Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Sử dụng thơ ca dạy lịch sử: Sinh động hóa kiến thức

Tạp Chí Giáo Dục

Khi thơ ca được sử dụng
đúng chỗ thì tiết học thực sự sinh động hơn, tạo hứng thú cho người học (ảnh
minh họa). Ảnh: T.V 
 

Câu thơ, lời nhạc, tục ngữ,
ca dao đều là những cảm xúc được bật ra tự nhiên từ tình cảm chân thực và có được
từ trải nghiệm cuộc sống. 
Ở bộ môn lịch sử, nếu giáo
viên (GV) biết vận dụng những dẫn chứng từ thơ ca thì tiết dạy sẽ sinh động và
hiệu quả hơn nhiều.
Học sinh nhớ lâu, nhớ kỹ
Khi nêu sự kiện Hồ Chủ tịch
cùng Chính phủ trở về Thủ đô sau tám năm ở chiến khu Việt Bắc, GV có thể đọc đoạn
thơ của Tố Hữu trong bài Lại về: “Về đến đây rồi Hà Nội ơi/ Người đi
kháng chiến 8 năm trời”.
Chắc chắn học sinh sẽ ghi nhớ mốc sự kiện
(1946-1954) hơn nếu thuộc thêm đoạn thơ đó. Và các em càng hiểu rõ hơn tinh thần
yêu nước của nhân dân Nam bộ trong ngày đầu kháng Pháp với vũ khí thô sơ và
gian nan vất vả qua lời bài hát Nam bộ kháng chiến của nhạc sĩ Thanh Sơn
mà GV giới thiệu đi kèm: “Thuốc súng kém chân đi không mà đoàn người giàu
lòng vì nước. Nốp với giáo mang ngang vai nhưng thân trai nào kém oai hùng”.
Không chỉ làm sống lại các sự
kiện, thơ và ca dao còn giúp học sinh ghi lại những dấu mốc quan trọng của lịch
sử nước nhà: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mồng 10 tháng 3”. Hoặc,
một đoạn thơ của Tố Hữu trong bài Hoan hô chiến sĩ Điện Biên cũng giúp
các em học sinh “chốt” được thời gian của chiến dịch Điện Biên Phủ gian lao cực
khổ: “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”. Hay
khi cất tiếng hát: “Mùa thu rồi ngày 23 ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến”
là học sinh sẽ nhớ ngay Ngày Nam bộ kháng chiến 23-9. Khắc sâu thêm thời gian, các
em còn nhớ địa danh một cách dễ dàng qua những câu thơ phổ biến: “Bà Trưng
quê ở Châu Phong/ Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên”
(Diễn
ca lịch sử
).
Thơ – dễ nhớ dễ thuộc – còn
có tác dụng khắc họa đậm nét các nhân vật lịch sử anh hùng giúp người học nhớ
lâu nhớ kỹ hơn: “Những đồng chí chôn thân làm giá súng (Bế Văn Đàn)/
Đầu bịt lỗ châu mai
(Phan Đình Giót)/ Những đồng chí chèn thân cứu pháo/
Nát thân nhắm mắt còn ôm
(Tô Vĩnh Diện)”.
Bốn câu thơ sau cũng đã thể
hiện được khí phách của liệt sĩ Phạm Hồng Thái khi ám sát toàn quyền Méc-lanh
không thành, ông đành nhảy xuống dòng Châu Giang tự vẫn: “Sống làm quả bom nổ/
Chết như dòng nước xanh”
(Phạm Hồng Thái – Tố Hữu). Đó cũng là lòng
căm thù giặc, tinh thần yêu nước của người công nhân Nguyễn Văn Trỗi làm nên lịch
sử ở 9 phút cuối cùng: “Hãy sống chết quang vinh/ Trước kẻ thù không sợ/ Vì
Tổ quốc hy sinh/ Như đời anh người thợ
”(Hãy nhớ lấy lời
tôi
).
Giờ học hứng thú
Cũng như các môn học khác,
khi học sinh đã tường tận từ lý thuyết và được “trang bị” thêm lời nhạc tiếng
thơ thì rõ ràng các tri thức khô cứng sẽ được “mềm hóa” hơn. Từ đó bài học luôn
được khắc sâu và đi vào lòng người một cách tự nhiên. Không những thế, khi thơ
ca được sử dụng đúng chỗ thì tiết học thực sự sinh động hơn, tạo thêm “chất xúc
tác” trong hứng thú của người học và đưa đến hiệu quả bất ngờ là học sinh tham
gia tiết học sáng tạo và hăng say hơn. Đây cũng là cách GV thực hiện được yêu cầu
tổ chức hoạt động học tập theo hướng tích hợp mà cụ thể là môn lịch sử đã tích
hợp được với văn học, âm nhạc và mỹ thuật.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý
thêm, cách sử dụng nên ở mức độ vừa phải, cho phép. Tránh lạm dụng, tham lam
quá nhiều dễ biến giờ học sang giờ giảng văn. GV phải biết chọn lọc tư liệu,
đưa ra đúng lúc đúng chỗ mới gây hiệu ứng mạnh. Cách liên hệ cũng nhẹ nhàng,
phù hợp và tự nhiên. Không nên khiên cưỡng, máy móc và gượng ép.
Đây là những kinh nghiệm mà
chúng tôi rút ra được trong quá trình giảng dạy của mình. Vẫn biết rằng còn có
nhiều khiếm khuyết nhưng đây là phương pháp dạy hấp dẫn, hứng thú để học sinh
yêu thích bộ môn lịch sử.
Nhóm GV Sử
(Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.Thủ Đức)
Ngoài việc xây đắp tâm hồn
và tri thức cho học sinh, dạy sử bằng thơ ca giúp các em sưu tầm, thu thập thêm
thông tin tư liệu để có thêm nhiều góc nhìn khác nhau về lịch sử. Qua sự tìm
tòi, các em sẽ được rèn luyện thêm kỹ năng thực hành, biết vận dụng lý thuyết
vào thực tế cuộc sống.
 
 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)