCB

Sau hơn 1 tuần đưa thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) mới vào sử dụng (từ 1-1-2010) đã nảy sinh rất nhiều vấn đề nhiêu khê, gây khó khăn cho người tham gia BHYT, nhất là đối tượng học sinh khi đi khám chữa bệnh (KCB)…
Chỉ tại cái ảnh
Từ 1-1-2010, theo Luật BHYT, người tham gia BHYT phải sử dụng thẻ BHYT với mã thẻ mới. Khác với thẻ BHYT trước đây, thẻ BHYT mới có một khung dành cho việc dán ảnh. Và cái khung này đã gây rất nhiều phiền toái, rắc rối cho người tham gia BHYT khi đi KCB. Điều này trái ngược với hy vọng giảm bớt giấy tờ cho người tham gia BHYT của những người biên soạn Luật BHYT. Bởi với thẻ cũ, khi đi KCB, người tham gia BHYT phải kèm theo chứng minh nhân dân hoặc thẻ học sinh, sinh viên…
Tại bệnh viện Q.3, chị Tú – phụ huynh một học sinh đang học THCS trên địa bàn Q.3 bức xúc: “Vì bệnh viện Q.3 chỉ KCB bằng thẻ BHYT các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 nên thứ 4 tôi phải lên trường xin cho cháu nghỉ để đi khám bệnh. Lấy số và sếp hàng chờ từ 8 giờ sáng đến hơn 10 giờ mới tới lượt. Khi đưa thẻ BHYT của cháu ra, cô nhân viên “chất vấn”: “Thẻ có khung ảnh sao không dán ảnh”, lúc đó tôi vội đưa thẻ học sinh của cháu ra nhưng cô này yêu cầu về nhà dán ảnh vào thẻ BHYT mới và phải đóng dấu giáp lai của trường (nơi cháu đang học). Thế là mất một buổi học mà vẫn không khám được bệnh…”
Tình trạng này cũng xảy ra ở Q.8. Thầy Hồ Hoàng Minh – Hiệu trưởng Trường chuyên năng khiếu TDTT Nguyễn Thị Định cũng cho biết là rất nhiều học sinh của trường đã bị từ chối KCB chỉ vì cái thẻ BHYT mới có khung dành cho việc dán ảnh. Khi cầm thẻ đi KCB, các em học sinh đều được cơ sở y tế yêu cầu dán ảnh.
Dán ảnh thì không khó, cái khó là phải đóng dấu giáp lai của nơi cấp thẻ BHYT. Hiện nay nơi cấp thẻ BHYT cho các trường học là phòng bảo hiểm xã hội (BHXH) quận, huyện. Trước ngày 1-1-2010, căn cứ theo danh sách học sinh của từng trường, các phòng BHXH quận, huyện đã cấp một loạt thẻ BHYT mới cho học sinh. Tất nhiên không có thẻ nào dán ảnh. Và bây giờ, khi cơ sở KCB yêu cầu dán ảnh có dấu giáp lai của nơi cấp thẻ thì học sinh phải cầm thẻ lên phòng BHXH quận, huyện để được đóng dấu. E rằng đóng được cái dấu thì bệnh đã trở nên nghiêm trọng…
Mỗi nơi làm một kiểu
Việc dán ảnh vào thẻ BHYT mới hoàn toàn không đồng nhất giữa các cơ sở KCB. Cùng khám chữa bệnh tại bệnh viện Q.1 nhưng học sinh của Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 không cần phải dán ảnh vào thẻ BHYT mới mà kèm theo thẻ học sinh như trước đây. “Từ 1-1 đến nay đã có một số học sinh đi KCB. Hiện vẫn chưa có học sinh, phụ huynh nào phàn nàn về việc khó dễ khi thực hiện thẻ BHYT mới”, cô Lê Thị Ngọc Điệp – Hiệu trưởng nhà trường cho biết. Trong khi đó, học sinh Trường THCS Đức Trí, Q.1 lại dán ảnh vào thẻ BHYT mới và “đóng dấu giáp lai của trường” – Hiệu trưởng nhà trường cô Nguyễn Thị Phi nói.
Ở bệnh viện Nguyễn Tri Phương, lúc thì yêu cầu bệnh nhân dán ảnh vào thẻ BHYT khi lại không. Anh N.T. (giáo viên THCS ở Q.5) cho biết, hôm rồi anh đi khám bệnh tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương, nhân viên y tế yêu cầu dán ảnh vào thẻ BHYT và kèm theo chứng minh nhân dân. Còn chị H.Q. (giáo viên tiểu học ở Q.5) cũng đi KCB tại đây thì không phải dán ảnh vào thẻ BHYT mà chỉ cần xuất trình chứng minh nhân dân.
Việc mỗi cơ sở y tế yêu cầu một kiểu đã khiến người tham gia BHYT cứ rối cả lên, không biết lối nào mà lần. Nhiều người bực mình vì phải mất thời gian đi lại nên không thèm khám BHYT nữa. Ngày 8-1, tại bệnh viện Q.3, một bệnh nhân bức xúc nói với nhân viên y tế ở đây: “Tháng tháng tôi đều phải trích lương để đóng tiền BHYT, nay bị bệnh đi khám lại gặp quá nhiều rắc rối…”.
Có lẽ sự bất nhất trong việc dán ảnh không phải lỗi của các cơ sở y tế mà là lỗi ở BHXH thành phố chưa có hướng dẫn cụ thể cho các quận, huyện.
Vì theo ông Hoàng Kiến Thiết, Trưởng ban cấp số thẻ BHYT – BHXH Việt Nam thì: “Dán ảnh vào thẻ là một trong những cải tiến của thẻ BHYT năm nay, giúp cho người tham gia không cần mang thêm nhiều giấy tờ tùy thân khi đi KCB. Nhưng do việc dán ảnh khó thực hiện đồng loạt ngay nên chúng tôi phấn đấu năm 2010 sẽ có 20% số thẻ BHYT có ảnh và đến năm 2014 sẽ có 100% thẻ BHYT có ảnh. Trước mắt ưu tiên thực hiện thẻ có ảnh cho nhóm trẻ em dưới 15 tuổi (khoảng 10 triệu em), nhóm cán bộ về hưu (khoảng 2,2 triệu người) và người có công với cách mạng (1,2 triệu người)”.
Và điều này cũng có nghĩa BHXH các quận, huyện trên địa bàn thành phố phải thực hiện việc dán ảnh vào thẻ BHYT cho học sinh từ mầm non đến THCS. Nếu không làm được thì giao cho các trường làm (đóng dấu giáp lai của trường thay vì đóng dấu của BHXH), chứ đừng để học sinh có thẻ mà không được KCB như đang xảy ra ở một số nơi…
Bài, ảnh: Hòa Triều
Bác sĩ Nguyễn Tài Dũng – Phó phòng Phòng học sinh – sinh viên Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Trước những bức xúc của các trường về việc học sinh bị từ chối KCB khi không dán ảnh vào thẻ BHYT, mới đây Sở GD-ĐT đã làm việc với BHXH TP và đề xuất nên để nhà trường đóng dấu. Tuy vậy, BHXH vẫn chưa có quyết định chính thức về vấn đề này…”
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)